Cận cảnh thi công đường băng Tân Sơn Nhất khi chậm chuyến gia tăng
Chỉ sau 10 ngày phát lệnh khởi công, đường băng 25 phải tại sân bay Tân Sơn Nhất được lật tung lên để thi công.
Các xe, máy thi công cào bốc lớp bê tông nhựa đường băng sân bay Tân Sơn Nhất
Những ngày này, không khí thi công tại “Dự án cái tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn CHKQT Tân Sơn Nhất” rất rầm rộ. Liên danh nhà thầu Tập đoàn CIENCO4, Tổng công ty Xây dựng Hàng không (ACC), Công ty CP Xây dựng công trình hàng không 647 đã huy động hàng chục máy móc, thiết bị, nhân lực đến công trường để thi công ngày đêm. Lớp bê tông nhựa dày hơn 20cm được cào bốc lên để chuẩn bị thi công phần nền bên dưới.
Chiều dài đường băng hơn 3km nhưng đến nay việc cào bốc lớp bê tông nhựa đã được quá nửa đường. Mặc dù hai đường băng 25 phải và 25 trái cách nhau gần 400m, nhưng để đảm bảo an toàn, chủ đầu tư đã yêu cầu dựng một hàng rào phân cách giữa hai đường băng. Ở đường băng 25 trái, tàu bay vẫn cất hạ cánh ngày đêm.
Tất cả công nhân, phương tiện, thiết bị đưa vào phục vụ thi công đều đi vào hướng phía Bắc sân bay, không qua khu vực nhà ga, sân đỗ, đường cất hạ cánh 25 trái ở phía Nam, vì vậy hoạt động khai thác bay không bị ảnh hưởng.
Để vào được công trường, các nhà thầu thi công, giám sát phải gửi danh sách công nhân, thiết bị xe, máy cho chủ đầu tư làm đầu mối, sau đó gửi đến Sư đoàn 370, Cảng vụ hàng không miền Nam cấp phép. Muốn vào công trường phải qua cổng kiểm tra của Sư đoàn 370 để đi vào đường nội bộ vòng ngoài sân bay. Sau đó phải đi qua thêm một cửa kiểm tra an ninh rồi mới đường vào công trường thi công.
Tại công trường còn có các tổ giám sát an ninh, an toàn, chất lượng của chủ đầu tư, nhà thầu luôn túc trực. Lực lượng của Cảng vụ hàng không miền Nam cũng liên tục tổ chức kiểm tra các đơn vị xem có thực hiện các quy trình an ninh, an toàn như đã được cấp phép hay không.
Quá trình nâng cấp đường cất hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất được chia làm 2 bước. Bước 1, trong thời gian từ 1/7 – 31/12/2020 tổ chức thi công và hoàn thành dứt điểm đường cất hạ cánh 25 phải và các nhánh nối nhỏ. Bước 2 từ 1/10/2020 đến 31/12/2021 sẽ thi công đường lăn song song W11 và các nhánh nối thoát nhanh.
Việc nâng cấp đường cất hạ cánh 25 phải được thực hiện 3 ca liên tục, từ 7h sáng hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Tổng công ty Cửu Long cho biết giai đoạn đầu khối lượng thi công chủ yếu bằng máy móc, đến khi thi công lớp nền bê tông xi măng, các nhà thầu sẽ phải tăng cường thêm nhân lực, thiết bị. Dự kiến sẽ có khoảng 1.200 nhân lực tham gia thi công dự án.
Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi lại không khí thi công tại sân bay Tân Sơn Nhất:
Ngay từ đầu 2 đường băng, chủ đầu tư đã đặt dấu chéo để phi công mỗi lần hạ cánh biết rằng đường băng 25 phải đã đóng để nâng cấp sửa chữa, không hạ cánh nhầm.
Chỉ sau 10 ngày phát lệnh khởi công, mặt bê tông nhựa của đường băng 25 phải được lật tung lên để thi công
Hàng chục xe, thiết bị được huy động để thi công ngày đêm.
Chủ đầu tư yêu cầu dựng một hàng rào B40 tách biệt giữa hai đường băng. Trong khi đường băng 25 phải đang sửa chữa thì đường băng 25 trái vẫn khai thác bình thường. Các công nhân không được phép đến gần hàng rào.
Những thùng container được dùng để làm nơi nghỉ ngơi cho cán bộ, công nhân trực tiếp thi công dự án. Bởi việc ra vào khu sân bay rất khó nên họ phải nghỉ lại ngay công trường
Thùng rác cũng được đóng trong một khung sắt để không bị gió bay, làm ảnh hưởng đến hoạt động bay.
Cán bộ kỹ thuật, lực lượng Cảng vụ hàng không miền Nam liên tục kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình thi công đường bằng 25 phải Tân Sơn Nhất
Dự kiến, đến 31/12 sẽ hoàn thành nâng cấp đường băng để đưa vào khai thác trước Tết âm lịch
Nguồn: [Link nguồn]
Ngay khi 2 dự án nâng cấp, sửa chữa Sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) và Nội Bài (Hà Nội) triển khai, hoạt động bay nội địa...