Cận cảnh thiết bị truy tìm hộp đen MH370
Để tìm hộp đen MH370, lực lượng tìm kiếm phải sử dụng công nghệ rất phức tạp.
Thời gian quý báu đang ngày càng cạn dần để lực lượng tìm kiếm cứu nạn các nước có thể tìm thấy những bằng chứng quý báu để có thể giải mã những gì đã xảy ra trên chiếc máy bay MH370, bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không hiện đại.
Mặc dù thủ tướng Malaysia đưa ra kết luận rằng máy bay MH370 đã đâm xuống vùng biển nam Ấn Độ Dương khiến toàn bộ hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng, lực lượng tìm kiếm của các nước vẫn chưa phát hiện ra bất cứ mảnh vỡ nào của chiếc Boeing này, và họ vẫn đang chạy đua với thời gian để xác định vị trí hộp đen của máy bay trước khi tín hiệu của nó tắt hẳn.
MH370 được cho là đã đâm xuống Ấn Độ Dương (Ảnh minh họa)
Theo tiêu chuẩn của hàng không quốc tế, hộp đen trên máy bay phải liên tục phát tín hiệu ít nhất 30 ngày kể từ khi máy bay gặp tai nạn. Tuy nhiên các chuyên gia hàng không cho rằng tùy thuộc vào điều kiện pin của hộp đen lúc máy bay gặp nạn, nó vẫn có thể phát đi tín hiệu thêm 15 ngày nữa hoặc lâu hơn.
Nếu không tìm được hộp đen chứa đựng những thông tin tối quan trọng ghi lại các âm thanh trong buồng lái và dữ liệu chung của máy bay, các điều tra viên gần như không thể kết luận được điều gì đã khiến máy bay gặp nạn.
Mặc dù công ty vệ tinh Inmarsat của Anh đã xác định được vị trí của máy bay khi nó phát tín hiệu “ping” cuối cùng lên vệ tinh, và vệ tinh của nhiều quốc gia cũng đã chụp ảnh được một số vật thể nghi ngờ, song lực lượng tìm kiếm vẫn chưa thể xác định được vị trí chính xác của máy bay trên vùng biển quá rộng lớn này.
Hộp đen lưu giữ các dữ liệu tối quan trọng suốt cả chuyến bay
Để tìm được hộp đen của máy bay, các chuyên gia về hải lưu và khí tượng sẽ phải nỗ lực hết mình để xác định vị trí của xác máy bay dựa trên các mảnh vỡ trôi nổi mà lực lượng tìm kiếm phát hiện được, và từ đó mới có cơ hội tìm kiếm được chiếc hộp đen (thực ra thiết bị này có màu vàng cam) ở dưới đáy biển.
Ông John Goglia, một cựu thành viên Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ cho biết: “Chúng ta phải trông chờ vào may mắn. Đó là một cuộc chạy đua với thời gian để thu được tín hiệu của hộp đen trong thời gian nó còn hoạt động.”
Trong khi đó, Tư lệnh Không quân Úc Mark Binskin nhận xét: “Chúng tôi không phải đang tìm một cây kim trong đống cỏ, mà chúng tôi đang cố tìm cách xác định đống cỏ đấy nằm ở đâu.”
Giữa vùng biển nam Ấn Độ Dương mênh mông và khắc nghiệt, để bắt được những tín hiệu “ping” không quá mạnh do hộp đen phát ra, lực lượng tìm kiếm sẽ phải sử dụng những công nghệ hiện đại được gọi là hệ thống “định vị ping” của hải quân Mỹ.
Cận cảnh thiết bị định vị ping của hải quân Mỹ
Một tàu hải quân Mỹ gắn hệ thống “định vị ping” cũng đang trên đường tới vùng biển này để tham gia chiến dịch tìm kiếm.
Thiết bị định vị ping của hải quân Mỹ là một micro dài khoảng 76 cm được một con tàu thả xuống mặt nước và kéo chầm chậm phía sau. Chiếc micro siêu nhạy này sẽ “lắng nghe” bất cứ tín hiệu âm thanh “ping” nào phát ra từ hộp đen với khoảng cách trung bình là 1,6 km, tuy nhiên tùy thuộc vào nhiều yếu tố từ điều kiện sóng biển cho tới địa hình cũng như việc hộp đen có bị vùi lấp hay không, nó có thể nghe được tín hiệu ping từ khoảng cách 3,2 km.
Thiết bị này được gắn vào một sợi cáp dài khoảng 6000 mét và được một tàu ngầm mini nhỏ màu vàng hình tam giác dẫn đường dưới đáy biển. Cả bộ thiết bị này trông giống như một con cá đuối với sải cánh dài gần 1 mét.
Mỗi giây, thiết bị này sẽ 2 lần gửi dữ liệu lên “tàu mẹ”, nơi các kỹ thuật viên sử dụng máy tính ghi nhận bất cứ tín hiệu mạnh nào và ghi lại vị trí của nó. Tàu mẹ sẽ liên tục kéo thiết bị định vị ping theo hình ô bàn cờ để các kỹ thuật viên có thể xác định được tín hiệu ping mạnh nhất để có thể định vị được hộp đen.
Thiết bị định vị ping sẽ được tàu mẹ kéo theo để dò tín hiệu do hộp đen phát ra
Ngoài thiết bị định vị ping của hải quân Mỹ, tàu Ocean Shield được trang bị thiết bị dò âm thanh dưới biển của hải quân Úc cũng sẽ được điều đến khu vực tìm kiếm trong vài ngày tới.
Còn trong trường hợp lực lượng tìm kiếm không nghe thấy bất cứ tín hiệu ping nào trước khi hộp đen hết pin, họ sẽ phải sử dụng một loại thiết bị mới có tên gọi là máy quét thủy âm để vẽ bản đồ đáy biển, cho phép các chuyên gia có thể xác định được bất cứ vật thể có hình dạng khác thường nào dưới đáy biển.
Thiết bị thủy âm này có thể được tàu kéo theo phía sau hoặc được gắn trên tàu ngầm không người lái lặn sâu dưới biển suốt 20 giờ liên tục để quét toàn bộ địa hình, xây dựng bản đồ 3D của đáy biển để tìm xác máy bay.
Một máy quét thủy âm chuyên vẽ bản đồ đáy biển
Đây chính là chiến thuật mà lực lượng tìm kiếm đã áp dụng để tìm xác chiếc máy bay Air France 447 đâm xuống Đại Tây Dương năm 2009. Các tàu ngầm không người lái đã dùng thiết bị thủy âm quét toàn bộ địa hình đáy biển và gửi dữ liệu lên tàu để các chuyên gia phân tích.
Cuối cùng, sau khi xác định được vị trí chiếc máy bay bằng thiết bị thủy âm, lực lượng tìm kiếm sẽ dùng một tàu ngầm khác trang bị camera có độ phân giải đặc biệt lặn xuống tiếp cận và chụp ảnh xác máy bay trước khi tiến hành trục vớt.
Hộp đen của Air France 447 được tìm thấy dưới đáy Đại Tây Dương
Trong trường hợp máy bay Air France 447, lực lượng cứu hộ đã phải mất gần 2 năm với 4 chiến dịch tìm kiếm kéo dài mới tìm thấy hộp đen và xác máy bay, và tổng chi phí cho chiến dịch tìm kiếm, trục vớt này lên tới 40 triệu USD.