Cần làm gì để tránh tai họa từ thang cuốn?

“Cha mẹ không để trẻ nhỏ đi thang cuốn một mình hoặc đùa nghịch ở thang cuốn. Trong trường hợp thang gặp sự cố hoặc bị kẹt, người dân phải hô hoán lên, nhanh tay ấn nút "dừng" ở đầu, cuối thang cuốn”, Phó Giáo sư, tiến sĩ Tạ Cao Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và sáng tạo công nghệ nói.

Vào ngày 26.7.2015, một người phụ nữ cùng một bé trai vào trung tâm thương mại của quận Kim Châu, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc vui chơi, mua sắm. Khi di chuyển trên thang cuốn, người phụ nữ đã bất ngờ bị chiếc thang cuốn cuốn tử vong sau khi cố gắng cứu lấy cậu con trai nhỏ tuổi của mình.

Gần đây nhất, vào ngày 9.8, tại tầng 3 tòa cao ốc nằm trên phố Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội, bé trai khoảng 3 tuổi ra chơi ở khu vực cầu thang cuốn trong tòa cao ốc và bị mắc kẹt mũi giầy tại đây. Sau đó ít phút, bố mẹ cùng người dân đã giải cứu được cháu bé, đưa ra khỏi thang cuốn. Sau sự cố trên, không ít người dân cảm thấy lo sợ mỗi khi bước lên thang cuốn.

Cần làm gì để tránh tai họa từ thang cuốn? - 1

Người thân hoảng loạn sau khi giải cứu bé trai bị kẹt ở thang cuốn ở Hà Nội.

Không để trẻ đi một mình trên thang cuốn

Phó Giáo sư, tiến sĩ  Tạ Cao Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và sáng tạo công nghệ cho biết, thang cuốn là một sản phẩm đã hoàn thiện, tiện nghi, an toàn. Hiện nay, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đều sử dụng loại thang này.

“Vừa qua tôi có theo dõi thông tin một người phụ nữ ở Trung Quốc bị cuốn vào gầm thang cuốn và tử vong. Tuy rất hiếm gặp, nhưng sự cố này đã gây hoang mang cho nhiều người”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, để đảm bảo an toàn, người dân hãy thay đổi văn hóa sử dụng các thiết bị công cộng như thang máy, thang cuốn. Cha mẹ không để cho trẻ em đi thang cuốn một mình hoặc để trẻ chơi đùa ở thang cuốn. Khi sử dụng thang, người dân phải bám tay vào tay vịn, chân phải đặt ở giữa bậc thang cuốn.

Không cho tay vào các khe hẹp kỹ thuật vì có thể gây nguy hiểm, bị kẹt, cuốn. Người dân mặc áo dài, váy khi đi thang cuốn phải vén lên cao, tránh để quần áo kẹt vào thang. Trong trường hợp thang cuốn gặp sự cố, kẹt, người dân phải hô lớn, đồng thời nhanh tay ấn nút "dừng" để đảm bảo an toàn. Trường hợp, một phần váy, quần bị vướng vào thang cuốn, đừng cố kéo ra mà tốt nhất là nên cởi khỏi người một cách nhanh nhất có thể.

“Tôi thấy hiện nay ở một số siêu thị, trung tâm thương mại ở Hà Nội cha mẹ hay để trẻ nhỏ vui chơi ở thang cuốn. Trẻ nhỏ rất dễ bị chóng mặt, ngã, thậm chí có thể gặp hiểm họa. Do vậy, cha mẹ phải hết sức lưu ý, không để trẻ nhỏ vui chơi ở những nơi như vậy, ông Minh nói thêm.

Cần làm gì để tránh tai họa từ thang cuốn? - 2

Lính cứu hỏa dùng xà beng để giải cứu em bé mắc kẹt trong thang máy ở Trung Quốc

Thang cuốn bị kẹt cần ấn nút dừng khẩn cấp

Anh Lê Thanh Sơn, người có 8 kinh nghiệm trong việc lắp đặt thang cuốn, tháng máy tại Hà Nội cho biết, thang cuốn là phương tiện chở khách được nhiều siêu thị, trung tâm thương mại ưa dùng. Về cơ bản, loại thang này khá an toàn.

Anh Sơn cho biết thêm, loại  thang nâng tự động này được cấu tạo từ rất nhiều bậc thang tự hoạt động, bên trong đặt dây xích, ròng rọc nhỏ và đường ray, nhằm giữ cho các bậc thang đi lên phía trên theo hướng nghiêng so với mặt phẳng.

Anh Sơn cho hay, anh có xem qua thông tin về thang cuốn “nuốt” người ở Trung Quốc và thấy rằng phần nắp ốp phía trên thang cuốn đã bất ngờ bật ra, cuốn người xuống dưới.

“Thông thường, các mặt phía trên của tháng cuốn được làm khá kín, bên trên đầu thang bao giờ cũng được gắn một nắp ốp bằng inox chắc chắn, có ốc vít nên khá an toàn. Còn trường hợp thang cuốn gây chết người ở Trung Quốc là sự việc hết sức hy hữu. Người dân không nên quá lo ngại khi sử dụng loại thang này”, anh Sơn nói.

Theo anh Sơn, trong trường hợp, người dân gặp phải tình huống nắp ốp phía trên thang cuốn bật ra, phải hô hoán ngay cho người xung quanh biết, đồng thời ấn nút "dừng" ở phía đầu hoặc cuối thang cuốn. Phải hết sức bình tĩnh để xử lý tình huống, nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân.

Anh Sơn cho hay, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thang cuốn có nguồn gốc xuất xứ khác nhau. Công trình nhà nước, chủ đầu tư thường sử dụng thang cuốn có xuất xứ các nước Thái, Nhật, Hàn... Còn đối với tư nhân, doanh nghiệp thường sử dụng thang cuốn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Giá thang cuốn có thể từ 1 tỷ đến vài tỷ đồng tùy theo nhu cầu lắp đặt. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng thang cuốn có xuất xứ từ Trung Quốc chỉ chiếm số ít.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN