Căn cước điện tử và những điều cần biết

Sự kiện: Thời sự

Từ ngày 1-7, mỗi công dân sẽ được cấp một căn cước điện tử để thuận tiện trong các giao dịch hành chính. Luật Căn cước sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7, khi đó thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước và căn cước điện tử sẽ được sử dụng.

Hiện có một số người vẫn chưa hiểu căn cước điện tử là như thế nào và căn cước này có giá trị ra sao, có được thay thế cho thẻ căn cước vật lý không…

Thắc mắc về căn cước điện tử

Chị Nguyễn Thị Ý Vy (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết trước đây, khi Luật CCCD được ban hành, người dân sử dụng CCCD gắn chip trong các giao dịch, thay thế cho CMND. Thế nhưng, theo Luật Căn cước hiện nay, ngoài việc sử dụng thẻ căn cước thì người dân còn có thêm căn cước điện tử.

Luật Căn cước sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7, khi đó căn cước điện tử sẽ được sử dụng. Ảnh: HT

Luật Căn cước sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7, khi đó căn cước điện tử sẽ được sử dụng. Ảnh: HT

“Nghe nói căn cước điện tử sẽ chứa toàn bộ thông tin của người dân, có thể sử dụng để thay thế cho thẻ căn cước vật lý. Tôi thấy nếu được như vậy thì quá tốt, bởi hiện nay ai cũng có một điện thoại thông minh, chỉ cần mang theo điện thoại là có thể thực hiện các giao dịch. Và khi đó, người dân cũng không cần phải mang theo thẻ căn cước” - chị Vy nói.

Anh Phạm Thanh Khiết (ngụ quận 12, TP.HCM) cho biết dù chưa biết rõ căn cước điện tử sẽ được sử dụng thế nào, chứa thông tin gì và có giá trị ra sao nhưng khi nghe đến cụm từ căn cước điện tử, anh cho rằng đó là một sự phát triển về công nghệ để quản lý thông tin của một công dân.

“Trước mắt, đó là một tín hiệu tốt, bởi khi người dân đi làm thủ tục lỡ có sai sót về thông tin trong thẻ căn cước thì qua căn cước điện tử, cán bộ có thể giúp người dân so sánh, đối chiếu” - anh Khiết nói.

Căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử, do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Chị Ngọc Xuân (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cũng có vài thắc mắc về căn cước điện tử. Theo chị, căn cước điện tử nếu được đưa vào sử dụng sẽ mang lại nhiều lợi ích nhưng việc bảo mật thông tin trong căn cước điện tử có đảm bảo không?

“Trong trường hợp tôi không thấy an toàn về thông tin của mình thì tôi có quyền yêu cầu khóa căn cước điện tử không? Hay khi một người nào đó qua đời thì căn cước điện tử này sẽ được xử lý thế nào…” - chị Xuân nêu thắc mắc.

Nhiều thông tin được cập nhật trong căn cước điện tử

Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Theo khoản 17 Điều 3 Luật Căn cước, căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử, do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử. Căn cước điện tử có danh tính điện tử và các thông tin sau: Nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, nhóm máu, số CMND chín số, nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, thông tin nhân dạng, nghề nghiệp…

“Ngoài các thông tin trên được cập nhật vào căn cước điện tử thì các thông tin như thẻ BHYT, sổ BHXH, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn… cũng sẽ được tích hợp vào căn cước điện tử theo đề nghị của công dân. Đồng thời, những thông tin đó phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành” - luật sư Sơn nói.

Luật sư Sơn cho biết thêm căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

Ngoài ra, căn cước điện tử còn có giá trị so sánh thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, thực hiện các giao dịch và hoạt động khác. Nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.

Các trường hợp khóa, mở khóa căn cước điện tử

Căn cước điện tử bị khóa trong các trường hợp sau: Khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa; người được cấp căn cước điện tử vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia; người được cấp căn cước điện tử bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước; người được cấp căn cước điện tử chết; khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.

Căn cước điện tử được mở khóa trong các trường hợp sau: Khi người được cấp căn cước điện tử đã yêu cầu khóa trước đó; người được cấp căn cước điện tử vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia, đã khắc phục những vi phạm thỏa thuận; người được cấp căn cước điện tử đã bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước được trả lại thẻ căn cước; khi cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền yêu cầu mở khóa.

(Theo Điều 3, Điều 4 Luật Căn cước)

Luật Căn cước được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, đến ngày 1/7/2024 bắt đầu có hiệu lực giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Một trong những nội dung quan trọng của Luật là việc đổi thẻ căn cước công dân (CCCD) thành thẻ căn cước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HUỲNH THƠ ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN