“Cần coi TP.HCM có nguy cơ cao về dịch bệnh COVID-19”
Nếu xếp TP.HCM vào nhóm nguy cơ cao, những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sẽ được triển khai mạnh hơn nữa so với hiện tại.
Cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM vào chiều 31/7.
Chiều tối 31/7, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm nhận định, diễn biến của dịch COVID-19 đang hết sức phức tạp, khó lường, tốc độ lây lan nhanh.
Theo ông Liêm, TP.HCM đã có 5 ca nhiễm COVID-19, trong khi lượng người về từ Đà Nẵng là rất lớn. “Vì vậy, cần coi TP.HCM có nguy cơ cao về dịch bệnh COVID-19 khi triển khai các biện pháp phòng chống dịch”, ông Liêm kiến nghị.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo: Các ngành, các cấp, địa phương tuyệt đối không được chủ quan lơ là, không để dịch bệnh bùng phát. Các quận huyện tiếp tục rà soát để có phương án phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Như vậy, nếu xếp TP.HCM vào nhóm nguy cơ cao, những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sẽ được triển khai mạnh hơn nữa so với hiện tại. Theo Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, địa bàn có nguy cơ cao sẽ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 (Chỉ thị từng được TP.HCM áp dụng trong giai đoạn giãn cách xã hội).
Tuy nhiên, trước mắt, Sở Y tế TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo triển khai tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ, áp dụng đối với tỉnh, thành phố thuộc nhóm có nguy cơ.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo triển khai Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ, áp dụng đối với tỉnh, thành phố thuộc nhóm có nguy cơ.
Cụ thể, khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc.
Trước đó, tối 30/7, UBND TP.HCM đã phát công văn khẩn đề nghị người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
UBND TP.HCM yêu cầu tạm dừng tổ chức các sự kiện tập trung đông người như lễ hội, hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, các hội thảo, hội nghị chưa cấp thiết khác. Khuyến cáo không tập trung đông người tại tiệc cưới, tang lễ,… Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng (ngoài trường học, bệnh viện,…).
“Tạm thời đóng các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, quán bar, vũ trường”, công văn của UBND TP.HCM nêu rõ với thời gian bắt đầu áp dụng từ 0h ngày 31/7.
Đồng thời, UBND TP.HCM khuyến khích họp, hội nghị trực tuyến, tăng cường ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để trao đổi, làm việc trực tuyến. Đối với các trường hợp hội nghị cần thiết, phải tổ chức trực tiếp thì phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của ngành y tế.
UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị, tổ chức phải triển khai việc đo thân nhiệt, và yêu cầu tất cả mọi người đến trụ sở làm việc, liên hệ công tác phải đeo khẩu trang ngay tại cửa ra vào.
Đối với các cuộc họp, người dự họp phải đeo khẩu trang, hạn chế việc bắt tay, trao đổi ở cự ly gần, rửa tay trước và sau cuộc họp. Vệ sinh phòng họp, khử khuẩn các bề mặt, các đồ vật tiếp xúc với người dự họp sau mỗi cuộc họp.
Về 5 ca nhiễm COVID-19 tại TP.HCM (bệnh nhân 449, 450, 510, 517 và 518), thông tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM cho biết, ngành y tế đã tiếp cận được tổng cộng 354 người có tiếp xúc. Hiện, đã có 253 mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính, còn lại 89 mẫu đang chờ kết quả.
Riêng với ca bệnh 449, sau khi có một lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 thì kết quả xét nghiệm lần 2 đã dương tính trở lại. Bệnh nhân 450 và các bệnh nhân khác vẫn đang dương tính với virus SARS-CoV-2.
Sở Y tế TP.HCM tái kích hoạt Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ, bắt đầu từ 9h ngày 1/8.
Nguồn: [Link nguồn]