Căn cứ siêu bí mật về vũ trụ của Trung Quốc

Nếu đây thực sự là trung tâm của ngành vũ trụ Trung Quốc đang hối hả chạy đua với các nước lớn, vậy sao không khí ở đây lại có vẻ thoải mái đến vậy?

Được mời đến căn cứ vũ trụ bí mật của Trung Quốc trước khi nước này phóng tàu vũ trụ Thần Châu 10 hôm 11/6, phóng viên Nic Robertson của CNN mô tả cảm nhận của mình về nơi đang thực hiện tham vọng vũ trụ của Bắc Kinh. Xin giới thiệu đến bạn đọc.

Điều đầu tiên tôi nhìn thấy là mấy chiếc xe đạp. Những người không đi xe đạp thì đang cuốc bộ. Tôi bắt đầu băn khoăn liệu mình có rẽ nhầm hay không. Chúng tôi đang tìm đến trung tâm vũ trụ siêu bí mật của Trung Quốc.

4 giờ đồng hồ lái xe ở Tửu Tuyền thuộc miền tây Trung Quốc, chúng tôi qua những cánh đồng và ao cá được vây quanh bởi những đỉnh núi trắng mờ, đến một ốc đảo toàn màu xanh và cuối cùng là xuyên qua sa mạc Gobi khô cằn.

Chúng tôi đi qua nhiều trạm kiểm soát an ninh và hệ thống camera liên tục chụp ảnh khi chúng tôi đi qua hãng dãy đồi cát lung linh tưởng chừng như vô tận. Không nghi ngờ gì nữa, chúng tôi đã đến đúng nơi, chỉ có điều là chúng tôi không cảm thấy như thế.

Nếu đây thực sự là trung tâm của ngành vũ trụ Trung Quốc đang hối hả chạy đua với các nước lớn, vậy sao không khí ở đây lại có vẻ thoải mái đến vậy?

Căn cứ siêu bí mật về vũ trụ của Trung Quốc - 1

Thần Châu 10 trước khi được phóng vào không gian từ trung tâm vũ trụ Cửu tuyền (Ảnh: GbTimes)

Vài giờ sau, tôi được đưa vào căn phòng đầy màn hình theo dõi qua camera và phóng viên. Không khí ở đây có vẻ kỳ lạ như thể trong bối cảnh khoa học viễn tưởng. Nhưng những con phố sạch sẽ với hàng cây được cắt tỉa cẩn thận lại tạo cảm giác như thể đây là một thị trấn nghỉ dưỡng.

Vài nhà hàng nhỏ thắp đèn neon chiếu hắt ra đường khi chúng tôi chạy xe qua. Ngay cả những cửa hàng nhỏ cũng tạo cảm giác như đây là ngôi làng để nghỉ ngơi. Khách sạn mà chúng tôi nghỉ còn mới đến nỗi những người làm vườn vẫn đang trồng thêm hoa. Điều hơi buồn là ở trung tâm phóng tàu vũ trụ của Trung Quốc mà thang máy lại không hoạt động, nhưng những người chuyển hàng lại rất sẵn lòng giúp đỡ.

Ấn tượng sâu sắc nhất mà du khách đến trung tâm vũ trụ Cửu Tuyền cảm nhận được có lẽ là vẻ đẹp thiên nhiên và sự thân thiện.

Trong một tòa nhà thấp nằm sau hàng cây bên đường, tôi gặp một phụ nữ. Chị không có vẻ gì là đang nghỉ ngơi, mà còn cực kỳ tất bật với công việc. Chức vụ phó giám đốc của một chương trình vũ trụ nghĩa là chị đang mang cả niềm hy vọng của quốc gia trên vai. Trong phòng họp báo, mọi người đều chú ý đến từng câu chữ của người phụ nữ ấy.

Mọi câu hỏi về sứ mệnh phóng tàu vũ trụ có người lái lên vũ trụ của Trung Quốc đều được chị trả lời ngắn gọn, chính xác, và chi tiết. Nhưng dù tôi giơ tay rất nhiều để đợi đến lượt mình, nhưng tôi không được mời lần nào.

Lúc đó, tôi nghĩ rằng đây là một sự kiện của Trung Quốc và tại sao họ lại muốn trả lời một câu hỏi từ phóng viên phương Tây?

Căn cứ siêu bí mật về vũ trụ của Trung Quốc - 2

Phi hành gia Nie Haisheng (trái), Zhang Xiaoguang (phải) và Wang Yaping (giữa) vừa được đưa lên vũ trụ bằng phi thuyền Thần Châu 10

Tên lửa Trường Chinh 2F cùng tàu vũ trụ Thần Châu 10 được phóng lên vũ trụ vào hôm 11/6. Trung Quốc đã đi được một bước dài từ khi phóng tàu vũ trụ có người lái đầu tiên cách đây 10 năm, nhưng vẫn còn thua xa Mỹ và châu Âu - đang cùng vận hành trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Những “người anh hùng” mặc trang phục phi hành gia sẽ mất 15 ngày quay quanh trái đất trước khi cập bến trạm vũ trụ không người lái của riêng họ. Trong khi phi thuyền Soyuz của Nga chỉ mất 6 giờ đồng hồ sau khi cất cánh để khớp nối với ISS, thì phi thuyền Trung Quốc phải mất 2 ngày mới hoàn thành nhiệm vụ này.

Nhưng 6 giờ đồng hồ hay 2 ngày không thành vấn đề. Trung Quốc đã vào vũ trụ và những người dân ở thị trấn này hiểu rất rõ thành tựu của đất nước họ có ý nghĩa như thế nào.

Trung tâm phóng vệ tinh Cửu Tuyền là một phần của Thành phố vũ trụ Dongfeng, nằm trên sa mạc Gobi, cách Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc khoảng 1.600km. Trung tâm này được thành lập năm 1958 và là một trong ba trung tâm vũ trụ của Trung Quốc hiện nay. Nơi này thực hiện nhiều vụ phóng tên lửa, phi thuyền nhất ở Trung Quốc. Hầu hết các trung tâm vũ trụ của Trung Quốc đều nằm ở nơi xa xôi và người nước ngoài thường không được phép vào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Dương (Theo CNN) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN