Cận cảnh nhà ga gần 11.000 tỷ đồng của sân bay Tân Sơn Nhất đang dần thành hình
Sau 4 tháng thi công, đến nay phần thô một số hạng mục chính của dự án nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã đạt khoảng 50% khối lượng. Hiện nay có khoảng 1.400 công nhân với trên 350 đầu xe, phương tiện được tập kết, vận hành để triển khai thi công liên tục nhằm đảm bảo tiến độ dự án.
Nhà ga T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất là một trong những nhà ga hành khách lớn nhất cả nước với công suất thiết kế khoảng 20 triệu hành khách/năm.
Theo ghi nhận của PV, những ngày cận Tết Nguyên đán 2024, công trường dự án xây dựng nhà ga T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TPHCM) luôn tất bật, nhộn nhịp.
Nhà ga T3 có 4 hạng mục chính gồm: nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp trung tâm dịch vụ phi hàng không, hệ thống đường tầng trên cao (cầu cạn) trước nhà ga và công trình hạ tầng phụ trợ (sân đỗ xe, đường giao thông nội cảng, nhà cơ điện và trạm xử lý nước thải,…).
Ngày 19/1, thông tin với PV, ông Lê Khắc Hồng - Trưởng Ban Quản lý dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho biết gói thầu chính của dự án được khởi công vào ngày 31/8/2023, đến nay phần thô của các hạng mục chính cơ bản đã đạt khoảng 50% khối lượng.
Dự kiến đến ngày 15/5/2024 sẽ hoàn thành toàn bộ phần thô của nhà ga.
Đến ngày 10/8/2024 sẽ hoàn thành toàn bộ phần thô của hạng mục nhà xe cao tầng kết hợp trung tâm dịch vụ phi hàng không.
Đại diện Ban Quản lý dự án cho biết, bắt đầu từ ngày 15/5/2024 sẽ thực hiện xong phần kết cấu thép và phủ mái lớp 1 để tránh được mùa mưa ở TPHCM diễn ra vào khoảng tháng 9 đến tháng 10.
Cũng theo Ban Quản lý dự án, khó khăn chính hiện nay là mặt bằng thi công bị bó hẹp bởi xung quanh là sân bay, các công trình thuộc khu vực quân sự và dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa. Chính vì vậy, không còn chỗ để làm các khu vực phụ trợ thi công (khu phụ trợ vật liệu, bãi gia công vật liệu). Bên cạnh đó, đường công vụ cũng không triển khai được một cách ổn định và phải linh hoạt theo từng thời kỳ.
Công nhân thi công trên công trường nhà ga T3.
Phần trụ thuộc hệ thống đường tầng trên cao (cầu cạn) trước nhà ga đang dần hình thành.
Đại diện Ban Quản lý dự án cho biết, đây là dự án trọng điểm. Thời gian thi công ngắn, mục tiêu đến tháng 6/2025 phải đưa vào khai thác. Chính vì vậy, tiến độ thực hiện phải rất khẩn trương.
Hiện nay trên công trường đã huy động được 1.400 công nhân với 16 cẩu tháp và trên 350 đầu xe, phương tiện được tập kết, vận hành để triển khai thi công liên tục nhằm đảm bảo tiến độ dự án.
Hiện các nhà thầu đang chia nhỏ khu vực thi công để thi công cuốn chiếu, thực hiện thi công 2 ca trong ngày (từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm trừ các công việc vận chuyển bê tông, vật liệu, đổ thải hoạt động xuyên đêm).
“Chúng tôi yêu cầu tất cả các nhà thầu phải đăng ký kế hoạch thi công trong 15 ngày. Sau 15 ngày sẽ tiến hành họp kiểm điểm tiến độ, đơn vị nào không đảm bảo tiến độ thì 15 ngày tiếp theo phải thực hiện sản lượng của 15 ngày đó cộng với kế hoạch bù phần việc không thực xong trong 15 ngày trước đó. Chúng tôi phải kiếm soát quá trình để không xảy ra nguy cơ chậm tiến độ. Nhà thầu nào mà 3 lần không làm được thì phải có phương án thay thế”- ông Lê Khắc Hồng - Trưởng Ban Quản lý dự án thông tin.
Theo ông Nguyễn Đức Toàn - Giám đốc Ban điều hành dự án, hiện nay có khoảng 1.400 công nhân đang thi công trên công trường. Dự kiến sau kỳ nghỉ Tết, nhiều công tác xây dựng được triển khai nên số lượng công nhân có thể tăng lên trên 2.000 người.
"Trong đợt Tết này, chúng tôi đã có tính toán kế hoạch phân bổ để người lao động được luân phiên nghỉ. Qua đó, tối thiểu duy trì 60-70% nhân lực thi công trong những ngày Tết. Bên cạnh đó, chế độ lương, tổ chức chăm lo Tết cho người lao động cũng sẽ được đảm bảo"- ông Toàn cho hay.
Phối cảnh nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Ảnh: ACV
Dự án “Xây dựng Nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng. Nguồn vốn được huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (70%) và vốn vay thương mại (chiếm 30%). Hạng mục nhà ga hành khách có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500 m2. Nhà ga có hình tuyến tính tương đồng với nhà ga hiện hữu, được thiết kế thành 2 cao trình đi và đến riêng biệt, có 90 quầy thủ tục hàng không truyền thống, 20 quầy hành lý tự động và 42 quầy check in, 27 cửa ra tàu bay. Nhà ga hành khách T3 sau khi hoàn thành sẽ là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm. Công trình được thực hiện đồng thời với các công trình mở rộng đường giao thông kết nối (đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa) do TPHCM làm chủ đầu tư, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. |
Nguồn: [Link nguồn]
Bức tường ngăn cách sân bay Tân Sơn Nhất với khu dân cư tồn tại hơn 30 năm đã được phá dỡ để thi công tuyến đường nối từ Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa.