Căn cứ nào để CSGT kiến nghị dừng đăng kiểm xe "dính" phạt nguội?
Cục CSGT khẳng định, việc gửi kiến nghị dừng đăng kiểm với xe ô tô chưa hợp tác giải quyết vi phạm giao thông là có cơ sở.
Ô tô sẽ bị tạm dừng đăng kiểm nếu chủ xe không hợp tác để xử lý vi phạm giao thông. Ảnh minh họa
Vừa qua, nhiều chủ xe ô tô mang xe đi đăng kiểm đã bị từ chối vì xe nằm trong danh sách CSGT kiến nghị dừng đăng kiểm do chưa nộp phạt hoặc không hợp tác để giải quyết việc xử phạt.
Thông tin từ ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị đã từ chối đăng kiểm gần 16.000 trường hợp ô tô bị "phạt nguội” trên toàn quốc. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 5.500 phương tiện chấp hành nộp phạt.
Nhiều bạn đọc thắc mắc, việc CSGT kiến nghị dừng đăng kiểm xe khi chủ xe chưa nộp phạt nguội có đúng quy định của pháp luật? Vì việc phạt lỗi giao thông và đăng kiểm là hai chủ thể tách biệt.
Trao đổi với PV, đại diện Cục CSGT (C67 – Bộ Công an) khẳng định, việc CSGT phối hợp cơ quan đăng kiểm dừng đăng kiểm những trường hợp chủ phương tiện không hợp tác giải quyết xử phạt vi phạm về an toàn giao thông là có cơ sở pháp lý.
Đại diện Cục CSGT nêu cụ thể: Luật Giao thông đường bộ quy định các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
Trong khi đó, tại Thông tư 70/2015/TT-BGTVT (quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) quy định, không được kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định.
Ngoài ra Nghị định 46/2016/NĐCP của Chính phủ cũng quy định, trong trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, chủ phương tiện cơ giới đường bộ có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
“Như vậy việc cơ quan đăng kiểm tạm thời chưa tiến hành đăng kiểm với các phương tiện nằm trong danh sách cơ quan CSGT thông báo về vi phạm hành chính giao thông đường bộ là có cơ sở”, đại diện Cục CSGT nói.
Theo thống kê của Cục CSGT, trong 9 tháng đầu năm 2017, thông qua hệ thống camera giám sát, Phòng CSGT Hà Nội phát hiện 4.889 trường hợp vi phạm, trong đó có 3.600 trường hợp đã tới cơ quan công an nộp phạt. Phòng CSGT TP.Hồ Chí Minh phát hiện hơn 13.000 trường hợp vi phạm qua camera, trong đó đã có hơn 6.000 trường hợp chấp hành nộp phạt. Phòng CSGT Đà Nẵng phát hiện hơn 10.000 trường hợp vi phạm, trong đó hơn 4.700 người đến xử lý. Trong khi đó, tỷ lệ người vi phạm một số tỉnh thành khác đến nộp phạt thấp, chỉ đạt xấp xỉ 50%. Cục CSGT cho biết, tình trạng người vi phạm không tới cơ quan công an giải quyết có nhiều nguyên nhân như: Người dân chuyển chỗ ở nên không nhận được thông báo vi phạm của cơ quan công an; Người dân không làm thủ tục sang tên đổi chủ khi mua bán phương tiện nên không nhận được thông báo vi phạm của cơ quan Công an để đến cơ quan Công an xử lý vi phạm. Cũng có trường hợp, người vi phạm cố tình không chấp hành, chủ phương tiện không hợp tác tìm ra người vi phạm… |
Không ít tài xế giật mình khi phát hiện ô tô của mình vi phạm lên đến hàng chục lỗi với số tiền trên trăm triệu đồng.