Cần thêm nhiều kênh mua hàng để “chia lửa” với đi chợ hộ

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Để “chia lửa” cho lực lượng đi chợ hộ, nhiều ý kiến đề xuất cần bổ sung và tạo điều kiện cho các kênh mua sắm hàng hóa khác.

Đến nay, TP.HCM đã thực hiện “ai ở đâu ở yên đó” được hai tuần. Tuy nhiên, việc cung ứng thực phẩm cho người dân thông qua mô hình đi chợ hộ vẫn đang gặp nhiều khó khăn, chậm giao hàng hoặc hàng hư hỏng.

Siêu thị quá tải, giao hàng rất chậm

Anh Nguyễn Văn Thành, nhà ở quận Bình Thạnh, cho hay gia đình anh đang cần mua bình xịt muỗi cùng một số mặt hàng khác. Anh nhờ tổ đi chợ hộ mua những mặt hàng trên thông qua siêu thị nhưng không được. Lý do là siêu thị chỉ bán combo thực phẩm chứ không bán những mặt hàng khác. Đó là chưa kể giá combo thấp nhất là 381.000 đồng trong khi có nhiều món hàng mà gia đình không cần.

Nhiều khách hàng khác cũng cho hay đặt mua combo, sau đó đợi 6-7 ngày mới nhận được hàng. Thậm chí khi nhận hàng thì phát hiện không đúng những món mình đặt mua hoặc hàng bị hư hỏng, không sử dụng được.

Tại buổi làm việc với Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT vào ngày 3-9 vừa qua, lãnh đạo quận Bình Thạnh thừa nhận việc triển khai đi chợ hộ cho người dân trên địa bàn đang gặp nhiều vấn đề khó khăn. Các phường đã nỗ lực tổ chức lực lượng để triển khai nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Mặt khác, vì phải lựa hàng, thủ tục thanh toán quá lâu nên khi chuyển hàng đến người dân, hàng không còn tươi ngon.

Đại diện một số hệ thống siêu thị cũng thừa nhận hình thức đi chợ hộ vẫn được phối hợp với các địa phương để triển khai. Song siêu thị quá tải nên giao hàng chậm và lực lượng đi chợ hộ ở các phường còn ít, thiếu kinh nghiệm dẫn đến nhiều khó khăn trong khâu phân phối hàng hóa đến người dân.

Bà Đoàn Kim Hương, Trưởng Phòng vận hành AEON Việt Nam, cho biết từ ngày 1-9, các siêu thị AEON tại TP.HCM đã mở lại một số kênh online, giao hàng tại hai quận Tân Phú và Bình Tân. Qua đó giúp đa dạng thêm hình thức mua sắm cho người dân bên cạnh hình thức đi chợ hộ. Tuy vậy, số lượng shipper giao hàng còn hạn chế, các ứng dụng đều ít hoặc không có shipper để nhận đơn. Việc tìm shipper trên các ứng dụng cũng mất nhiều thời gian.

Ngay cả khi shipper được chạy liên quận, người dân cũng khó mua được hàng hóa nhanh vì vẫn ách tắc ở khâu cung ứng. Đặc biệt các điểm cung cấp thực phẩm hiện nay quá ít, tất cả đều dồn vào kênh siêu thị trong khi nhu cầu người dân tăng cao dẫn đến siêu thị không thể đáp ứng kịp.

Người dân xoay xở tìm chỗ mua hàng

Trong bối cảnh mua hộ, siêu thị quá tải, người dân đã xoay xở bằng nhiều cách tìm những kênh mua sắm khác. Chị Trần Thị Nguyệt, nhà ở quận Phú Nhuận, kể tuần vừa rồi chị không nhận phiếu đi chợ hộ từ tổ dân phố nữa vì mất rất nhiều thời gian chờ đợi. Hơn nữa, khi chị đặt mua rau, bánh mì, giấy vệ sinh, sữa… qua kênh online của một số cửa hàng tiện lợi cũng không được.

“Dù đã được xác nhận đặt đơn hàng thành công nhưng hai ngày sau tôi lại nhận được tin nhắn hủy đơn hàng. Khi tôi liên lạc với nhân viên bán hàng hỏi lý do vì sao báo đặt thành công đơn hàng rồi mà lại bị hủy, họ thừa nhận do đang chờ xe nhập rau củ về, khi nào có hàng đầy đủ mới lên đơn được” - chị Nguyệt kể.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, shipper hạn chế đi lại nên ảnh hưởng đến việc giao, nhận đơn hàng. Ảnh: TÚ UYÊN

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, shipper hạn chế đi lại nên ảnh hưởng đến việc giao, nhận đơn hàng. Ảnh: TÚ UYÊN

Không còn cách nào khác, chị Nguyệt lên mạng tìm các fanpage hoặc các group Zalo bán hàng thiết yếu của khu vực mình ở. Trong các group này có nhiều người rao bán rau quả, sữa, các đồ tạp hóa với giá cả rõ ràng. Ai cần mua món gì thì nhắn tin cho người bán, họ ship hàng đến rất nhanh. Nhờ vậy, chị không còn quá lo lắng về thiếu thực phẩm khi phải ở nhà quá lâu.

Tương tự, chị Ngô Thùy Như, nhà ở quận Tân Bình, cũng cho biết phường nơi chị ở phát phiếu mua hàng vào ngày 23-8 nhưng phải chờ gần một tuần mới nhận được hàng nên chị phải lên mạng mua hàng. Nhờ có thêm kênh online mở ra giúp việc mua thực phẩm bớt khó khăn hơn. “Bên cạnh đó, phường cũng tổ chức bán bắp cải, cà chua, khoai lang… cho người dân đồng giá 25.000 đồng” - chị Như nói.

Không chỉ kênh online mà hiện nay trên GrabMart ở một số khu vực đã hoạt động trở lại. Từ đó, người dân có thể đặt mua một số mặt hàng nhưng giá cao hơn so với mua thông qua đi chợ hộ hoặc mua bên ngoài. Chẳng hạn, trứng gà trên GrabMart bán 50.000 đồng/chục trong khi bên ngoài bán 33.000 đồng/chục.

Cần thêm nhiều kênh hơn để giảm quá tải

Nhiều người dân và chuyên gia đề nghị các cơ quan chức năng cần tổ chức thêm các đầu mối cung cấp thực phẩm để người dân có nhiều cơ hội tiếp cận và dễ dàng mua sắm hơn. Ông Hồ Minh Chính, chuyên gia về quản trị bán hàng và dịch vụ khách hàng, đánh giá kênh bán hàng qua mạng của những người nội trợ, dân văn phòng đã hỗ trợ rất nhiều trong việc cung cấp thực phẩm cho người dân trong những ngày gần đây.

Tại TP.HCM, có khoảng 250 chợ truyền thống và kênh này chiếm 70% tổng lượng tiêu thụ của toàn thị trường. Song đến nay, gần 90% chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch. Trong khi đó, hệ thống siêu thị quá tải và không có nguồn nhập liên tục về bán. Điều này dẫn đến thiếu hụt hàng hóa, việc cung ứng hàng hóa cho người dân bị chậm trễ.

Trong bối cảnh trên, để đảm bảo cung cấp thực phẩm cho người dân được thuận lợi, TP.HCM nên cho một số điểm bán ở vùng an toàn mở cửa trở lại. Chẳng hạn như ở Củ Chi bước đầu đã kiểm soát được dịch thì nên cho mở chợ an toàn trở lại theo kiểu cuốn chiếu, từng vùng. Đồng thời, với những người đã tiêm hai mũi vaccine sau 14 ngày cho phép họ đi chợ để giảm áp lực cho đi chợ hộ. Song song đó cho phép các sàn thương mại điện tử tham gia bán hàng, tạo điều kiện cho lực lượng shipper hoạt động nhiều hơn để giải quyết tình trạng đứt gãy cung ứng thực phẩm.

Người dân sẽ nhận đơn hàng nhanh chóng qua “Chuyến xe mua chung - bình ổn giá”. Ảnh: TÚ UYÊN Triển khai mô hình xe buýt mua chung - bình ổn giá

Người dân sẽ nhận đơn hàng nhanh chóng qua “Chuyến xe mua chung - bình ổn giá”. Ảnh: TÚ UYÊN Triển khai mô hình xe buýt mua chung - bình ổn giá

Ngày 4-9, Saigon Co.op cho biết chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food vừa đưa vào vận hành hàng loạt xe buýt “Chuyến xe mua chung - bình ổn giá” để kịp thời giao hàng cho các đầu mối mua chung. Hoạt động này nhằm giảm tải đáng kể cho công tác đi chợ hộ.

Chuyến xe sẽ ưu tiên cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm; các loại lương thực, thực phẩm tươi sống, gia vị với giá bình ổn thị trường để chia sẻ áp lực chi tiêu với người dân.

Điểm mới của mô hình mua chung này là có bổ sung khâu vận chuyển giao hàng tận nơi. Sắp xếp hàng hóa một cách khoa học để việc kiểm đếm, phân bổ hàng hóa đến người dân được nhanh chóng, chính xác hơn.

Bà Võ Thị Ngọc Hường, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Co.op Food, cho biết mục tiêu lớn nhất khi thực hiện “Chuyến xe mua chung - bình ổn giá” là giúp người dân tiếp cận nguồn thực phẩm an toàn, tiết kiệm càng nhanh càng tốt để yên tâm chống dịch. Đồng thời, đơn vị mong muốn giảm áp lực việc đi chợ hộ của các lực lượng hỗ trợ. “Chuyến xe mua chung - bình ổn giá” được thực hiện khắp các địa phương tại TP.HCM.

Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT cũng cho biết đang kết nối triển khai chương trình túi combo nông sản chất lượng cao cung cấp cho người dân TP.HCM với số lượng lớn từ nay đến ngày 15-9. Hiện các gói combo được các doanh nghiệp thiết kế đa dạng về chủng loại, phong phú về mức giá. 

Nguồn: [Link nguồn]

‘Bom’ hàng đi chợ hộ chỉ vì ‘đặt thử xem có được không’

Sau khi nhận đơn hàng đi chợ hộ, cán bộ địa phương cùng với bộ đội đã đến giao cho người dân nhanh nhất có thể...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Uyên ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN