Căn nhà chỉ có thể quỳ, ngồi, nằm… chứ không thể đứng ở trung tâm Hà Nội
Những con ngõ nhỏ sâu hun hút, tối mịt hay những ngôi nhà chỉ có thể quỳ, ngồi, hoặc nằm chứ không thể đứng… đó là những “đặc sản” rất riêng của phố cổ Hà Nội.
Có không ít những con ngõ nhỏ vừa một người đi, những ngôi nhà chỉ vài m2, điều kiện sống vô cùng chật chội, bí bách…
Tại khu phố cổ, có lẽ không thể đếm xuể có bao nhiêu con ngõ nhỏ chỉ đủ cho một người len vào. Ngõ bé đến nỗi chẳng may 2 chiếc xe có cùng gặp nhau thì một chiếc tiến còn một chiếc phải lùi.
Ngõ nhỏ đã trở thành một thứ “đặc sản” ở phố cổ mà người ta có thể bắt gặp trên nhiều con phố.
Cũng chính bởi nhỏ mà các con ngõ thường rất tối tăm, ẩm thấp. Có ngõ phải thắp điện sáng cả ngày lẫn đêm để người dân không bị trượt té, vấp ngã.
Hầu hết các tuyến phố ở phố cổ Hà Nội đều buôn bán nhộn nhịp. Vì vậy, phần mặt tiền con phố thường được trưng đủ các mặt hàng ra ngoài khiến các con ngõ lẩn khuất, khó nhận ra.
Ngõ nhỏ hơn cửa nhà người dân, nếu không được đánh số thì rất khó để nhận ra đâu là ngõ.
Những con ngỏ tối tăm, ẩm thấp, dây diện chằng chịt… thế nhưng đi sâu vào bên trong, có khi lại là cả một cộng đồng dân cư sinh sống.
Thường những ngôi nhà bên trong ngõ nhỏ cũng đều rất nhỏ. Các ngôi nhà được xây dựng từ hàng chục năm trước nay đã bắt đầu xuống cấp, nhếch nhác.
Nhiều gia đình sống chật chội, bí bách… Nhà chỉ có vài m2 là nơi cư trú của nhiều thế hệ.
Trong ảnh là căn nhà của ông Hoàng Văn Xuân ở phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Lối lên của căn nhà là những thanh sắt gắn vào tường vào phải chui qua một lỗ nhỏ.
Ngôi nhà chỉ cao khoảng 1,2m, rộng 2m và dài 3m. Bao năm qua, ông Xuân chưa từng được đứng trong ngôi nhà của mình mà chỉ có nằm, bò hoặc quỳ. Xung quanh tường đã bị nước mưa thấm dột, ẩm mốc và có những đoạn nứt toác.
Tồi tàn không kém là ngôi nhà của ông Nguyễn Phùng Hải (86 tuổi) cùng vợ là bà Nguyễn Thị Sâm (76 tuổi) sống tại ngõ 107 phố Hàng Bạc. Ngôi nhà được đặt trên nóc nhà vệ sinh tập thể của các gia đình khác. Lối cầu thang lên xuống nhỏ chỉ vừa một người đi, dựng đứng.
Nhà được dựng bởi những tấm kim loại cũ, ván gỗ và vài tấm xốp mà ông bà nhặt về để che nắng, che mưa.
Bà Sâm cho hay, bà đã ngán ngẩm cảnh sống trong ngôi nhà tạm bợ, ẩm thấp quanh năm. Bà hy vọng sẽ sớm được nhà nước hỗ trợ để có một chỗ ở mới.
Mới đây, Hà Nội đã công bố đồ án quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử) tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Theo đó, đến năm 2030 sẽ có ít nhất 215.000 người dân sẽ phải rời nội thành. Trước đó, từ năm 1998, UBND TP.Hà Nội đã đặt ra chủ trương di dân phố cổ với mục tiêu giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 832 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha, mục tiêu thực hiện đến năm 2020. Mãi đến tháng 1/2013, đề án giãn dân phố cổ mới chính thức được phê duyệt. Tuy nhiên, sau khi hết năm 2020, đề án vẫn chưa được triển khai. Theo đề án giãn dân phố cổ, có 2 đối tượng thuộc diện di dời, gồm đối tượng bắt buộc là cư dân sống ở khu vực di tích, trường học... Đối tượng thứ hai là thực hiện giãn dân tự nguyện, cư dân sống tại các nhà cũ xuống cấp, có diện tích dưới 5m2… |
Nguồn: [Link nguồn]