Cảnh ngộ bi đát của ba cha con trong vụ án Bệnh viện Tim Hà Nội
Chiều mai (21-4), Tòa án Hà Nội sẽ đưa ra phán quyết về vụ án xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Nhiều người kỳ vọng rằng, cựu giám đốc bệnh viện sẽ được hưởng mức án nhân văn, bởi bên cạnh tội trạng thì những đóng cho ngành Y của bị cáo Tuấn là rất đáng kể. Tuy nhiên trong vụ án này, cảnh ngộ của ba cha con bị cáo Nguyễn Đức Đảng cũng khiến không ít người phải buồn lòng, xót xa...
Cuộc "hội ngộ" đầy nước mắt và đắng cay
Trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn (cựu Giám đốc) và 11 bị cáo liên quan cùng bị đưa ra xét xử về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", theo khoản 3, Điều 222-BLHS.
Những ngày xét xử vụ án, bị cáo Tuấn luôn là tâm điểm của dư luận xã hội với nhiều góc nhìn, trong đó phần lớn mọi người đều bày tỏ sự tiếc nuối cho một tài năng về y thuật. Nhưng có một điều lạ là ở nhiều thời điểm xét xử vụ án, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội luôn miệng nói những lời cảm ơn, xin lỗi đối với hai công ty Hoàng Nga, Kim Hòa Phát và cá nhân bị cáo Nguyễn Đức Đảng.
Đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa
Trở lại hành vi phạm tội của các bị cáo, ba bố con bị cáo Nguyễn Đức Đảng (SN 1976, cựu Chủ tịch Công ty Hoàng Nga), Phạm Huy Lập (SN 1952, cựu Giám đốc Công ty Hoàng Nga, bị cáo Lập là bố vợ bị cáo Đảng) và Phạm Thị Kim Oanh (SN 1981, cựu Kế toán Công ty Hoàng Nga, vợ bị cáo Đảng) cùng bị đưa ra xem xét với vai trò giúp sức cho bị cáo Tuấn hợp thức hóa việc đấu thầu thiết bị y tế, gây thiệt hại hơn 47 tỷ đồng.
Tại tòa, cả ba bố con bị cáo Đảng đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của bản thân. Theo lời trình bày của các bị cáo này, đây là công ty gia đình, cả ba cùng không có chuyên môn về y học. Công ty chủ yếu do Oanh điều hành, quản lý và "dựng" chồng làm Chủ tịch, nhờ bố đẻ - một kỹ sư về hưu đứng tên Giám đốc, đại diện doanh nghiệp.
Khai báo tại tòa, bị cáo Lập thú nhận bản thân không chỉ không biết tí gì về y học, y thuật hay thiết bị y tế mà ngay cả việc kinh doanh thuần túy cũng gần như "tịt mù". "Tuy là giám đốc nhưng thực chất các con bảo ký tá gì thì tôi ký thôi" - bị cáo Lập phân trần.
Luận tội các bị cáo, Kiểm sát viên cho rằng, các bị cáo trong vụ thực hiện việc mua sắm, chỉ định thầu rút gọn, đấu giá tại Bệnh viện Tim Hà Nội chỉ là hình thức để trục lợi.
Cụ thể, nhóm Nguyễn Đức Đảng, Chủ tịch Công ty Hoàng Nga và Phan Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty Kim Hòa Phát đặt vấn đề và được Nguyễn Quang Tuấn đồng ý cho 2 doanh nghiệp này được bán các mặt hàng vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch vào bệnh viện với đơn giá theo thỏa thuận.
Phạm Thị Kim Oanh (ngoài cùng, bên phải) và các bị cáo trong vụ án
Giai đoạn 2016-2017, Bệnh viện Tim tổ chức đấu thầu riêng 5 gói thầu chuyên mua sắm vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch, tổng trị giá hơn 595 tỷ đồng gồm 5 gói đấu thầu rộng rãi 223 mặt hàng trị giá trên 247 tỷ đồng và 4 gói chỉ định thầu rút gọn mua 538 mặt hàng, trị giá gần 348 tỷ đồng.
Kết quả, Công ty Hoàng Nga đã tham gia và trúng 5 gói thầu còn Kim Hòa Phát đã trúng 4 gói thầu gồm 400 Stent và một số vật tư khác. Tuy nhiên, những mặt hàng này bị nâng giá cao hơn thực tế.
Để hợp thức hồ sơ thầu mua vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch của các công ty Hoàng Nga và Kim Hòa Phát, bị cáo Tuấn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.
Cơ quan định giá kết luận, hành vi thông thầu nói trên gây thiệt hại cho Bệnh viện Tim, Quỹ bảo hiểm xã hội hơn 22,8 tỷ đồng tại 5 gói thầu năm 2016 và hơn 30 tỷ đồng với các gói thầu năm 2017; tổng cộng là hơn 53 tỷ đồng.
Nêu quan điểm về vụ án, Viện kiểm sát cũng đã đề nghị Tòa án tuyên phạt Nguyễn Đức Đảng từ 3 năm 6 tháng – 4 năm tù; Phạm Huy Lập từ 24 – 30 tháng tù (cho hưởng án treo) và Phạm Thị Kim Oanh từ 24 – 30 tháng tù, theo đúng tội danh bị truy tố.
Đau đáu về số tiền thiệt hại còn lại
Trong lời nói sau cùng của mình, ngoài việc nêu ra những thành tích, đóng góp cho ngành Y và dành nhiều tâm huyết cho công tác từ thiện xã hội, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cũng mong mỏi HĐXX xem xét, áp dụng mức án nhân văn đối với tất cả các bị cáo trong vụ án, trong đó có ba cha con bị cáo Nguyễn Đức Đảng.
Theo bị cáo Tuấn, việc Công ty Hoàng Nga của bị cáo Đảng cho mượn vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch vào bệnh viện đơn thuần chỉ là sự đồng hành, hỗ trợ để bệnh viện kịp thời có đủ vật tư, thiết bị cứu chữa bệnh nhân.
Đến lượt mình, bị cáo Nghiêm Tuấn Linh (cựu Phó phòng Vật tư Bệnh viện Tim Hà Nội) cũng trải lòng trong lời nói sau cùng. Kể về nỗi khổ của những người chịu trách nhiệm về vật tư y tế, bị cáo Linh còn cho biết, không bao giờ bị cáo này có ngày nghỉ đúng nghĩa.
Bị cáo Nguyễn Đức Đảng bị dẫn giải tới phiên tòa
"Làm bác sĩ đêm về còn được một giấc ngủ ngon nhưng những người làm vật tư như bị cáo điều đó thật khó. Bởi bất cứ khi nào, bác sĩ cũng có thể yêu cầu cung cấp thiết bị, vật tư để cấp cứu người bệnh"- bị cáo Linh trải lòng.
Theo bị cáo Linh, nỗi nhọc nhằn ấy luôn có sự đồng hành, sát cánh của các nhân viên cũng như Công ty Hoàng Nga. Có lần vào đúng ngày Tết, máy móc, thiết bị của bệnh viện bị hỏng, nhân viên của doanh nghiệp này liền tức tốc phi xe máy cả trăm cây số, từ quê lên Hà Nội để khắc phục, sửa chữa.
Về phần mình, nói lời sau cùng trước khi tòa đưa ra phán quyết, bị cáo Đảng trình bày, bản thân đã nhận thức được sai phạm và xin nhận trách nhiệm. Bị cáo sau đó xin tòa xem xét xử nhẹ tội cho vợ và bố vợ của mình. Bởi theo Đảng, bố vợ bị cáo chỉ là người làm thuê và đã ngoài 70 tuổi với rất nhiều bệnh tật trong người.
Bị cáo Đảng cho biết, bị cáo có 3 con nên rất mong HĐXX có thể cho vợ của bị cáo được hưởng mức án nhẹ nhất để sớm trở về chăm sóc con nhỏ.
Về trách nhiệm dân sự, Chủ tịch Công ty Hoàng Nga giãi bày, thời gian qua, bị cáo và gia đình đã cùng vay mượn rất nhiều nơi để có thể có được hơn 32 tỷ đồng với tâm nguyện phần nào khắc phục được hậu quả vụ án. Vì vậy, bị cáo rất mong được hưởng mức án thấp nhất để có thể tiếp tục hoàn trả nốt số tiền mà viện kiểm sát quy kết là thiệt hại trong vụ án.
Tiếp sau chồng, bị cáo Phạm Thị Kim Oanh gửi lời xin lỗi tới gia đình và toàn thể nhân viên, người lao động Công ty Hoàng Nga. Bị cáo này nhận thức, sai phạm của ba cha con bị cáo đã làm ảnh hưởng lớn tới cuộc sống, công việc của tất thảy người lao động trong công ty.
"Bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho vợ chồng bị cáo. Bị cáo mong HĐXX cho một trong hai vợ chồng bị cáo được hưởng án treo, được cải tạo ở ngoài xã hội để có cơ hội phụng dưỡng cha mẹ già và nuôi dạy các con nhỏ" - nữ kế toán Công ty Hoàng Nga nghẹn ngào.
Thân làm cha, bị cáo hơn 70 tuổi Phạm Huy Lập bày tỏ mong muốn Tòa án cân nhắc, xem xét giảm nhẹ hình phạt cho chính mình cùng con gái, con rể, đồng thời nói lời cảm ơn tới các cơ quan tiến hành tố tụng vì đã có những xem xét, đánh giá công tâm và nhân văn.
Không cam tâm nhìn bệnh nhân nguy kịch
Trong ngày thứ hai xét xử vụ án, luật sư bào chữa cho Nguyễn Đức Đảng nêu điểm cho rằng Công ty Hoàng Nga là doanh nghiệp có quan hệ kinh doanh với các nhà sản xuất thiết bị y tế uy tín trên thế giới. Việc nhập hàng hóa đều chính thống qua đường hải quan, có tờ khai hải quan đầy đủ, đảm bảo được chất lượng sản phẩm thiết bị y tế là tốt nhất.
Cùng với con gái và con rể, bị cáo Phạm Huy Lập cũng phải ra hầu tòa
Tuy nhiên, do hiểu biết pháp luật không đầy đủ nên bị cáo Đảng có hành vi không đúng với pháp luật, dẫn đến hậu quả thiệt hại tài chính trong lĩnh vực đấu thầu trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội.
Theo luật sư, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, Đảng luôn thành khẩn, ăn năn hối cải và mong muốn hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Do đó, việc cơ quan tố tụng khởi tố, truy tố, xét xử về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Đảng không có ý kiến gì.
Về một số tình tiết trong vụ án, luật sư cho rằng qua toàn bộ lời khai của bị cáo Đảng, lời khai của các bị cáo khác và đặc biệt là lời khai nhận của bị cáo Tuấn có thể thấy rõ, cựu Chủ tịch Công ty Hoàng Nga không có hành vi vi phạm đối với 4 gói thầu năm 2017.
Bởi việc chỉ định thầu rút gọn xuất phát từ chủ trương của UBND TP Hà Nội khi có công văn yêu cầu đấu thầu tập trung qua trung tâm mua sắm công và kết quả thầu muộn hơn so với dự kiến đến 6 tháng. Do đó, Bệnh viện Tim Hà Nội bị thiếu các vật tư y tế tiêu hao chữa bệnh cho bệnh nhân.
“Thực chất theo 04 Quyết định phê duyệt lựa chọn chỉ định thầu rút gọn mà tôi ký nêu trên để hợp thức hóa cho một số vật tư mà Bệnh viện Tim Hà Nội đã sử dụng trước, sau đó lập hồ sơ thầu dưới dạng chỉ định thầu rút gọn để thanh toán cho số vật tư đã ứng trước của Nhà thầu cung cấp” - luật sư viện dẫn bút lục của cựu Giám đốc Bệnh viện Tim.
Bào chữa cho bị cáo Đảng, luật sư cho rằng, việc phải vay mượn, sử dụng vật tư trước của Bệnh viện Tim là để phục vụ nhu cầu cấp bách khám chữa bệnh và cấp cứu bệnh nhân trong thời gian chờ kết quả đấu thầu tập trung. Vì rằng trong khi chờ ý kiến của thành phố thì bệnh viện hết vật tư phục vụ chữa bệnh và cấp cứu bệnh nhân.
"Không cam tâm nhìn bệnh nhân nguy kịch thậm chí tử vong do chưa có kết quả thầu tập trung nên người đứng đầu bệnh viện đã phải đề nghị Công ty Hoàng Nga cho vay mượn một số trang thiết bị y tế. Từ đó, một số khoa, phòng chuyên môn đã sử dụng các vật tư ký gửi, dẫn đến một số vật tư được dùng trước khi có quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu" - luật sư lập luận.
Chứng minh vụ án không có động cơ tư lợi, vụ lợi, người bào chữa cho bị cáo Đảng khẳng định, việc làm của các bác sĩ bệnh viện và cá nhân bị cáo Đảng đều nhằm mục đích phục vụ công tác chữa bệnh và cấp cứu bệnh nhân mà không có mục đích nào khác. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét hành vi của bị cáo Đảng trong bối cảnh bất khả kháng đó. Bởi lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc không cho phép để bệnh nhân chết vì thiếu vật tư.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, công việc bác sĩ không liên quan trực tiếp với tội mà bị cáo phạm phải thì có thể cân nhắc không nên áp dụng hình phạt bổ sung cấm hành...