Cận cảnh chợ chuột béo mầm ở miền Tây
Cả trăm tấn chuột từ Campuchia được tuồn về Việt Nam mỗi ngày, sau đó được các đầu nậu làm thịt, lột da, mổ bụng rồi mang tiêu thụ khắp miền Tây.
Những ngày này, nước lũ về ngập các cánh đồng ở An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang. Đây cũng là mùa chuột đồng xuất hiện số lượng lớn. Tại cửa khẩu Khánh Bình, An Phú (An Giang) giáp với xã Chray Thom, huyện Co Thum, tỉnh Kandal (Campuchia) có những vựa chuột cả trăm tấn được nhập từ Campuchia về.
Sau khi xuồng chở chuột cập bờ phía An Phú, những lồng chuột này được chuyển về hàng chục điểm tập kết ở thị trấn Long Bình, hòa nhập với đàn chuột Việt Nam đã có mặt từ trước.
Người dân ở An Giang tranh thủ đi bắt chuột bán cho các thương lái...
Và lúc này, không ai còn phân biệt được đâu là chuột nội, đâu là chuột ngoại nhập.
Ngoài các thương lái có điều kiện đến biên giới để thu mua chuột tận gốc, thì tại các địa phương giáp biên như: An Phú, Châu Phú, Tịnh Biên của An Giang có cả trăm cơ sở chuyên thu gom chuột đồng. Ông Trương Văn Hùng, một trong những đầu mối thu gom chuột lớn nhất ở huyện Châu Phú, cho hay: "Có ngày doanh thu mua bán chuột hơn 50 triệu đồng".
Cơ sở của ông Hùng giải quyết việc làm cho trên 30 lao động nông thôn có thu nhập ổn định.
Những chú chuột được bắt ra ngoài, đập chết rồi chất thành từng đống chờ mổ thịt.
Nhân công tập trung lột da, mổ bụng chuột.
Em Nguyễn Hoàng Em, 12 tuổi ở Châu Phú (An Giang), mỗi ngày đi lột da chuột kiếm được 30.000 đồng.
Chuột bị chặt đầu, mổ bụng được bỏ vào rổ chờ lột da. Những người phụ nữ ở đây không ai sợ... chuột.
Chuột thành phẩm được ướp đá chuẩn bị mang đi giao cho các nhà hàng, quán nhậu. Hiện chuột sống loại I (cống nhum) có giá giá 60.000 đồng/kg, loại II (chuột đồng) 25.000 - 40.000 đồng/kg (tùy loại lớn nhỏ).
Chuột quây lu lên bàn nhậu, đây là đặc sản ở miền Tây.