Căn cước điện tử trên VNeID hiển thị những thông tin gì?
Từ 1/7, người dân được dùng căn cước điện tử hiện thị trên VNeID dưới dạng hình ảnh thẻ căn cước hoặc căn cước công dân để thực hiện nhiều giao dịch mà không cần bản cứng.
Khi Luật Căn cước 2023 sắp có hiệu lực (từ ngày 1/7), Chính phủ giao Bộ trưởng Công an quy định hình thức hiển thị của căn cước điện tử. Bộ trưởng Công an vừa ban hành thông tư quy định chi tiết một số điều về việc này.
Theo đó, với thẻ căn cước (cấp từ 1/7), căn cước điện tử sẽ hiển thị hình ảnh công dân, họ tên, số, ngày sinh, giới tính, quê quán, nơi thường trú, giá trị của thẻ, mã QR, đặc điểm nhân dạng....
Với người đang dùng thẻ căn cước công dân còn hiệu lực (cấp trước 1/7/2024), căn cước điện tử hiển thị công dân, số định danh cá nhân, họ chữ đệm và tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, nơi cư trú, nơi đăng ký khai sinh...
Căn cước điện tử được cấp trên ứng dụng VNeID của những người có tài khoản định danh điện tử mức 2, giá trị pháp lý như thẻ căn cước. Hiện, ứng dụng VNeID mới chỉ hiển thị hình ảnh mặt trước của thẻ; một số thông tin ở mặt sau thẻ sẽ được ghi chú phía dưới.
Ngoài thể hiện dưới dạng hình ảnh thẻ căn cước hoặc căn cước công dân, căn cước điện tử trên VNeID còn được lưu trữ, tích hợp thông tin khác. Luật Căn cước 2023 cho phép thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn (trừ giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp) được tích hợp, nếu người dân có nhu cầu.
Như vậy, từ 1/7, người dân chỉ cần mang theo điện thoại có cài đặt ứng dụng VNeID để xuất trình căn cước điện tử khi thực hiện các giao dịch, thay vì phải mang theo thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước công dân như trước đây.
Hình ảnh thẻ căn cước công dân hiển thị trên ứng dụng VNeID, tháng 6/2024. Ảnh: Viết Tuân
Trong thông tư mới ban hành, Bộ Công an cũng hướng dẫn cách ghi thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là nơi thường trú của người dân. Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú nhưng có tạm trú thì hiển thị nơi tạm trú.
Nếu người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú và tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thì hiển thị thông tin nơi ở hiện tại của công dân.
Người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có thông tin về nơi cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn công dân làm thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú hoặc khai báo nơi cư trú. Với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, không có nơi cư trú tại Việt Nam thì hiển thị thông tin trên thẻ căn cước nơi cư trú ở nước ngoài, trong đó có phiên âm bằng tiếng Việt.
Với trường hợp thông tin nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, quê quán trên thẻ căn cước chưa có hoặc chưa đầy đủ địa danh cấp xã, huyện, tỉnh thì cơ quan quản lý yêu cầu công dân cung cấp giấy tờ, tài liệu thể hiện đủ các nội dung này để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Khi người dân đã cung cấp giấy tờ mà vẫn không đủ địa danh xã, huyện, tỉnh thì nhà chức trách đề nghị công dân tự ghi nơi ở, nơi đăng ký khai sinh, quê quán và cam kết về tính chính xác. Đồng thời, cơ quan quản lý căn cước phải xác minh thông tin này trước khi cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Thông tin về dân tộc, tôn giáo chưa có trên thẻ căn cước hoặc đã được thu thập nhưng người dân đề nghị điều chỉnh, sẽ được đáp ứng. Những thông tin này phải thuộc danh mục do cấp có thẩm quyền công nhận.
Nguồn: [Link nguồn]
Từ ngày 1-7, mỗi công dân sẽ được cấp một căn cước điện tử để thuận tiện trong các giao dịch hành chính. Luật Căn cước sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7, khi đó thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước và căn cước điện tử sẽ được sử dụng.