Cảnh mở đập xả lũ "rợn tóc gáy" ở thủy điện Hòa Bình
Cảnh tượng hàng ngàn mét khối nước tuôn trào từ độ cao vài trăm mét, tạo ra những dòng thác nước phun bọt trắng xoá khiến ai chứng kiến cũng thấy mình nhỏ bé.
Clip: Cận cảnh xả lũ ở đập thủy điện Hòa Bình
Trong hai ngày 18 và 19/7 vừa qua, nhà máy thuỷ điện Hoà Bình đã mở liên tiếp 02 cửa xả lũ về hạ du.
Đây là lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua thuỷ điện Hoà Bình mở cửa xả lũ. Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân sinh sống quanh khu vực đổ về tham quan.
Lý giải về việc mở cửa xả lũ, ông Đặng Trần Công (Chánh Văn phòng công ty thủy điện Hòa Bình) cho biết: “Xuất phát từ việc mưa lớn kéo dài hơn tháng qua ở miền Bắc và lại sắp đến thời gian lũ chính vụ (sau 20/7). Hiện mực nước tại hồ Hòa Bình cao hơn giới hạn cho phép 4,8 m nên việc xả lũ là cần thiết.”
Lưu lượng nước xả ra từ đập thuỷ điện Hoà Bình là 2.400 m3/giây.
Trong thời gian xả, công ty thủy điện phải liên tục duy trì phát điện tối đa 8 tổ máy.
Khi được hỏi về ngày đóng cửa xả, ông Công cho biết: “Chúng tôi chỉ nhận lệnh xả lũ chứ chưa ấn định ngày đóng cửa xả để tích nước, bởi phải căn cứ theo mực nước từ thượng nguồn đổ về và sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương”.
Được biết, nhà máy thuỷ điện Hoà Bình được xây dựng tại tỉnh Hoà Bình trên dòng sông Đà. Đây là nhà máy thuỷ điện lớn thứ 2 Việt Nam chỉ sau nhà máy thuỷ điện Sơn La.
Nhà máy được khởi công từ năm 1979 và hoàn thành vào năm 1994, cung cấp 1/3 sản lượng điện cho Việt Nam. thuỷ điện Hoà Bình có bốn nhiệm vụ chính là: Cắt lũ, phát điện, cấp nước tưới tiêu và giao thông thuỷ.
Công suất sản sinh điện năng theo thiết kế là 1.920 megawatt, gồm 8 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 240 MW. Sản lượng điện hàng năm là 8,16 tỷ kilowatt giờ (KWh).
Trước khung cảnh hùng vĩ của đập Hoà Bình, con người trở nên thật nhỏ bé.
Điều thú vị về thuỷ điện Hoà Bình mà ít người biết đến đó là đập được xây dựng bằng vật liệu đá đổ với lõi giữa bằng đất sét. Đập có chiều dài 734m, chiều cao là 128m.
Dòng nước chảy mạnh từ trên cao vài trăm mét tạo ra những ngọn bụi nước cao vút gây tò mò cho người dân.