Cận cảnh ngôi nhà cổ 125 tuổi của đại gia một thời giàu sang nức tiếng Đồng Tháp
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê tọa lạc tại Sa Đéc (Đồng Tháp) đến nay đã trải qua gần 125 năm thăng trầm cùng thời gian. Với lối kiến trúc Đông – Tây kết hợp cùng những nguyên vật liệu đắt đỏ, căn nhà gợi nhớ về thời kỳ thịnh vượng, phú quý của một gia đình giàu sang bậc nhất Sa Đéc lúc bấy giờ.
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là biểu tượng của nét kiến trúc Đông – Tây kết hợp. Ngoài ra, ngôi nhà này còn được biết nhiều khi được coi là chứng nhân lịch sử của mối tình giữa công tử Nam Kỳ và nữ nhà văn người Pháp.
Ngôi nhà cổ do ông Huỳnh Cẩm Thuận, một thương gia người Hoa (Phúc Kiến, Trung Quốc) nổi tiếng giàu có một thời ở Sa Đéc xây dựng vào năm 1895 giữa khu thị tứ mua bán náo nhiệt nằm ven sông Sa Đéc.
Một số hình cảnh về căn nhà cổ 125 tuổi gợi nhớ về thời kỳ thịnh vượng, phú quý của một gia đình giàu sang bậc nhất Sa Đéc:
Ban đầu, đây là ngôi nhà ba gian kiểu truyền thống của miền Tây Nam Bộ, rộng 258m2 với nguyên vật liệu chính là gỗ quý cùng mái nhà hình thuyền, lợp ngói âm dương.
Đến năm 1917, ông Huỳnh Cẩm Thuận cho trùng tu lại ngôi nhà bằng gạch đặc bao lấy khung gỗ bên trong. Do đó, ngôi nhà hình thành một tổng thể lối kiến trúc pha trộn hài hòa giữa Pháp, Việt, Hoa. Về sau, con trai út của ông là Huỳnh Thủy Lê nhận quyền thừa kế ngôi nhà.
Thoạt nhìn bên ngoài, nhà cổ mang lối kiến trúc La Mã Phục Hưng ở thế kỷ 17 với cổng vòm, hệ thống cột cùng các hoa văn và phù điêu hoa lá. Song bên trong lại mở ra không gian nhà 3 gian truyền thống của người Việt. Riêng lối bày trí của các bao lam sơn son thiếp vàng trong nhà lại gắn liền với các chủ đề trong mỹ thuật truyền thống Trung Hoa.
Gạch men với hoa văn kiểu Pháp dùng để lát trong ngôi nhà đều được nhập từ Pháp về.
Ở cửa chính có khung cửa với các thanh gỗ tròn song song nằm ngang có thể kéo qua lại. Buổi trưa nhà không đóng của chính mà kéo khung cửa này lại, ánh sáng và gió vẫn lùa vào nhà, có người gọi đó là “khung cửa ngủ trưa”.
Gian giữa, nền nhà được chủ ý xây trũng với quan niệm về phong thủy tiền tài thường chảy về chỗ trũng.
Bàn thờ Quan Công được đặt ở chính giữa theo tín ngưỡng của người Hoa; các chi tiết trên bao lam là “long, lân, bức (dơi), phụng”, thay vì “long, lân, quy, phụng”.
Ngoài giá trị cổ kính và lối kiến trúc Đông – Tây kết hợp, nhà cổ còn nổi tiếng bởi là “nhân chứng” cho cuộc tình không biên giới giữa nữ nhà văn Marguerite Duras và người tình đầu tiên của bà – ông Huỳnh Thủy Lê, chủ nhân ngôi nhà.
Trải qua gần 125 năm với nhiều thay đổi của thời gian, song từng chi tiết của căn nhà vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn với phiên bản đầu tiên. 10 năm trở lại đây, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê mở dịch vụ cho khách thăm quan và ở lại qua đêm với mong muốn mang lại những trải nghiệm “thật” nhất về những gì từng diễn ra ở nơi này.
Nguồn: [Link nguồn]
Chủ nhân của ngôi nhà phải kết bè chuối chở đá từ trong núi ra và huy động khoảng 30 người làm thủ công trong hai năm...