Cận cảnh nghề "soi" tàu Cát Linh - Hà Đông
Sau khi kết thúc một ngày chở khách, các đoàn tàu tuyến metro Cát Linh - Hà Đông sẽ được kiểm tra, bảo dưỡng trong đêm tại Depot.
Tuyến đường sắt đô thị (metro) Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác vận hành từ 6/11/2021. Đây là tuyến metro đầu tiên của cả nước hoàn thành sau 10 năm xây dựng với chiều dài 13,05km đi trên cao, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu điện, sức chở 960 người/đoàn tàu.
Công ty Hà Nội Metro (đơn vị khai thác vận hành) cho biết, sau hơn 2 tháng khai thác vận hành, lượng khách đi tàu đạt mốc 1 triệu lượt vào ngày 13/1/2022.
Trung tâm chỉ huy chạy tàu OCC nằm trong tòa nhà điều hành ở khu Depot (phường Phú Lương, quận Hà Đông). Các nhân viên tại đây có nhiệm vụ chỉ huy, điều hành chạy tàu, giám sát an ninh, an toàn trên toàn tuyến.
Tàu Cát Linh - Hà Đông chở khách từ 5h30-22h, tần suất 10 phút/chuyến tàu dừng tại ga. Ngày nào cũng vậy, khi các đoàn tàu về “nghỉ đêm” tại Depot sẽ được kiểm tra, bảo dưỡng.
Công việc này do Bộ phận kiểm tra và sửa chữa tàu thuộc Công ty Hà Nội Metro đảm nhận. “Khi các đoàn tàu về Depot nghỉ ngơi là lúc chúng tôi kiểm tra, sửa chữa tàu. Công việc này diễn ra từ hơn 22h30 đến sáng hôm sau”, kỹ sư Trần Văn Việt, Trưởng một nhóm kiểm tra, sửa chữa tàu chia sẻ.
Các đoàn tàu được kiểm tra trong trạng thái tĩnh có điện và không có điện tại Depot. Theo đó, khi tàu có điện, kỹ thuật viên kiểm tra sự hoạt động của các bộ phận trên tàu bằng việc thao tác các nút điều khiển tại ca bin, kết hợp quan sát còi, đèn, đóng mở cửa tàu, đèn tín hiệu báo ga dừng...
Theo các kỹ thuật viên, tàu metro Cát Linh - Hà Đông chạy bằng điện, nhiều bộ phận linh kiện điện tử nên nếu có vấn đề kỹ thuật phát sinh sẽ dễ bộc lộ sau khi vừa kết thúc hoạt động. Vì vậy, khi tàu về Depot được kiểm tra, đánh giá ngay.
Kết quả kiểm tra được ghi vào nhật ký. Bất kỳ chi tiết kỹ thuật nào mà kỹ thuật viên phát hiện hoặc nghi ngờ không ổn định đều phải báo cáo để được sửa chữa.
Bên cạnh đó, kỹ thuật viên sẽ kiểm tra trong khoang hành khách để đánh giá sự ổn định của kính chắn gió, điều hòa không khí, đèn chiếu sáng, bình cứu hỏa…
Dây nắm, ghế ngồi, kính chắn gió... trong khoang tàu được lau khử khuẩn cẩn thận.
Khi tàu ở trạng thái tĩnh và ngắt điện hoàn toàn, các kỹ thuật viên mới được chui dọc theo gầm tàu để kiểm tra từng chi tiết kết cấu kỹ thuật (giá treo, bánh guốc, hãm tàu…).
Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông có 4 toa, mỗi toa dài gần 20m. Thời gian kiểm tra mỗi đoàn tàu hết khoảng 45 phút.
Chuyền tàu đầu tiên của ngày mới bắt đầu đón khách tại ga lúc 5h30 nên tàu phải xuất phát từ Depot lúc 5h. Trước khi tàu rời Depot cũng được kiểm tra tàu lần nữa để bàn giao cho lái tàu. Vì vậy, đội ngũ kỹ thuật viên phải làm việc thâu đêm đến sáng sớm.
Các đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông chỉ dừng hoạt động ban đêm nên cùng với bộ phận kiểm tra và sửa chữa tàu, các bộ phận kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống metro (thiết bị nhà ga, thông tin, tín hiệu, đường ray, sữa chữa tổng hợp…) cũng phải làm xuyên đêm để đảm bảo các đoàn tàu tiếp tục vận hành bình thường vào hôm sau.
Hà Nội Metro cho biết, ngoài kiểm tra theo ngày, các đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông còn được kiểm tra theo chu kỳ 2 tuần/lần, tháng và năm (hoặc số kilomet, tùy điều kiện nào đến trước) để sửa chữa, duy trì chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện giữa 2 kỳ đăng kiểm.
Nguồn: [Link nguồn]
Lãnh đạo Metro Hà Nội thông tin về sự cố mất tín hiệu, tàu Cát Linh – Hà Đông không thể vận hành khiến nhiều hành...