Cận cảnh danh thắng quốc gia Lèn Hai Vai bị "đào nhầm" hàng trăm khối đất đá
Được xếp hạng di tích lịch sử, danh thắng quốc gia, tuy nhiên nhiều năm qua, Lèn Hai Vai (Nghệ An) bị lãng quên, gần đây còn bị “đào nhầm” hàng trăm khối đất đá.
Lèn Hai Vai thuộc xã Minh Châu, huyện Diễn Châu, Nghệ An là một khối đá tự nhiên có chiều dài 800m, nơi rộng nhất 120m, nơi cao nhất 141m. Lèn có cấu trúc 2 đỉnh, trong đó đỉnh lớn có cấu tạo ở giữa nhô lên cao, hai bên thấp dần nhưng cân đối như hình vai người nên thường được gọi là Lèn Hai Vai. Năm 1964, nơi đây được các nhà khảo cổ học phát hiện xương người hóa thạch, một số công cụ bằng đá và nhiều bình gốm. Đến năm 1971, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với một số đơn vị khảo sát, nghiên cứu tại lèn, phát hiện thêm một số hiện vật từ thời văn hóa Phùng Nguyên cách đây hơn 4.000 năm.
Theo người dân địa phương, khu vực Lèn Hai Vai trước đây là rừng cây rậm rạp, hoang vu. Trên lèn có nhiều hang động sâu, với những khối thạch nhũ có hình thù kỳ lạ. Trong giai đoạn từ 1930 - 1945, lèn đá này trở thành nơi trú ẩn để hoạt động cách mạng. Năm 1994, Lèn Hai Vai được công nhận là Di tích lịch sử - danh thắng cấp quốc gia.
Cuối tháng 2, khi thi công dự án đường dây điện tại cánh đồng ở xã Minh Châu, cách lèn Hai Vai hơn 100 m, Công ty TNHH Trung Việt Trung (trụ sở tại TP Vinh, Nghệ An) đã múc hơn 380m3 đất đá trái phép tại chân di tích để làm đường ra chân công trình. Nhiều cây cối lớn mọc sát chân lèn đã bị múc đi. Một số vị trí bị máy xúc “đào nhầm” dài hơn 10m, rộng khoảng 3m, cao hơn 1m.
Con đường vận chuyển nguyên, vật liệu được mở rộng khoảng 4m, bám quanh chân Lèn Hai Vai đã được hình thành. Sau thời gian bị xe chở vật liệu cày nát, hiện con đường có nhiều điểm đọng nước.
Cơ quan chức năng kết luận, việc này làm hủy hoại, thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, vi phạm Luật Di sản năm 2009 và Luật Khoáng sản 2010. UBND huyện Diễn Châu sau đó đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Công ty TNHH Trung Việt Hưng mỗi hành vi 90 triệu đồng. Tổng mức xử phạt theo đề xuất đối với công ty này là 180 triệu đồng.
Làm việc với cơ quan chức năng, Công ty Trung Việt Trung thừa nhận do không biết Lèn Hai Vai là di tích quốc gia nên cán bộ kỹ thuật đã cho lấy đi một số khối đất đá tại chân núi để làm vật liệu xây dựng. Hiện doanh nghiệp dừng khai thác và hoàn trả số đất đá đã múc để đắp đường vào đầu tháng 3. Theo quan sát, đa số các điểm “đào nhầm” đã được hoàn trả mặt bằng, tuy nhiên một vài vị trí sát chân lèn vẫn còn những ụ đất cao, chưa được san gạt.
Trên lèn có các hang động sâu, nhiều khối thạch nhũ hình. Qua biến thiên của thời gian, cửa ra vào hang động đã xuống cấp. Các hang nằm cheo leo bên núi đá, để vào bên trong rất khó khăn. Hàng chục năm trước, Lèn Hai Vai bị xâm phạm, nhiều vị trí méo mó và thay đổi hiện trạng do người dân nổ mìn khai thác trộm đất đá.
Tại các điểm khai thác cũ và mới, UBND xã Minh Châu đã hợp đồng với nhân viên bảo vệ trồng tràm. Đây được xem là một trong những biện pháp để bảo vệ di tích quốc gia Lèn Hai Vai. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại khi tràm trưởng thành, việc khai thác gỗ cũng sẽ ảnh hưởng đến hiện trạng gốc của di tích này.
Bên cạnh nạn khai thác đất đá trái phép, di tích quốc gia Lèn Hai Vai đang bị rác thải bao quanh, gây mất cảnh quan và ô nhiễm môi trường.
Được kỳ vọng trở thành địa điểm phát triển văn hóa, du lịch của địa phương, thu hút nhiều du khách, chuyên gia đến tham quan, nghiên cứu các giá trị lịch sử, văn hóa, nhưng đến nay, sau 30 năm kể từ thời điểm được công nhận di tích lịch sử - danh thắng cấp quốc gia, Lèn Hai Vai gần như bị lãng quên, chưa được cắm mốc để bảo vệ.
Ông Lê Khắc Hoàng, Chánh thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cho biết, hàng chục năm qua lèn Hai Vai không thể cắm mốc bảo vệ do vướng mắc về đất đai do giữa huyện và tỉnh có một số nội dung chưa thống nhất. Sắp tới Sở lên kế hoạch khoanh vùng, đo đạc lại một số vị trí, tiến tới lên kế hoạch tôn tạo để di tích được phát huy các giá trị, phục vụ phát triển du lịch.
Di tích thành cổ Diên Khánh xây dựng cách đây tròn 230 năm, được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988 hiện đang xuống cấp, trở thành nơi xả...
Nguồn: [Link nguồn]