Cận cảnh loạt công trình cổ ở Hà Nội có thể được "đại trùng tu"
Bên cạnh các biệt thự Pháp cổ, Hà Nội sẽ tiến hành kiểm định, đánh giá tình trạng 8 công trình kiến trúc khác được xây dựng trước năm 1954 để có kế hoạch bảo tồn, chỉnh trang.
Theo kế hoạch số 115/KH-UBND của thành phố Hà Nội về việc khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng biệt thự và một số công trình kiến trúc khác trên địa bàn thành phố, bên cạnh 24/1.216 biệt thự cổ sẽ có 8 công trình kiến trúc khác được xây dựng từ trước năm 1954 cũng được ưu tiên kiểm định, đánh giá chất lượng chi tiết để có kế hoạch bảo tồn, chỉnh trang.
Việc "khám" cho 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc khác thuộc sở hữu Nhà nước do Thành phố Hà Nội quản lý phải được thực hiện xong trước 30/9/2023.
Trong khi đó, 1.192 biệt thự còn lại sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá sơ bộ bằng phương pháp trực quan theo nhận định của chuyên gia, đưa ra đánh giá dựa trên các dấu hiệu bên ngoài của các kết cấu và phải hoàn thành xong trước ngày 30/6/2024.
Danh mục 8 công trình kiến trúc cổ xây dựng từ trước năm 1954 được ưu tiên kiểm định, gồm: Báo Hà Nội mới (số 44 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm); Tháp nước Hàng Đậu (quận Ba Đình); Trụ sở công an thành phố (số 87 – 89 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm); Cột cờ Hà Nội (số 28B Điện Biên Phủ, quận Ba Đình); Trường PTTH Phan Đình Phùng (số 30 Phan Đình Phùng, quận Ba Đình); Trường THPT Chu Văn An (số 10 Thụy Khuê, quận Tây Hồ); Trường THPT Trần Phú (số 8 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm); Trường THPT Việt Đức (số 47 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm).
Cận cảnh loạt công trình cổ tại Hà Nội sắp được "đại trùng tu":
Loạt công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 sẽ được ưu tiên kiểm định, đánh giá chất lượng trong thời gian tới bắt đầu với cái tên Trường THPT Chu Văn An.
Trường THPT Chu Văn An ban đầu có tên biệt thự Schneider, tiền thân là Collège du Protectorat (Trường trung học Bảo hộ) do chính quyền Pháp xây dựng từ năm 1908.
Năm 1999, tòa nhà được tu sửa và dùng làm thư viện, phòng Hiệu trưởng, phòng máy tính... Đến nay nơi đây vẫn còn giữ nguyên nhiều thiết kế mang đậm dấu ấn của thời gian.
Công trình thứ 2 trong danh sách cần ưu tiên kiểm định là Trường PTTH Phan Đình Phùng. Mặc dù được sơn sửa lại trong thời gian gần đây nhưng công trình vẫn còn lưu giữ những nét đặc trưng của kiến trúc Pháp cổ ngày xưa.
Phía bên ngoài tường bao được vẽ tranh tường những địa điểm nổi tiếng tại Thủ đô Hà Nội.
Trong danh sách còn có tên của 2 trường trung học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là Trường THPT Việt Đức và Trường THPT Trần Phú. Hai ngôi trường này đều đã có tuổi đời hơn 100 năm.
Tòa soạn báo Hà Nội Mới, 1 trong những địa điểm check-in nổi tiếng ở Hà Nội cũng có tên trong danh sách các công trình kiến trúc cổ cần được ưu tiên "khám" để có phương án trùng tu, sửa chữa nếu cần thiết.
Mỗi ngày, trước bảng tin Báo Hà Nội Mới đều đón tiếp những bạn trẻ tới trải nghiệm, chụp ảnh.
Trụ sở Công an thành phố Hà Nội mang nét kiến trúc rất đẹp và cần được bảo tồn, vì vậy địa điểm này cũng nằm tròn danh sách cần được kiểm định, đánh giá chất lượng.
Cột cờ Hà Nội, một trong những công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô. Vì đã xây dựng cách đây hơn 200 năm nên công trình này cũng cần sớm được kiểm tra, đánh giá hiện trạng.
Tháp nước Hàng Đậu là 1 trong những công trình hiếm hoi còn toàn vẹn được xây dựng trước cả cầu Long Biên. Được biết, nguồn vốn thực hiện kiểm định các công trình trên được lấy từ ngân sách thành phố hoặc ngân sách các quận.
Trước đó, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 115/KH-UBND về việc khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng biệt thự và một số công trình kiến trúc khác trên địa bàn thành phố theo Chương trình số 03 – CTr/TU của Thành ủy. Mục đích là nhằm xác định mức độ xuống cấp, nguy hiểm để có giải pháp, phương án cải tạo, chỉnh trang biệt thự cũ và công trình kiến trúc khác tại khu vực nội đô lịch sử, các quận nội thành. Theo đó, thành phố yêu cầu khảo sát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ 1.216 biệt thự (theo danh mục công bố tại Quyết định 1845 ngày 2/6/2022 của UBND thành phố) và một số công trình kiến trúc khác. Trong số hàng nghìn công trình kiến trúc cần được "khám" để có thể thực hiện một cuộc "đại trùng tu" sẽ ưu tiên kiểm định, đánh giá chất lượng chi tiết đối với 24 biệt thự cổ và 8 công trình kiến trúc khác được xây dựng từ trước năm 1954 theo Chương trình số 03. |
Sau một thời gian dài bị bỏ hoang, nhiều căn biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1945 ở Hà Nội đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều nơi còn trở thành điểm tập kết...
Nguồn: [Link nguồn]