Cận cảnh vị trí Bình Định dự kiến tạc bức phù điêu 'khủng' 86 tỷ gây tranh cãi
Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc UBND tỉnh Bình Định dự kiến chi hơn 86 tỷ đồng (tiền ngân sách hơn 34 tỷ, nguồn xã hội hóa hơn 51 tỷ) để thực hiện công trình phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ, tạc vào vách núi Bà Hỏa với quy mô “khủng” chưa từng có.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định, vị trí tạc bức phù điêu này nằm trên vách núi Bà Hỏa. Đây là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, được thể hiện bằng chất liệu đá tự nhiên vốn có với quy mô và hình thức nghệ thuật hoành tráng, góp phần tác động đến nhận thức, giáo dục truyền thống lịch sử yêu nước, lòng tự hào của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Ngoài ra, việc hình thành tác phẩm sẽ làm tăng giá trị không gian văn hóa - lịch sử, kiến trúc cảnh quan đô thị và tăng giá trị hình ảnh quảng bá, thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế”. Thời gian thực hiện công trình từ năm 2020 – 2022, dự kiến tổng kinh phí hơn 86 tỷ đồng (trong đó nguồn ngân sách là hơn 34 tỷ, kêu gọi tài trợ xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác là hơn 51 tỷ đồng).
Vị trí tạc phù điêu là núi Bà Hỏa (TP Quy Nhơn) nằm dọc giữa ngã 5 đường Trần Hưng Đạo giao với đường Võ Nguyên Giáp, Đống Đa, Nguyễn Tất Thành dẫn vào trung tâm TP Quy Nhơn. Ảnh: Trương Định
Đây là cửa ngõ ra vào trung tâm TP Quy Nhơn. Đã có nhiều ý kiến lo ngại việc đặt một tác phẩm điêu khắc lớn tại đây sẽ gây ra sự xao nhãng, mất chú ý đối với người điều khiển phương tiện giao thông, dễ xảy ra tai nạn. Ảnh: Trương Định
Nhiều ý kiến còn cho rằng, tỉnh Bình Định còn nhiều khó khăn, việc điêu khắc công trình tiền tỷ này gây lãng phí! Ảnh: Trương Định
Để thực hiện công trình này, đơn vị tư vấn đã tiến hành khảo sát thực địa và lên phương án xây dựng, cắt sâu vào vách núi mặt phẳng đứng để tạc phù điêu trực tiếp vào vách núi, phần mặt phẳng nằm tạo thành sân quảng trường với diện tích dự kiến 2.500m2. Đây là nơi sinh hoạt cộng đồng, sân chơi để người dân chiêm ngưỡng bức phù điêu. Ảnh: Trương Định
Đơn vị tư vấn sẽ thiết kế công trình phù điêu cách ranh giới quy hoạch nút giao thông ngã 5 Đống Đa là 6m. Từ ranh giới chân núi cắt bạt theo hình cánh cung, vị trí sâu nhất là 25m, vị trí gần nhất là 10 – 20m. Phía trên đỉnh, dọc theo mô hình phù điêu và đồi núi, xây dựng mương thu nước không cho nước chảy về phía mặt phù điêu. Tổng chiều dài hình cong phù điêu 80m, vị trí cao nhất của phù điêu là 36m. Ảnh: Trương Định
Về nội dung phác thảo bức phù điêu, đơn vị tư vấn đã tiếp thu, hoàn chỉnh theo ý kiến góp ý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Trương Định
Phối cảnh bức phù điêu.
Như Tiền Phong đưa tin, tỉnh Bình Định dự kiến sẽ tạc bức phù điêu “khủng” vào vách núi với chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”. Vị trí tạc phù điêu là núi Bà Hỏa (TP Quy Nhơn) nằm dọc giữa ngã 5 đường Trần Hưng Đạo giao với đường Võ Nguyên Giáp, Đống Đa, Nguyễn Tất Thành dẫn vào trung tâm TP Quy Nhơn. Tác phẩm phù điêu này sẽ được khắc họa theo 3 lớp. Lớp thứ nhất là hình tượng Lạc Long Quân và Âu Cơ, khoác áo choàng, đầu đội mũ lông chim. Sau lưng, dưới chân là những lớp mây gợi lại huyền sử lung linh về dòng dõi Rồng Tiên của cư dân Lạc Việt. Lớp thứ 2 thể hiện 18 nhân vật nam, tượng trưng cho 18 đời Hùng Vương. Các vua hùng với dáng đứng uy nghi, hai tay chắp ngang ngực cung kính lắng nghe lời căn dặn của cha mẹ. Lớp thứ 3 thể hiện các nhân vật, đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc khắc họa một người nam và một người nữ.
Tỉnh Bình Định dự kiến dựng bức phù điêu khắc vào vách núi trong nội thành TP Quy Nhơn.