Căng thẳng ở Biển Đông: 3 tình huống có thể xảy ra xung đột
Giáo sư Michael Auslin thuộc Đại học Yale của Mỹ cảnh báo, một “tai nạn” ở Biển Đông có thể dẫn tới chiến tranh Mỹ-Trung, và nguy cơ xung đột xảy ra giữa hai cường quốc này hiện nay cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong 20 năm qua.
Nguy cơ cao nhất trong 20 năm qua
Trong một bài viết cho tờ The Commentator, Giáo sư Michael Auslin, từng giảng dạy môn lịch sử tại Trường Đại học Yale, nêu ra 3 tình huống mà ông nói có thể dẫn tới xung đột. Tình huống thứ nhất, theo ông Auslin là một tai nạn máy bay đâm va vào nhau trên không phận Biển Đông, tương tự như vụ một chiến đấu cơ Trung Quốc và một phi cơ trinh sát của Hải quân Mỹ đụng nhau ngoài khơi đảo Hải Nam, gây ra một vụ tranh cãi quốc tế.
Máy bay chiến đấu FA 18 của Hải quân Mỹ cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz ở Biển Đông. Ảnh: Reuters
Giáo sư Auslin cho rằng trong bối cảnh Hải quân Mỹ đang xem xét tới việc điều tàu chiến tới phạm vi 12 hải lý cách các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trong Biển Đông, và như thế tiến vào vùng biển mà giờ Trung Quốc tuyên bố là “thuộc lãnh thổ có chủ quyền của họ”, thì khó có thể tránh khỏi những hành động quấy nhiễu của các tàu Trung Quốc đối với các tàu Mỹ, có nguy cơ dẫn tới một tai nạn tàu va vào nhau, kéo theo phản ứng của cả hai bên.
Theo Giáo sư Auslin, đây là điều mà Trung Quốc đã làm với tàu bè của các nước khác, và một tai nạn có thể dẫn hai nước tới chỗ đối đầu với nhau. Giáo sư Auslin nhận định tình huống này rất dễ xảy ra, một khi Trung Quốc hoàn tất việc xây các sân bay trên các quần đảo trong Biển Đông, tạo điều kiện cho các chiến đấu cơ tuần tra trong không phận của các đảo này.
Theo Giáo sư Auslin, tình huống thứ hai là Trung Quốc có thể cố tình tạo điều kiện cho một vụ đối đầu bằng cách chỉ thị cho máy bay của họ đeo sát máy bay của Mỹ, với hy vọng sẽ tăng nguy cơ xảy ra xung đột để buộc Chính phủ của Tổng thống Obama nhượng bộ, trong bối cảnh Mỹ còn đang phải ứng phó với nhiều thách thức ở Trung Đông và với Nga ở châu Âu.
Tình huống thứ ba là nếu Trung Quốc chặn đầu các máy bay của các nước đồng minh của Mỹ như Philippines chẳng hạn. Washington lúc đó có thể can thiệp một cách chính đáng, viện lẽ Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ luật pháp quốc tế.
Ông Auslin kết luận rằng trong 20 năm qua, chưa có lúc nào mà nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai nước lớn này lại cao đến mức này.
Vi phạm chuẩn mực quốc tế
Trước những hành động ngang ngược gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông như tự ý cải tạo đảo phi pháp, xây đèn hải đăng…Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu khi đến Trân Châu Cảng rằng, hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là vi phạm mọi chuẩn mực quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định, Washington có quyền tự do hoạt động an ninh hàng hải tại Biển Đông, đồng thời cảnh báo Trung Quốc không được quân sự hoá tình hình Biển Đông bằng các hoạt động xây dựng căn cứ quân sự trên các bãi đá ngầm đang có tranh chấp.
Cũng liên quan đến vấn đề Biển Đông, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 28.5, trả lời câu hỏi về bình luận của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc có thể đã di chuyển vũ khí lên bán đảo nhân tạo và xây dựng trái phép trên Biển Đông, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết: “Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát sao hành động của các bên liên quan ở Biển Đông. Chúng ta được biết Biển Đông là tuyến hàng hải hết sức quan trọng. Chính vì vậy, chúng tôi yêu cầu và mong muốn tất cả các bên liên quan duy trì hòa bình ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và phù hợp với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.
Liên quan đến việc mới đây Trung Quốc đã động thổ xây 2 hải đăng trên quần đảo Trường Sa, ông Lê Hải Bình cho rằng: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Hành động nêu trên vi phạm chủ quyền của Việt Nam cũng như vi phạm tuyên bố chung, vi phạm tuyên bố của các bên ở Biển Đông năm 2002 ký giữa ASEAN và Trung Quốc. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nghiêm túc tuân thủ thực thi các luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cũng như tuyên bố ứng xử của các bên về Biển Đông. Không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.
Trước sự kiện ngày 26.5, Trung Quốc công bố sách trắng đầu tiên về chiến lược quân sự, có nội dung cố tình bảo vệ xây dựng những đảo nhân tạo trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng là một nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng như là nước có vai trò quan trọng ở khu vực, Trung Quốc cần phải tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia liên quan, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và có những đóng góp trách nhiệm cũng như xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực và trên thế giới.”