Cận cảnh Nhà hát hồ Gươm 5.000 m2 tại vị trí đất "kim cương" của Hà Nội
Ngày 9-7, Bộ Công an và UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ khánh thành Nhà hát Hồ Gươm, số 40 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh, đánh giá cao Bộ Công an và TP Hà Nội đã sắp xếp bố trí kinh phí xây dựng công trình văn hoá - Nhà hát hồ Gươm bằng nhiều hình thức khác nhau; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà hát Hồ Gươm.
Theo Thủ tướng, Nhà hát hồ Gươm là một thiết chế văn hoá với không gian văn hoá nghệ thuật hiện đại xen lẫn truyền thống có cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, có kết nối với công trình văn hoá lịch sử, cảnh quan kiến trúc quanh hồ Gươm tạo thành một quần thể văn hoá của Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại và hoà bình. Có thể nói đây là một trong những công trình kiến trúc văn hoá mang tính biểu tượng của lực lượng Công an nhân dân và góp phần tô thắm biểu tượng của TP Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ.
"Việc đầu tư xây dựng Nhà hát hồ Gươm thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy, chính quyền TP Hà Nội đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, nhà nước về văn hóa và cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Công trình có ý nghĩa rất lớn đối với việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, góp phần nâng cao tinh thần vật chất cho nhân dân và lực lượng Công an nhân dân" - Thủ tướng nêu rõ.
Tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thay mặt Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Công an trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, nhà nước, đặc biệt là Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ban tổ chức sẽ tiếp thu, triển khai thực hiện và tổ chức hoạt động, phát huy thật tốt giá trị của Nhà hát hồ Gươm; bảo đảm lan tỏa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; tăng cường giao lưu văn hóa nghệ thuật trong nước và bạn bè quốc tế.
Khẳng định công trình là tình cảm của lực lượng Công an nhân dân với nhân dân Thủ đô nói riêng, nhân dân cả nước nói chung, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã trân trọng cảm ơn các lãnh đạo Đảng, nhà nước, chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội luôn đồng hành cùng Bộ Công an trong quá trình xây dựng Nhà hát hồ Gươm, các cơ quan doanh nghiệp đã nỗ lực hoàn thành công trình đúng tiến độ, cảm ơn các nghệ sĩ trong và ngoài nước đã đồng hành và tiếp tục sử dụng hiệu quả Nhà hát hồ Gươm trong thời gian tới..
Với quy mô 5.000 m2, Nhà hát hồ Gươm nằm tại giao điểm những phố lớn trung tâm TP Hà Nội. Nhà hát có 6 tầng nổi, 3 tầng hầm, gồm khán phòng chính 900 chỗ ngồi, phòng hòa nhạc nhỏ 500 chỗ và các khu vực trưng bày, triển lãm nghệ thuật và các công trình phụ trợ khác.
Điểm nhấn kiến trúc châu Âu xưa toát lên sự sang trọng và lộng lẫy từ 52 cột đá nguyên khối, được nhập khẩu trực tiếp từ Tây Ban Nha, cùng các khối mặt kính và mái vòm bao bọc tòa nhà.
Việc đầu tư xây dựng Nhà hát hồ Gươm - công trình văn hóa mang tầm vóc quốc tế - đã khẳng định tâm huyết của Bộ Công an và TP Hà Nội trong việc kiến tạo nên một thiết chế văn hoá đẳng cấp, góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước về văn hóa, văn nghệ và xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Nhà hát hồ Gươm đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật thẩm mỹ không chỉ cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân mà còn cho nhân dân thủ đô cũng như cả nước. Trong tương lai không xa, Nhà hát Hồ Gươm sẽ trở thành công trình biểu tượng về văn hóa, biểu tượng của du lịch Thủ đô và Việt Nam.
Một số hình ảnh kiến trúc Nhà hát Hồ Gươm:
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề xuất lấy đất phía sau Nhà hát Lớn (TP Hà Nội) để xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam.