Cận cảnh thành phố chết sau thảm họa Chernobyl

Hình ảnh thành phố chết gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl được ghi lại từ trên không.

Mới đây, những hình ảnh đầy ám ảnh quay lại những gì còn sót lại của thành phố hoang Pripyat, nơi đã diễn ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử mang tên Chernobyl cách đây gần 30 năm, đã được một nhiếp ảnh gia đưa lên mạng.

Cận cảnh thành phố chết sau thảm họa Chernobyl - 1

Toàn cảnh thành phố chết Pripyat

Pripyat từng là một thành phố đông đúc, trù phú với 49.000 dân, 25 cửa hàng và 10 phòng thể dục thể thao. Thế nhưng, nơi tưởng chừng như là thiên đường này đã bị bỏ hoang hoàn toàn sau khi nhà máy điện hạt nhân Chernobyl gặp sự cố, nổ tung và bắt đầu tan chảy vào năm 1986.

Gần 30 năm sau, nhiếp ảnh gia người Anh Danny Cooke đã sử dụng một chiếc máy bay không người lái để cung cấp cho chúng ta cái nhìn cận cảnh đầy ám ảnh về những gì còn sót lại của một thành phố sau thảm họa hạt nhân khủng khiếp.

Cận cảnh thành phố chết sau thảm họa Chernobyl - 2

Vòng đu quay khổng lồ dãi dầu mưa nắng

Những gì xuất hiện trong đoạn video được Cooke đưa lên mạng là một thành phố ma, nơi thời gian gần như ngừng lại, nơi vẫn còn tồn tại những hình ảnh mang tính biểu tượng của Liên bang Xô Viết hùng mạnh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Thảm họa Chernobyl đã biến cả thành phố nằm trong phạm vi phong tỏa 2.600 km vuông trở thành một nơi hoang hóa, bị xâm chiếm bởi rừng cây và các loại động vật hoang dã, tuyệt nhiên không có bóng dáng của con người.

Cận cảnh thành phố chết sau thảm họa Chernobyl - 3

Một tòa nhà bên trong thành phố Pripyat

Trên mặt đất là một sân chơi của trẻ em với những đồ chơi hoen rỉ, một vòng đu quay khổng lồ như sắp đổ sập, một căn phòng ngập đầy mặt nạ phòng độc, và từng dãy nhà chung cư bỏ hoang như thách thức với thời gian.

Đoạn video mang tên “Những tấm bưu thiếp từ Pripyat” này được Cooke thực hiện khi quay một bộ phim tài liệu cho chương trình 60 Minutes của hãng CBS (Mỹ).

Cooke đã tận dụng thời gian rỗi để tiếp cận với khu vực cách ly, điều khiển chiếc máy bay không người lái DJI Phantom 2 gắn camera để quay những hình ảnh thành phố Pripyat từ trên không.

Cận cảnh thành phố chết sau thảm họa Chernobyl - 4

Căn phòng tràn ngập mặt nạ phòng độc

Cooke cho biết: “Chernobyl là một trong những nơi thú vị nhất và nguy hiểm nhất mà tôi từng đến. Có gì đó rất thanh bình nhưng cũng khá ghê rợn ở nơi này. Thời gian như đứng lại, và những ký ức về quá khứ vẫn lảng vảng quanh ta”.

Thảm họa hạt nhân Chernobyl đã ảnh hưởng đến hàng triệu con người, trong đó có cả gia đình của Cooke lúc đó đang sống ở Ý, khiến anh có thể hiểu được nỗi hoảng sợ của hàng trăm ngàn người dân Pripyat phải sơ tán khỏi vùng đất này.

Cận cảnh thành phố chết sau thảm họa Chernobyl - 5

Sân chơi trẻ em bị bỏ hoang

Sau khi lò phản ứng hạt nhân Chernobyl bị nổ, những phân tử phóng xạ độc hại bị giải phóng ra không khí, khiến những khu vực rộng lớn xung quanh bị nhiễm phóng xạ chết người, gây ra những triệu chứng nhiễm xạ và các căn bệnh lâu dài cho những người sống cạnh đó.

Chỉ nằm cách nhà máy điện hạt nhân Chernobyl gần 15 km, thành phố Pripyat đã được lệnh sơ tán toàn bộ chỉ trong vòng vài ngày sau khi thảm họa xảy ra, và người dân đã phải bỏ lại toàn bộ đồ đạc, vật dụng phía sau.

Cận cảnh thành phố chết sau thảm họa Chernobyl - 6

Trang sách còn đang mở dở dang trong một lớp học

Từ năm 1986 đến nay, nỗi lo sợ về phóng xạ đã khiến Pripyat trở thành một thành phố chết. Tuy nhiên, gần đây thành phố này đã được coi là an toàn đối với những người tới thăm trong một thời gian ngắn.

Video thành phố chết Pripyat nhìn từ trên không:

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hà (Independent) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN