Cận cảnh loạt cây cầu giúp thay đổi diện mạo Thủ đô
Trong những năm gần đây, TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng nhiều công trình cầu đường hiện đại góp phần cải thiện đáng kể tình trạng giao thông trên các tuyến đường huyết mạch của thủ đô
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng do người Pháp xây dựng từ năm 1898 và hoàn thành vào năm 1902 nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên.
Cây cầu có đường sắt đơn ở giữa, hai bên là đường dành cho xe máy, xe đạp và người đi bộ (đi trên đường dành riêng). Đường cho các loại xe là 2,6 m và luồng đi bộ là 0,4 m.
Đoạn qua sông của cầu Long Biên dài 2.290 m, phần đường dẫn dài 896 m, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40 m (kể cả móng), với đường sắt đơn ở giữa.
Nằm song song với cầu Long Biên là cầu Chương Dương. Cầu Chương Dương dài 1.230 m, gồm 21 nhịp, chia làm 4 làn xe chạy hai chiều, mỗi bên rộng 5 m.
Kiến trúc cầu Chương Dương không có gì nổi bật, nhưng điểm nhấn lớn nhất là cây cầu này được xây dựng và hoàn thành bởi 100% các kĩ sư, công nhân của Việt Nam.
Năm 1986, cầu Chương Dương được đưa vào sử dụng, trở thành cây cầu quan trọng nhất thời bấy giờ khi giảm tải cho cầu Long Biên.
Cách đó không xa là cầu Vĩnh Tuy nối trung tâm Hà Nội ở địa phận phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng với quận Long Biên (phía Đông Hà Nội).
Cây cầu này được đưa vào sử dụng cuối năm 2008 với chiều dài tuyến chính 5.800 m, trong đó phần vượt sông dài 3.700 m. Mặt cầu Vĩnh Tuy hiện rộng 19 m và đã được quy hoạch mở rộng trong giai đoạn hai lên tới 38 m.
Cuối tháng 8, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được thiết kế rộng hơn 19 m, quy mô 4 làn xe, bao gồm 3 làn ôtô và 1 làn xe hỗn hợp chính thức được khánh thành đưa vào sử dụng.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy có chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất Hà Nội với 8 làn ôtô. Từ đó sẽ giảm tải cho cầu Vĩnh Tuy 1 thường xuyên ùn tắc, tăng cường lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng.
Cây cầu được xây dựng theo quy hoạch nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2 của TP Hà Nội, tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc Thành phố.
Trước đó, đường vành đai 2 trên cao, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở dài hơn 5 km, bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao và phần mở rộng bên dưới, tổng vốn đầu tư gần 9.500 tỉ đồng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) đã được hoàn thành đưa vào sử dụng.
Cầu Thanh Trì là cây cầu lớn nhất trong dự án các cây cầu của Hà Nội bắc qua sông Hồng, nối quận Hoàng Mai với quận Long Biên. Cầu chính dài 3.084 m với tổng chiều dài hơn 12.000 m, rộng 33,10 m với 6 làn xe chạy (4 làn xe cao tốc), tốc độ cho phép 100 km/giờ có tổng mức đầu tư gần 5.700 tỉ đồng.
Cầu Đông Trù là một cây cầu bắc qua sông Đuống, nằm trên quốc lộ 5 kéo dài, nối xã Đông Hội, huyện Đông Anh và phường Ngọc Thụy, quận Long Biên.
Cầu Đông Trù dài 1,1 km, mặt cắt rộng 55 m với 8 làn xe. Ngoài hệ thống đường dẫn hai đầu, cầu gồm 3 nhịp chính, trong đó 2 nhịp biên dài 80 m và nhịp giữa sông dài 120 m được áp dụng công nghệ mới là cầu vòm ống thép nhồi bêtông, lần đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.
Cầu Nhật Tân là một cây cầu được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 13.626 tỉ đồng, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh Được thiết kế mặt cầu rộng 43,2 m với 8 làn xe cho cả hai chiều, chia thành 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe máy, 2 làn xe buýt phân cách giữa, đường dành cho người đi bộ.
Cầu dài 3,9 km và có đường dẫn 5,27 km, trong đó phần chính của cầu qua sông dài 2,5 km. Kết cấu nhịp của cầu chính theo dạng cầu dây văng nhiều nhịp với 5 trụ tháp hình thoi và 6 nhịp dây văng.
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng từ năm 1974 đến năm 1985. Cầu giàn thép dài 3.250 m, gồm 2 tầng với 25 nhịp phần cầu chính và 46 nhịp đường dẫn của đường sắt và đường xe thô sơ. Hai làn cầu riêng biệt rộng 3,5 m mỗi làn dùng cho phương tiện thô sơ.
Phần giữa tầng một là đường dành cho tàu hỏa chạy tuyến Văn Điển - Bắc Hồng và xe máy, xe đạp rộng 11 m. Tầng hai có chiều rộng 21 m dành cho các loại xe cơ giới; hai làn dành cho người đi bộ tham quan.
Cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long khởi công tháng 1-2018 với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản với tổng chiều dài 5,367 km (trong đó phần cầu cạn dài 4,728 km).
Cầu được thiết kế có thể chịu tác động của động đất cấp 7, quy mô đường cao tốc 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/giờ. Dự án hoàn thành sẽ góp phần khép kín Vành đai 3 và giảm ùn tắc giao thông cho các tuyến đường quanh khu vực.
Thiết kế cầu thường thấy có trục đường thẳng, tuy nhiên ở TPHCM do yếu tố địa hình đường thuỷ đan xem đường bộ nên đã cho ra nhiều thiết kế cầu được xem là "không...
Nguồn: [Link nguồn]