Cận vệ Lăng - những điều chưa kể

Bất kể mưa nắng, bão giông, suốt hàng chục năm qua, những người lính ở Đoàn 275 thuộc Bộ Tư lệnh (BTL) Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thầm lặng, trung trinh canh giữ giấc ngủ vĩnh hằng của vị lãnh tụ kính yêu. Ít người biết rằng, họ đã tận tâm, khổ luyện để xứng đáng nhận lãnh nhiệm vụ đặc biệt thiêng liêng này.

Chiến sĩ Đoàn 275 thực hiện nghi lễ hàng ngày tại Lăng Bác

Chiến sĩ Đoàn 275 thực hiện nghi lễ hàng ngày tại Lăng Bác

Khổ luyện ngày và đêm

Đó là một trong những yêu cầu được đặt ra cho mỗi chiến sĩ của Đội Tiêu binh danh dự (TBDD), Đoàn 275 - lực lượng trực tiếp thực hiện gác tiêu binh danh dự cửa Lăng 24/24, túc trực bên thi hài Bác, tiêu binh tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ khi có lễ viếng cấp nhà nước, lễ viếng của nguyên thủ các quốc gia…

Chiến sĩ Đoàn 275 thực hiện ca gác tại cửa Lăng Bác

Chiến sĩ Đoàn 275 thực hiện ca gác tại cửa Lăng Bác

Theo Trung úy Nguyễn Văn Tùng, Phó Phân đội trưởng Phân đội 2, Đội TBDD, trở thành chiến sĩ của Đoàn 275 đã khó, nhưng để được chọn vào Đội TBDD còn khó hơn nhiều. Bởi sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới tại Trung tâm Huấn luyện của Đoàn 285 cũng thuộc BTL Bảo vệ Lăng đóng quân ở K9 - Đá Chông trong thời gian ba tháng, chỉ có 30% chiến sĩ đủ tiêu chuẩn. Những người ưu tú nhất tiếp tục được huấn luyện nâng cao nghiệp vụ trong vòng 2-3 tháng. Đây là lúc mà các chiến sĩ đi vào khổ luyện, với những bài tập đội ngũ cả ngày và đêm, có ngày lên đến 10 giờ. Phải có các công cụ hỗ trợ phù hợp để có được dáng đi nghiêm trang, hoặc đứng nghiêm hàng tiếng đồng hồ dưới mọi thời tiết…

Rèn động tác chuẩn cho chiến sĩ mới tại Đoàn 285

Rèn động tác chuẩn cho chiến sĩ mới tại Đoàn 285

“Kết thúc kỳ huấn luyện, các chiến sĩ tiếp tục được chọn lựa kỹ hơn nữa về quân dung và thể hình. Những người có chiều cao, ngoại hình, dáng đi, thậm chí là cỡ giày cũng phải giống nhau sẽ được xếp theo từng đôi, sao cho thật cân đối. Lúc này, BTL Bảo vệ Lăng và chỉ huy Đoàn 275 mới tiếp tục kiểm tra từng chiến sĩ, từng tổ để lựa chọn, đưa về hợp luyện tại Đoàn 275, sẵn sàng làm nhiệm vụ”, Trung úy Tùng chia sẻ.

Thượng úy Nguyễn Thanh Lam, Phó Phân đội trưởng Phân đội 1, Đội TBDD, Đoàn 275 cho biết, nghi lễ chào cờ, hạ cờ trên Quảng trường Ba Đình là nghi lễ cấp quốc gia của đất nước. Nghi lễ này do BTL Bảo vệ Lăng đề xuất và được Chính phủ phê duyệt vào năm 2001, đúng dịp kỷ niệm 111 năm sinh nhật Bác. Đội hình thực hiện lễ thượng cờ và hạ cờ gồm 34 đồng chí, tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Sĩ quan mũ nồi xanh của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 báo công trước Lăng Bác, sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác hơn một năm tại Nam Sudan

Sĩ quan mũ nồi xanh của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 báo công trước Lăng Bác, sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác hơn một năm tại Nam Sudan

Hàng ngày, mỗi chiến sỹ trong Đội TBDD phải dậy từ sớm để chuẩn bị cho lễ chào cờ. Trước 5 giờ 40, mọi công đoạn phải hoàn tất. Các chiến sỹ mặc quân trang nghiệp vụ chỉnh tề, mang súng CKC, sẵn sàng tiến ra lễ đài. Cũng với đội hình này, vào đúng 21 giờ sẽ tiến hành nghi lễ hạ cờ. Lá Quốc kỳ khi được hạ xuống phải được gấp theo đúng nếp đặt trong khay ngay ngắn, phẳng phiu. Trừ khi trời mưa quá to thì nghi lễ chào cờ được tiến hành rút gọn với 4 đồng chí (khối trưởng và tổ Quốc kỳ).

Ngoài ra, chiến sĩ trong đội cũng phải thường xuyên luyện tập, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ. Trong đó điều lệnh đội ngũ cần tuyệt đối chuẩn xác như bước 60 bước/phút, mỗi động tác đánh tay, giơ chân đều nhịp nhàng, có điểm dừng hợp lý, bàn chân cách mặt đất 30cm… Để hoàn thành những yêu cầu khắt khe này, họ phải trải qua quá trình khổ luyện bằng cả ý chí, quyết tâm rất lớn.

“Chỉ riêng về động tác đứng nghiêm cũng đủ thấy độ khó. Trong tiết trời nắng nóng, các chiến sĩ phải tập trung cao độ, dùng ý chí để vượt qua giới hạn và sức chịu đựng của bản thân. Chỉ cần giữ tư thế này vài phút là gân, cơ căng ra, dễ bị nghiêng ngả người. Để đứng được 1 giờ đồng hồ tại cửa Lăng, chiến sĩ tiêu binh khi luyện tập phải đứng được… 3 giờ đồng hồ. Dù mệt và mồ hôi đổ ra như tắm nhưng quân dung vẫn phải tươi tỉnh, mắt nhìn thẳng, không được nhìn xuống, tay chân không được động đậy để sau này khi làm nhiệm vụ đạt tiêu chuẩn đúng, đều, mạnh, đẹp, trang nghiêm”, Thượng úy Lam nói.

Tận tâm canh giấc ngủ cho Người

Là một trong 4 lực lượng chính của Đoàn 275, Đội Cảnh vệ đặc biệt (CVĐB) có trọng trách trực tiếp bảo vệ an toàn tuyệt đối thi hài Bác, công trình Lăng và các mục tiêu quan trọng khác; thực hiện đón, hướng dẫn, phục vụ đồng bào, khách quốc tế đến viếng Bác, tham quan khu vực Lăng, lễ chào cờ trước Lăng…

Đại úy Nguyễn Văn Luân, Phó Phân đội trưởng, Đội CVĐB chia sẻ, tiêu chí để gia nhập đơn vị cảnh vệ này là hình thể chuẩn (cao từ 1,75m trở lên), khuôn dung và động tác đẹp. Các chiến sĩ được huấn luyện nghiệp vụ, kiểm tra bảo đảm đủ chất lượng mới được giao nhiệm vụ. Trong quá trình huấn luyện, khó nhất là tạo cho mỗi người lính có trạng thái tinh thần tốt nhất và luôn thể hiện được phong cách văn minh, lịch sự khi tiếp xúc với đồng bào và khách quốc tế. Điều này xuất phát từ thực tế quá trình thực hiện nhiệm vụ, họ phải trực tiếp hướng dẫn bằng lời nói và hành động để bảo đảm đồng bào và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác, tham quan khu vực Lăng chấp hành đúng quy định.

Thượng uý Trần Văn Nghĩa, Phân đội trưởng, Đội CVĐB nhớ mãi kỷ niệm lần đầu tiên đứng tại vị trí chính giữa phòng thi hài (vị trí số 10) hướng dẫn đồng bào và khách quốc tế vào viếng Bác. Với anh, hình ảnh thiêng liêng của Bác đã in sâu trong tâm trí từ khi còn nhỏ. Được thường xuyên học tập và tìm hiểu về Người khiến anh mong ngóng từng ngày được trực tiếp nhìn thấy Bác nhiều hơn.

Thượng úy Nghĩa kể: “Lần đó là sáng thứ 3, vào lúc 7 giờ 30 phút bắt đầu tổ chức lễ viếng (đối với thời gian mùa nóng). Tôi còn nhớ rất rõ, khi ngồi tại phòng trực đã nhẩm đi nhẩm lại nhiều lần về nội dung nghiệp vụ, nhìn qua gương tôi thấy mình như một đứa trẻ với nét mặt đầy sự nghiêm túc. Khi tín hiệu triển khai nổi lên, tôi đi từng bước điều lệnh đến vị trí thực hiện nhiệm vụ. Nhìn thấy Bác, tôi tràn đầy xúc động, nhịp tim tăng lên như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực…”.

Bằng niềm yêu kính vô hạn đối với vị Cha già dân tộc, khi thực hiện bảo vệ lễ viếng, lực lượng CVĐB luôn túc trực trong Lăng để đảm bảo không xảy ra bất kỳ sơ sót nào, dù nhỏ nhất. Quan sát từng dòng người vào viếng Bác, người lính CVĐB khó kìm được xúc động. Các anh tâm sự, có những người từ xa về Thủ đô vừa nhìn thấy Bác đang trong giấc ngủ vĩnh hằng đã bật khóc. Nhiều cựu binh mang trên mình thương tích chiến tranh, đi lại khó khăn hoặc ngồi xe lăn do tuổi cao sức yếu vẫn ước nguyện một lần được đến nghiêng mình trước lãnh tụ kính yêu.

Trung úy Trần Văn Sang, Phó Phân đội trưởng thuộc Đội CVĐB cho biết, ngoài bảo vệ lễ viếng, công tác bảo vệ lễ chào cờ, tham quan khu vực quanh Lăng cũng quan trọng không kém. Khi bình minh chưa ló rạng, cảnh vệ Lăng Bác đã chuẩn bị cho nhiệm vụ một ngày mới. Số lượng người tới khu vực này luôn đông đúc, nhất là vào những dịp đặc biệt. Để nghi lễ treo, hạ cờ được trang nghiêm nhất thì Đội CVĐB phải “căng tai, căng mắt” quan sát khắp các vị trí trên quảng trường Ba Đình

“Xung quanh Lăng là các khu vườn trồng hơn 250 loài thực vật từ khắp mọi miền Tổ quốc. Cây trái, hoa thơm ở đây luôn tỏa bóng mát và lay động xào xạc như nhẹ ru giấc ngủ của Bác. Mỗi người lính cảnh vệ chúng tôi xác định không nề khó khăn, không quản ngại thời tiết đứng kiểm soát, bảo vệ từng giờ, từng phút cho tới tận khuya. Một chiếc lá rụng cũng được anh em thu nhặt với sự tận tâm cao nhất và nhắc nhở đồng bào cùng giữ gìn cảnh quan chốn linh thiêng này”, Trung úy Sang tâm sự.

Nghìn người chọn một

Thể lực tốt, quân dung đẹp, các thành viên Đội Gác vũ trang (GVT) thuộc Đoàn 275 được giao nhiệm vụ canh gác vũ trang 24/24 giờ; phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn lễ viếng Bác, nghi lễ chào cờ, tham quan ngoài giờ và khu vực mục tiêu được đảm nhiệm; nêu cao cảnh giác, xử trí cương quyết, khôn khéo, kịp thời những tình huống xảy ra… Sau quá trình huấn luyện ba tháng tại Trung tâm Huấn luyện của Đoàn 285, các chiến sĩ “vượt ải” thử thách thành công sẽ được lựa chọn về Đội GVT.

“Mỗi chiến sĩ công tác tại Đoàn 275 khoác trên mình bộ quân phục trắng tinh khôi đầy tự hào là cả một hành trình dài được tuyển chọn kỹ lưỡng từ tuyển quân, huấn luyện, rèn luyện cho đến thực hành làm nhiệm vụ”.

Đại úy Hoàng Kim Thịnh

Vượt qua hàng trăm ứng viên là đồng đội ở Trường Sĩ quan Lục quân 1, Thiếu úy Vũ Hồng Điệp trúng tuyển vào đội hình sĩ quan trẻ của BTL Bảo vệ Lăng. Sau một thời gian rèn giũa ở K9 - Đá Chông, hiện anh là Phó Phân đội trưởng Phân đội 5 của Đội GVT.

Kể về quá trình đi tuyển quân với mục đích tìm ra những thanh niên hội đủ những tố chất cần thiết, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác và công trình Lăng, Thiếu úy Điệp cho biết, tham gia tuyển chọn chiến sĩ mới năm 2021 cũng là lần đầu tiên anh thực hiện nhiệm vụ này. Để tìm ra những tân binh ưu tú nhất trong hàng chục nghìn thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự không phải là điều dễ dàng, bởi tiêu chí đặt ra cao hơn hẳn so với các lực lượng khác trong toàn quân.

“Nổi bật là lý lịch chính trị gia đình, bản thân phải rõ ràng, trong sạch, có đạo đức, văn hóa, thể lực từ loại II trở lên. Bên cạnh đó là quân dung đẹp, ngoại hình cân đối, cao từ 1,75 mét trở lên và trong đó phải có ít nhất 50% tân binh cao từ 1,75 - 1,8m, đặc biệt không có hình xăm dù là nhỏ nhất. Với những yêu cầu cao như thế, tại mỗi tỉnh chúng tôi chỉ tuyển chọn được từ 10-20 thanh niên ưu tú nhất đưa về đơn vị huấn luyện”, Thiếu úy Điệp nói.

Chia sẻ về hành trình binh nghiệp và cơ duyên trở thành cận vệ Lăng Bác, Thượng úy Nguyễn Huy Tưởng, Phó Phân đội trưởng Phân Đội 6, Đội GVT cho hay, sau khi tốt nghiệp đại học, tháng 3/2015, anh có lệnh gọi nhập ngũ và trở thành chiến sĩ BTL Bảo vệ Lăng. Sau đó anh theo học Trường Sĩ quan Lục quân 1 và được trở lại công tác tại Lăng Bác sau ngày tốt nghiệp. Điều khiến Thượng úy Tưởng tâm đắc, tự hào nhất là những chiến sĩ dưới quyền chỉ huy của anh luôn thể hiện phẩm chất trong sáng vô ngần.

Sáng 29/8/1975, sau Lễ khánh thành Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã vào Lăng viếng Bác. Hai chiến sĩ tiêu binh Nông Văn Thành dân tộc Tày và Nguyễn Văn Ri dân tộc Kinh được vinh dự làm nhiệm vụ trong phiên gác đầu tiên. Ngày 29/8/1975 - ngày tổ chức Lễ khánh thành Lăng, ngày tổ chức buổi lễ viếng Bác đầu tiên đã trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Ở gần Bác và được tấm gương của Bác soi chiếu, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn gắng sức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Hơn thế, những người lính của Đoàn 275 nói chung và Đội GVT nói riêng đã khiến cho đồng bào và khách quốc tế thêm trân trọng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam bởi sự chu đáo, tận tình. Nhiều lần, chiến sĩ của chúng tôi trong quá trình làm nhiệm vụ đã nhặt được điện thoại, tài sản giá trị của khách tham quan khu vực xung quanh Lăng Bác họ đều nhanh chóng báo cáo chỉ huy đơn vị tìm người đánh rơi để trả lại. Mỗi lần nhận được lời cảm ơn hết sức chân thành của người dân và khách quốc tế, cả đơn vị đều vui lây”, Thượng úy Tưởng nói.

Vinh quang con đứng bên Người

Vào những ngày Lăng Bác mở cửa, luôn có hàng nghìn lượt khách quốc tế và đồng bào cả nước tới đây viếng Bác. Đối với mỗi người dân nước Việt, vào Lăng viếng Bác đã trở thành một nhu cầu tình cảm thiêng liêng tột độ. Nhiều người nước ngoài coi Lăng Bác là một địa chỉ không thể không dừng chân mỗi khi tới Việt Nam.

Thiếu tá Nguyễn Phú Thắng, Chính trị viên Đội Trinh sát đặc nhiệm (TSĐN) cho biết, chính vì ý nghĩa chính trị, văn hóa hết sức quan trọng mà khu vực Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình thường trở thành mục tiêu của các thế lực thù địch, phản động mỗi khi chúng có ý định tổ chức các hoạt động chống phá. Bên cạnh đó, do số lượng khách quốc tế và đồng bào cả nước hàng ngày đến viếng Bác rất đông nên có không ít những thành phần cơ hội, kẻ xấu trà trộn vào dòng người đến viếng Bác để thực hiện những mục đích cá nhân không tốt. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, ngày 24/3/1998, Đội TSĐN thuộc Đoàn 275 được thành lập để thực hiện tốt hơn việc giữ gìn an ninh chính trị, bảo đảm an toàn tuyệt đối khu vực này.

“Với đặc thù của đơn vị chuyên trách về công tác bảo đảm an ninh nên tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ, chiến sĩ công tác tại Đội TSĐN cũng rất cao. Bên cạnh các tiêu chí chung mang thương hiệu “lính 275”, trinh sát viên của đội còn là những chiến binh dũng mãnh với các bài tập võ thuật khắc nghiệt và thành thạo sử dụng nhiều loại vũ khí được trang bị. Mỗi trinh sát viên có thể nhanh chóng trấn áp cùng lúc nhiều đối tượng trong nhiều tình huống khác nhau”, Thiếu tá Thắng nói.

Thượng úy Nguyễn Thanh Lam kể: Thời gian đầu huấn luyện, có chiến sĩ mồ hôi vã ra, mặt tái đi vì chưa quen, phải cho ngừng tập. Khi cơ thể hồi phục và trở về trạng thái bình thường lại ra đứng tập tiếp, với sự theo dõi sát sao của bác sĩ quân y. Những chiến sĩ đứng yếu, động tác giữ súng và tư thế chưa chuẩn thì phải rèn luyện thêm, cường độ cao hơn. Hôm nay đứng được ít thì ngày mai đứng nhiều, đứng bù. Lúc mới tập rất nhanh mệt, có người đổ sập xuống. Thời gian đầu mới huấn luyện, một phần ba chiến sĩ bị “đổ”. Nếu không có quyết tâm và ý chí cao sẽ không vượt qua được thử thách này.

Theo Đại úy Hoàng Kim Thịnh, Phân đội trưởng thuộc Đội TSĐN, ngoài võ thuật giỏi, đối với những quân nhân trực tiếp làm nhiệm vụ trinh sát phải chắc kiến thức nghiệp vụ, giỏi quan sát, đánh giá tình hình cùng khả năng thu thập nguồn tin và phương pháp xử lý nhạy bén các tình huống phát sinh trong khu vực.

Đối với các quân nhân làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trong công trình Lăng và những quân nhân làm nhiệm vụ nhận, chuyển trả an toàn đồ vật, tài sản của đồng bào, khách quốc tế gửi trước khi vào Lăng phải giỏi về nghiệp vụ, nắm chắc các quy định liên quan. Đồng thời luôn lịch thiệp, có thái độ phục vụ ân cần, tận tình hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ đối với tất cả mọi người. Nhờ sự cảnh giác, tận tâm, các trinh sát viên của đơn vị đã nhiều lần nhặt được của rơi trả người đánh mất, phát hiện và bắt giữ các đối tượng móc túi, giật đồ khách tham quan cũng như báo cáo kịp thời các vụ việc liên quan đến an ninh khu vực…

“Mỗi lực lượng của Đoàn 275 tuy nhiệm vụ khác nhau nhưng đều có một điểm chung là tất cả đều hướng về Bác với lòng thành kính và biết ơn vô hạn. Trải qua quá trình huấn luyện, rèn luyện và thực hiện nhiệm vụ, hơn ai hết, mỗi người chúng tôi luôn hiểu rõ niềm vinh dự và tự hào khi được là người lính cận vệ bên Lăng Bác Hồ”, Đại úy Thịnh bày tỏ.

Nguồn: [Link nguồn]

Lễ chào cờ thiêng liêng trước Lăng Bác được chiến sĩ Tiêu binh thực hiện thế nào?

Tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, những chiến sĩ Đội tiêu binh Danh dự của Đoàn 275 (Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Sơn ([Tên nguồn])
Ngày Quốc khánh 2/9 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN