Cần Thơ yêu cầu người chưa tiêm vaccine hạn chế ra khỏi nhà
Ngày 23-11, UBND TP Cần Thơ ban hành văn bản về việc thực hiện các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch, trong đó yêu cầu người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều hạn chế ra khỏi nhà, đến nơi đông người.
Ngày 23-11, UBND TP Cần Thơ có công văn về việc thực hiện các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 gửi giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành TP, chủ tịch UBND quận, huyện và phường, xã, thị trấn.
Cần Thơ yêu cầu người dân đến giao dịch tại các cơ quan, đơn vị phải quét mã QR hoặc khai báo y tế. Ảnh minh họa: NHẪN NAM
Theo đó, Chủ tịch UBND TP đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân TP không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và thực hiện các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, hạn chế tối đa tổ chức hoạt động tập trung đông người trong nhà, ngoài trời và tại nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp. Khuyến cáo người dân chỉ ra khỏi nơi ở trong trường hợp thật sự cần thiết. Thực hiện nghiệm nguyên tắc 5K. Yêu cầu người dân chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 hạn chế di chuyển ra khỏi nơi ở, không đến những nơi tập trung đông người.
Tất cả người dân đến giao dịch, tham gia hoạt động tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... bắt buộc phải quét mã QR bằng ứng dụng PC-Covid hoặc Sổ sức khỏe điện tử (nếu có điện thoại thông minh) hoặc khai báo y tế (nếu không có điện thoại thông minh). Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... phải tổ chức và chịu trách nhiệm kiểm tra việc quét mã QR hoặc khai báo y tế của người dân đến giao dịch, tham gia các hoạt động.
TP khuyến khích cơ sở, hộ kinh doanh thực phẩm, ăn, uống (nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, quán trà sữa...) bán hàng mang đi.
Các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... có từ 100 người lao động trở lên phải thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để tổ chức thực hiện phương án, kế hoạch công tác phòng, chống dịch tại đơn vị; chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp F0, F1, F2; phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong khoanh vùng, cách ly, điều tra dịch tễ, dập dịch,... khi xuất hiện F0 tại nơi sản xuất, kinh doanh.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị Nhà nước thực hiện nêu gương trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc nghiêm túc thực hiện việc hạn chế tối đa việc tổ chức các sự kiện tập trung đông người hoặc đến những nơi tập trung đông người, không tổ chức ăn uống liên hoan, chiêu đãi, đám tiệc có sử dụng rượu, bia và các loại thức uống có cồn khác ở nhà hàng, quán ăn... tập trung đông người.
Cạnh đó, các cơ quan, đơn vị tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc ở nhà… Tăng cường họp theo hình thức trực tuyến; hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị trực tiếp có tập trung đông người chưa cần thiết.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch (phải bao gồm sơ đồ và bố trí phân luồng di chuyển trong đơn vị khi xuất hiện các trường hợp F0, F1 và trường hợp nghi ngờ mắc bệnh…; bố trí phòng cách ly cho người có biểu hiện nghi nhiễm COVID-19 hoặc trường hợp F0, F1 trong thời gian họp; kịp thời thông báo cho các cơ sở y tế và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp). Ngoài ra, các cơ quan đơn vị này cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với những người ra, vào cơ quan công sở Nhà nước bằng mã QR.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong ngày 19/11, TP Cần Thơ ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn tiếp tục...