Cảnh báo F0 lang thang ngoài cộng đồng, không khai báo y tế
Bộ Y tế khẳng định, trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là “bệnh lưu hành” nên người nhiễm bệnh cần được theo dõi, điều trị theo quy định. Tuy nhiên, tại Đắk Lắk (thậm chí nhiều tỉnh, thành khác) đang xuất hiện mối lo ngại khi có trường hợp dù nhiễm bệnh vẫn vô tư sinh hoạt ngoài cộng đồng, không khai báo y tế...
Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 tại Đắk Lắk liên tục tăng cao, có ngày trên 3.000 ca mắc mới đã gây quá tải lên hệ thống y tế. Người mắc COVID-19 được hướng dẫn đến các cơ sở y tế khai báo; với F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cho cách ly điều trị tại nhà. Sau 7 ngày điều trị tại nhà, F0 tự mua kit test đến cơ sở y tế để được xét nghiệm, nếu âm tính sẽ được cấp giấy hoàn thành cách ly điều trị bệnh, trường hợp còn dương tính sẽ tiếp tục cách ly, điều trị cho đến khi hết bệnh.
Việt Nam chưa coi dịch COVID-19 là bệnh đặc hữu nên vẫn cách ly điều trị theo quy định
Dù đã có hướng dẫn quy trình cách ly, điều trị bệnh tại nhà, tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, đáng lo ngại hiện nay là có trường hợp bị mắc COVID-19 không khai báo y tế, tự điều trị tại nhà. Việc làm này khiến ngành y tế khó quản lý, nắm rõ được số lượng người mắc để có hướng phòng chống dịch bệnh phù hợp, tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
Về thông tin có trường hợp F0 tự do đi ra đường, thậm chí buôn bán, ông Nay Phi La cho hay, ngành Y tế rất khó quản lý nếu họ không khai báo y tế và chấp hành quy định cách ly, điều trị tại nhà. Việc quản lý F0 tại nhà do chính quyền địa phương giám sát. Để tránh F0 tự do đi lại khi chưa hết bệnh, chính quyền cần có sự giám sát chặt chẽ, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Ngoài ra, Tiền Phong cũng nhận được phản ánh của nhiều người ngoại tỉnh (đi công tác, du lịch, thăm thân...) khi đến Đắk Lắk thì phát hiện bản thân bị mắc COVID-19. Nhóm người này khai báo với các cơ sở lưu trú và bị từ chối đón tiếp khiến họ lúng túng. Theo ông Nay Phi La, với những trường hợp trên, không cần phải cách ly điều trị bệnh tập trung. Người bệnh sau khi khai báo y tế có thể điều trị tại nơi đăng ký lưu trú (khách sạn, cơ quan nơi đến làm việc…).
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều khách sạn có đến 80% nhân viên mắc Covid không đủ sức đón tiếp, phục vụ những trường hợp F0 dẫn đến sự lúng túng, lo ngại.
Còn bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn có 2 khách sạn đăng ký làm khu cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 tập trung có thu phí gồm: Khách sạn Resort Coffee Tour (số 153 đường Lý Thái Tổ) và Khách sạn Công đoàn Ban Mê (số 9 đường Nguyễn Chí Thành, TP. Buôn Ma Thuột). Với du khách, người ngoại tỉnh khi đến Đắk Lắk phát hiện bị mắc COVID-19 có thể liên hệ 2 khách sạn trên để cách ly, điều trị.
Nguồn: [Link nguồn]
Khi đưa COVID-19 ra khỏi nhóm bệnh truyền nhiễm thì việc xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến phòng bệnh COVID-19 đương nhiên cũng thay đổi, kể cả việc không đeo khẩu trang...