Cận cảnh loạt nút giao, ngã tư "tử thần" trên đường ven biển gần 2.000 tỷ đồng ở Hà Tĩnh
Đường ven biển Hà Tĩnh được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, tốc độ tối đa 80km/h. Thế nhưng, dọc tuyến có hàng loạt ngã tư, vị trí giao cắt không được lắp hệ thống đèn tín hiệu, biển cảnh báo giảm tốc độ gây nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tuyến đường bộ ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng (hiện trạng là tuyến đường tỉnh ĐT.547) dài 120km bắt đầu từ cầu Cửa Hội (huyện Nghi Xuân) đến điểm giao với quốc lộ 12C ở cảng Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Trong 120 km có 33km trùng với một số đoạn tuyến đã được đầu tư của các dự án, 87 km còn lại được xây dựng mới qua 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với bề rộng nền đường 12 m, bề rộng mặt đường 7 m, bề rộng làn xe thô sơ (gia cố lề) 4 m và lề đường đất 1, tốc độ tối đa 80km/h. Là tuyến đường đẹp, thuận lợi nên các phương tiện trọng tải lớn qua lại trên tuyến khá dày đặc.
Dọc tuyến đường có nhiều điểm giao cắt, ngã tư với huyện lộ, đường dân sinh vào các khu dân cư và đường nội đồng nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn xảy ra.
Trong hình là Km95+330 ngã tư giao cắt đường ven biển với đường Đồng Phú đoạn qua xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh) - nơi xảy ra vụ tai nạn giữa 2 ô tô vào chiều 17/12.
Vụ tai nạn nghiêm trọng làm bé gái 2 tuổi tử vong, 9 người khác nhập viện cấp cứu.
Người dân địa phương cho biết đoạn qua xã Kỳ Phú có 2 ngã tư lớn giao với đường ven biển. Đây là 2 vị trí có lưu lượng phương tiện lớn và từng nhiều lần xảy ra các vụ tai nạn giao thông
“Từ khi đường ven biển xây mới, đưa vào sử dụng đã có không ít vụ tai nạn xảy ra. Ngoài các phương tiện lưu thông lớn thì ý thức người dân đi từ đường nhánh ra thiếu quan sát dẫn đến mất an toàn”, ông Hoàng Văn Cửu (55 tuổi, xã Kỳ Phú) nói. Trong hình là các dấu vết của vụ tai nạn nghiêm trọng còn sót lại.
Theo quan sát, vị trí xảy ra tai nạn có diện tích, tầm quan sát các hướng rộng, không có vật cản che khuất tầm nhìn. Hướng vào nút giao có hệ thống biển báo giao thông, vạch sơn gờ giảm tốc, vạch chỉ hướng.
Sau vụ tai nạn, đại tá Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công an Hà Tĩnh (thứ 4 trái sang) thị sát tuyến đường, chỉ đạo điều tra làm rõ nguyên nhân. Đồng thời, yêu cầu tăng cường giám sát tốc độ phương tiện trên tuyến. Đơn vị quản lý tuyến đường cũng được yêu cầu xác định tiêu chuẩn kỹ thuật, đưa ra các phương án xử lý để giảm thiểu tai nạn thời gian tới.
Suốt chiều dài tuyến đường còn có nhiều ngã tư, vị trí giao cắt nguy hiểm, không có đèn tín hiệu, nguy cơ xảy ra tai nạn.
Trong hình là ngã tư giao cắt đường ven biển với tuyến đường xuống biển Kỳ Xuân. Người đi đường phải chú ý, di chuyển chậm để quan sát. Một số vị trí bị khuất tầm nhìn rất khó khăn trong ngày mưa và đêm tối.
Một vị trí giao cắt khác của đường ven biển với đường liên xã qua huyện Cẩm Xuyên, cũng không có hệ thống đèn tín hiệu.
Dù đưa vào sử dụng chưa lâu song một số vị trí trên tuyến đường nghìn tỷ có dấu hiệu xuống cấp. Trong hình là cảnh mặt đường rạn nứt, hư hỏng qua xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh).
Tình trạng chăn thả gia súc trên tuyến đường còn diễn ra nhiều.
Tại vị trí sắp vào khu dân cư được lắp đặt biển cảnh báo, giới hạn tốc độ 60km/h.
Tuy nhiên, trước các chợ, trường học, khung cảnh giao thông hỗn loạn khi lưu lượng phương tiện qua lại lớn vẫn diễn ra.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh cho biết, sắp tới sẽ phối hợp ngành chức năng khảo sát lại các vị trí có nguy cơ mất an toàn trên tuyến đường để có giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tai nạn xảy ra.
Nút giao qua huyện Nghi Xuân có tuyến đường trung tâm, lưu lượng phương tiện lớn được thiết kế thành các vòng xoay để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Xe ba gác chở cồng kềnh, xếp hàng bó kim loại dài và nhọn là những hình ảnh gây sợ hãi đối với người đi đường ở TP HCM. Hai ngày trước, đã có tai nạn chết người xảy...
Nguồn: [Link nguồn]