Cần in số Tổng đài bảo vệ trẻ em trên bìa sách giáo khoa

Sự kiện: Bạo hành trẻ em

“Chúng tôi mong muốn số của Tổng đài bảo vệ trẻ em quốc gia 111 sẽ được in trên bìa sách giáo khoa, bìa vở viết của các em ở tất cả các cấp học để các em có thể nhận biết và tự bảo vệ mình khi cần thiết”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong về những vụ bạo hành trẻ em gần đây.

Xử lý nghiêm để trừng phạt đích đáng

Liên tiếp những vụ bạo hành trẻ em gần đây xảy ra với hậu quả ngày càng nghiêm trọng, trong đó có nhiều vụ việc rơi vào gia đình có bố mẹ ly hôn. Bà nhận định thế nào về thực trạng này?

Gần đây, phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đưa tin về các vụ việc bạo hành đối với trẻ em với mức độ rất nghiêm trọng. Chúng ta rất đau lòng trước tình trạng gia tăng bạo lực trẻ em trong môi trường gia đình và hết sức lên án các hành vi vô nhân tính của các bậc làm cha, làm mẹ - đã gây tổn thương cho chính con cái của mình. Chúng tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm cần xử lý nghiêm để trừng phạt đích đáng các hành vi vi phạm và răn đe, phòng ngừa các hành vi tương tự có nguy cơ xảy ra.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa

Hiện nay, có nhiều vụ việc bạo hành diễn ra trong các gia đình có bố mẹ ly hôn, con cái phải sống chung với cha dượng, mẹ kế, nhưng cũng có không ít trường hợp trẻ bị bạo hành bởi chính cha, mẹ ruột của mình. Các vụ việc diễn ra không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, ở các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ học vấn thấp mà còn ở cả khu vực trung tâm, các đô thị lớn, ở các gia đình có điều kiện kinh tế tốt, có học vấn cao. Điều đó cho thấy tính chất đa dạng và diễn biến phức tạp của các vụ việc bạo hành gia đình; đồng thời, cũng đòi hỏi những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để từng bước giải quyết tình trạng này.

Mẹ kế Nguyễn Võ Quỳnh Trang ( SN 1996), đối tượng bị Cơ quan điều tra Công an TPHCM khởi tố điều tra tội “Giết người” đối với cháu bé N.T.V.A ( SN 2013)

Mẹ kế Nguyễn Võ Quỳnh Trang ( SN 1996), đối tượng bị Cơ quan điều tra Công an TPHCM khởi tố điều tra tội “Giết người” đối với cháu bé N.T.V.A ( SN 2013)

Cùng với đó, trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em cần phải được tăng cường từ cả ba phía: gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, việc xây dựng gia đình hạnh phúc với các thành viên cùng đồng lòng, nhất trí chăm lo cho thế hệ tương lai là một trong những yếu tố quan trọng nhất để hạn chế tình trạng bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình, giúp trẻ em phát triển toàn diện cả về sức khỏe thể chất và tinh thần.

“Theo quy định mới nhất Chính phủ vừa ban hành tháng 12/2021, người biết hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em mà không báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền hoặc ngăn trở việc báo tin thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa

Theo bà thì cha, mẹ và người thân có trách nhiệm gì trong bảo vệ trẻ khỏi bạo hành?

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, trong mọi trường hợp, cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội; có nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Luật Trẻ em cũng quy định, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em phải được cung cấp thông tin, được tham gia ý kiến với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong việc ra quyết định can thiệp, hỗ trợ để bảo vệ trẻ em. Khi phát hiện có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, hoặc trường hợp trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi thì cha mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm thông báo đến cơ quan có thẩm quyền.

Theo quy định mới nhất Chính phủ vừa ban hành tháng 12/2021, người biết hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em mà không báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền hoặc ngăn trở việc báo tin thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng.

Giáo dục trẻ kỹ năng tự vệ

Trẻ nhỏ là đối tượng yếu thế và phải làm thế nào để các cháu có thể bảo vệ chính mình thưa bà?

Trẻ em chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào cha, mẹ và người chăm sóc mình. Do đó, trách nhiệm bảo vệ trẻ em dưới 5 tuổi hoàn toàn là của người lớn. Trong trường hợp này, cha mẹ và giáo viên mầm non có trách nhiệm giáo dục trẻ một số kỹ năng tự vệ phù hợp với lứa tuổi, ví dụ như không đi theo người lạ, không ăn đồ ăn người lạ cho... Như vậy, trẻ sẽ có được những kiến thức ban đầu về việc tự bảo vệ bản thân mình trước những nguy cơ về tai nạn, thương tích, bạo lực, xâm hại.

Khi trẻ được đến trường học tập, trẻ cần được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng sống, nhất là kỹ năng tự bảo vệ bản thân ở môi trường rộng lớn hơn, không chỉ trong gia đình mà trong cả nhà trường và ngoài xã hội. Trẻ cần phải được biết các quyền của trẻ em; được biết về việc trẻ em luôn luôn được bảo vệ và được biết khi cần giúp đỡ, tư vấn thì sẽ gọi ai ngoài ông bà, cha mẹ, thầy cô của mình. Ví dụ như trẻ có thể gọi chú công an, bác tổ trưởng dân phố, hoặc như Tổng đài bảo vệ trẻ em quốc gia 111.

Chúng tôi mong muốn tất cả trẻ em đều biết đến Tổng đài này, coi đây là một người bạn có thể trợ giúp bất cứ khi nào các em gặp khó khăn. Chúng tôi cũng rất mong muốn số của Tổng đài sẽ được in trên bìa sách giáo khoa, bìa vở viết của các em ở tất cả các cấp học, để các em có thể nhận biết và tự bảo vệ mình khi cần thiết.

Cảm ơn bà!

Nguồn: [Link nguồn]

Trường học cần phát hiện sớm biểu hiện bất thường của học sinh, hạn chế tình trạng bạo hành trẻ

Bộ GD-ĐT yêu cầu làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thành Nam (thực hiện) ([Tên nguồn])
Bạo hành trẻ em Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN