Cận cảnh "hố tử thần" khổng lồ ở Hà Nội
"Hố tử thần" với bề mặt rộng khoảng 10m, sâu 7m nuốt trọn con đường cùng một số công trình, nhà cửa khiến người dân vô cùng lo lắng.
'Hố tử thần" khổng lồ xuất hiện ở thôn Hòa Lạc, xã An Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội
Khoảng 8 giờ 30 sáng 2/4, hàng trăm người dân sinh sống ở thôn Hòa Lạc (xã An Tiến, Mỹ Đức, Hà Nội) vô cùng hoảng hốt khi nghe thấy một tiếng động lớn phát ra từ phía trục đường chính của con đường làng. Khi chạy ra đến nơi, người dân phát hiện giữa đường có một hố lớn với đường kính khoảng 2m và sâu khoảng 1m.
Vẻ mặt vẫn chưa hết bàng hoàng, bà Nguyễn Thị Minh kể lại thời điểm ở thôn mình: “Lúc đó là khoảng 8 giờ 30 sáng, tôi cùng người cháu đang ngồi trong nhà thì nghe thấy tiếng động lớn phát ra ở phía ngoài cổng. Chạy ra tới nơi thì thấy mặt đất dưới chân nứt nẻ, 2 trụ cổng của nhà anh Nguyễn Văn Bắc ở phía đối diện đổ sập xuống. Tôi hô hoán đứa cháu về nhà chạy đồ vì sợ động đất thì thấy tường nhà mình và gạch ốp trên tường cũng bị nứt nẻ và rơi xuống”.
“Ban đầu hố chỉ to bằng cái bàn nhưng càng lúc càng mở rộng, có thể nuốt trọn cả một căn nhà và chưa ai biết độ sâu chính xác là bao nhiêu”, bà Minh chia sẻ thêm.
Hố có độ sâu lên tới 7m, bề mặt hố có đường kính khoảng 10m, nuốt trọn con đường đi lại trong thôn.
Nhiều công trình, nhà ở của người dân cũng bị "hố tử thần" nuốt chửng.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Hoành - Chủ tịch UBND xã An Tiến cho biết, hiện tượng sụt lún tại thôn Hòa Lạc xảy ra từ khoảng 8 giờ sáng ngày 2/4 và tới 22 giờ 30 cùng ngày thì dừng hẳn. Theo quan sát ban đầu, hố có đường kính khoảng 10m và sâu 7m, gây thiệt hại cho nhiều hộ gia đình sinh sống trong thôn.
“Trong 5 hộ dân bị ảnh hưởng thì thiệt hại nhiều nhất là nhà của bà Nguyễn Thị Sơi và anh Nguyễn Văn Bắc. Nhà anh Bắc bị thiệt hại cả khoảng sân trước nhà, công trình phụ (nhà tắm, nhà vệ sinh), hố sụt vào tận chân móng nhà. Toàn bộ phần sân của gia đình bà Nguyễn Thị Sợi cũng sụt hẳn xuống hố. Một phần công trình phụ của hộ gia đình kế cận và một đoạn đường ngõ xóm cũng bị sụt”, ông Hoành cho biết thêm.
Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là gia đình anh Nguyễn Văn Bắc. Cả khoảng sân trước nhà, công trình phụ, thậm chí cả chân móng nhà cũng bị sụt lún.
Đất lún làm bật tung của phần móng của nhiều ngôi nhà.
Căn nhà của bà Nguyễn Thị Minh bị "hố tử thần" gây sụt lún, nghiêng hẳn về một phía. Trong nhà xuất hiện nhiều vết nứt, gạch vữa ốp trên tường cũng bị nứt nẻ và rơi xuống.
Bà Minh chỉ cho PV thấy những vết nứt chạy dọc tường nhà.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền Xã An Tiến đã tập trung toàn bộ lực lượng công an viên, dân quân đến để di dời các hộ gia đình bị ảnh hưởng ra khỏi vòng nguy hiểm ngay trong buổi sáng, đồng thời lập rào chắn để tránh gặp nguy hiểm. Chính quyền địa phương cũng đã kéo đường dây điện thắp sáng khu vực sụt lún để bảo vệ hiện trường và cảnh báo cho người dân.
Ngoài ra, do vị trí sụt lún nằm trên tuyến đường dân sinh (bên trong còn 10 hộ dân sinh sống) nên chính quyền địa phương đã vận động một hộ dân phá tường rào, lập tuyến đường tạm thời cho người dân trong khu vực đi lại.
Lực lượng chức năng lập rào chắn, cảnh báo người dân qua lại.
Theo người dân trong thôn, từ năm 2006, tại đây cũng xảy ra 2 vụ sụt lún tương tự. Theo đó, cách vị trí bị sụt lún ngày 2/4 khoảng 100m đã xảy ra một hố sụt lún, nuốt trọn cả một bụi tre. Tiếp đó, vào năm 2010, khi một hộ gia đình tại thôn Hòa Lạc khoan giếng cũng xảy ra hiện tượng sụt lún.
Ngoài ra, trên cánh đồng của thôn, khi người dân lấy nước vào sản xuất cũng xảy ra hiện tượng tương tự. Nước trên ruộng rút toàn bộ xuống các hố sâu. Theo các cụ cao niên trong làng, trước đây, tại khu vực này có một dòng suối chảy qua thôn, sau đó người dân san lấp làm nhà ở trên nền đất yếu nên mới xảy ra hiện tượng sụt lún trên.
Theo lãnh đạo huyện Mỹ Đức, tới thời điểm này, hố này đã không còn sụt lún thêm. Huyện đã báo cáo thành phố và các đơn vị chức năng hỗ trợ tìm nguyên nhân và hướng xử lý.
Để xử lý tạm thời, chính quyền địa phương đã rải sỏi, đá san lấp mặt ruộng để người dân tiếp tục sản xuất. UBND xã cũng đã hỗ trợ nơi ăn ở và sinh hoạt cho những hộ gia đình bị sụt lún tại nhà văn hóa xã, triển khai kế hoạch khắc phục để các hộ gia đình trở về cuộc sống bình thường.