Cận cảnh đôi 'Kỳ lân Châu Á' được làm từ hàng nghìn dây bẫy động vật
Từ hơn 4.000 dây bẫy thú, nghệ nhân đã lắp ghép, kết thành đôi Sao La (được mệnh danh "Kỳ lân Châu Á") nhằm tuyên truyền, bảo vệ động vật hoang dã.
Tháo gỡ hàng nghìn dây bẫy động vật trong hơn 1 năm
Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông (KBT) nằm trên địa bàn huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị có tổng diện tích tự nhiên 37.469,44 ha. Bên cạnh thực vật rừng đa dạng, về động vật rừng có 95 loài thú, 201 loài chim, 32 loài bò sát và 17 loài lưỡng cư. Trong đó, 62 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam và 52 loài trong sách đỏ IUCN.
Các thành viên đội tuần tra, tháo gỡ bẫy động vật.
Trước mối đe dọa từ thực trạng săn bắt, bẫy động vật gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái rừng tự nhiên, KBT thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ động vật hoang dã. Thông qua sự phối hợp và hỗ trợ kinh phí của tổ chức WWF tại Việt Nam, KBT thành lập 3 đội tuần tra, tháo gỡ bẫy động vật rừng.
Ông Trương Quang Trung, Giám đốc Ban quản lý KBT cho biết, với lực lượng gồm thành viên nhận khoán bảo vệ rừng và cán bộ kiểm lâm tiểu khu, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, các đội tổ chức hơn 153 đợt tuần tra phát hiện, tháo dỡ trên 5.000 bẫy động vật rừng; phá hủy 64 lán trại bất hợp pháp.
Đội tuần tra băng rừng, lội suối tháo gỡ bẫy động vật.
Theo ông Trung, để đạt được những kết quả trên, các đội tuần tra ngày đêm len lỏi dưới những cánh rừng rậm để tháo gỡ các loại dây bẫy được thợ săn giăng mắc, ngụy trang chực chờ các loài thú kiếm ăn "sa chân".
Không những vậy, quá trình này các lực lượng có thể gặp phải sự chống trả quyết liệt của những kẻ đi săn thú rừng, cùng những thứ rình rập từ rừng như vắt, muỗi rừng, các loài rắn độc, cành cây mục gãy đổ và lũ về bất ngờ.
Những chiếc bẫy động vật được phát hiện, tháo gỡ kịp thời.
"Việc tháo gỡ bẫy góp phần mang lại môi trường sống an toàn và tốt hơn cho các loài động vật hoang dã. Nhưng để tiếp tục phát huy giá trị, đẩy mạnh tuyên truyền chúng tôi đặt ra vấn đề xử lý số dây bẫy sao cho phù hợp", ông Trung nói.
Biến dây bẫy thành "Kỳ lân Châu Á"
Sau khi thu được lượng lớn dây bẫy, Ban quản lý KBT đưa ra ý tưởng và đề xuất sử dung dây bẫy để kết thành đôi "Sao La" phục vụ hoạt động truyền thông tại đơn vị.
Trong hơn 1 năm, các thành viên tổ tuần tra tháo gỡ hơn 5.000 chiếc bẫy động vật.
"Nhận thấy đề xuất hết sức ý nghĩa đối với hoạt động truyền thông bảo tồn động vật hoang dã, cũng như giá trị hoạt động của các đội tuần tra, tháo gỡ bẫy mang lại, tổ chức WWF thống nhất tài trợ kinh phí để thực hiện", Ban quản lý KBT cho hay.
Mô hình đôi "Kỳ lân Châu Á" ra đời.
Dưới đôi tay của nghệ nhân Lê Tiến và cộng sự, sau hơn 30 ngày, đôi "Sao La" được hoàn thiện thông qua việc kết hơn 4.000 dây bẫy thú rừng lại với nhau.
Ông Trương Quang Trung cho biết, tác phẩm ra đời tôn vinh vẻ đẹp của loài Sao La - một trong những loài thú lớn đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới.
Đặc biệt, mang giá trị tuyên truyền tác hại của nạn săn bắt động vật hoang dã. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân tầm quan trọng về công tác bảo tồn động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học.
Đôi "Kỳ lân Châu Á" được hoàn thiện nhằm tuyên truyền, kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ động vật hoang dã.
"Các dây bẫy là công cụ nguy hiểm đe dọa sự sống của động vật quý hiếm, giờ đây được hóa thành biểu tượng mạnh mẽ trong lời kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ động vật hoang dã. Hiện tác phẩm được trưng bày tại nhà truyền thống của đơn vị", ông Trung chia sẻ.
Bảo vật quốc gia Cửu đỉnh trong Hoàng cung Huế có chiều cao trung bình 2,3m, được đúc hết sức kỳ công vào năm 1835 và hoàn thành sau 2 năm. Cửu đỉnh có giá trị độc bản và không thể thay thế.
Nguồn: [Link nguồn]