Cận cảnh các "điểm nóng" về trật tự xây dựng ở Bình Định
Trong số 626 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng được phát hiện ở tỉnh Bình Định, TP Quy Nhơn đứng đầu bảng với 567 trường hợp.
Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra khá phổ biến ở tỉnh Bình Định, trong đó tập trung nhiều nhất tại TP Quy Nhơn. Trong khi loạt công trình xây dựng cũ chưa xử lý xong, thì nay lại tiếp tục mọc thêm các công trình vi phạm mới.
Căn nhà được xây dựng trên đất rẫy thuộc phường Quang Trung, TP Quy Nhơn
Theo báo cáo của UBND TP Quy Nhơn, trong năm 2022, địa phương đã phát hiện 567 trường hợp vi phạm về đất đai và xây dựng. Riêng 3 tháng đầu năm nay phát hiện khoảng gần 80 trường hợp vi phạm.
Trong đó, các trường hợp vi phạm tập trung chủ yếu ở các xã, phường như: Nhơn Phú, Nhơn Bình, Quang Trung, Ghềnh Ráng, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu và Nhơn Hải.
Một trong những điểm nóng về trật tự xây dựng ở TP Quy Nhơn là phường Quang Trung. Theo bà Nguyễn Thị Hải Yến, Chủ tịch UBND phường Quang Trung, qua công tác rà soát, trên địa bàn hiện có 158 trường hợp chiếm đất đồi núi để xây nhà. Cụ thể, trước năm 2014 có 134 trường hợp; năm 2014 - 2018 có 24 trường hợp; từ 2019 đến nay không có trường hợp nào xây nhà quy mô, chỉ có các trường hợp dựng lều tạm trên đất đồi. Những trường hợp chiếm đất xây dựng nhà đã bị xử phạt và ra quyết định cưỡng chế, tuy nhiên họ vẫn tái lấn chiếm.
Lực lượng chức năng cưỡng chế tháo dỡ một công trình tại phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn
Tương tự, tại phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn hiện có khoảng 30 trường hợp vi phạm, tập trung chủ yếu trên Quốc lộ 1D và đất lâm nghiệp tại thung lũng Quy Hòa. Trong đó, có khoảng 10 trường hợp là công trình nhà cửa kiên cố, còn lại là người dân xây dựng chuồng trại chăn nuôi, tường rào.
Ông Đoàn Công Bình, Đội trưởng Đội Trật tự đô thị TP Quy Nhơn cho biết, có 2 nguyên nhân dẫn đến vi phạm. Một là một số người có thu nhập thấp vì ham giá rẻ nên bị lừa mua đất không được phép xây dựng, sau đó đành phải xây để ở. Hai là nhiều cò đất lợi dụng nhu cầu đất ở của người dân nên đã mua đất diện tích lớn rồi tự ý phân lô, bán nền.
"Chúng tôi đang đề xuất lắp đặt camera tại các khu vực có nguy cơ xảy ra xây dựng không phép để giám sát. Bên cạnh đó, Thành ủy TP Quy Nhơn cũng có chủ trương giao cho các đơn vị cắm mốc tại khu vực núi Vũng Chua, Bà Hòa… Nếu có công trình không phép mọc sau mốc thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm" - ông Bình thông tin.
Nhiều công trình xây dựng trái phép trên tuyến Quốc lộ 1D, đoạn thuộc địa bàn phường Ghềnh Ráng
Theo ông Đặng Thành Trưng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh có 626 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, trong đó hầu hết ở TP Quy Nhơn. Cơ quan chức năng đã ra 255 quyết định xử phạt hành chính, trong đó 177 trường hợp chấp hành. Các trường hợp vi phạm phần lớn là trên đất lấn chiếm, chủ yếu ở các xã, phường vùng ven của TP Quy Nhơn.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho rằng, để xử lý căn cơ tình trạng này cần có kế hoạch lâu dài, từng bước tháo gỡ. Hiện nay, tỉnh đã chỉ đạo TP Quy Nhơn tổng rà soát các trường hợp lấn chiếm, nhất là cán bộ, đảng viên để lên phương án cưỡng chế.
Nhiều ngôi nhà mọc trái phép tại khu vực 5, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn
"Thực tế sau khi khảo sát, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều trường hợp, hoàn cảnh rất khó khăn và có lý do yếu tố lịch sử, lâu dài. Vì vậy, chúng tôi chỉ đạo các bên liên quan cần rà soát lại tất cả để phân loại, xử lý từng trường hợp. Đối với trường hợp có lý do chính đáng, cần bố trí nơi ở mới cho người dân. Với những trường hợp gia đình có điều kiện nhưng cố tình lấn chiếm thì xử lý nghiêm" - ông Tuấn thông tin.
Ông Nguyễn Tân, cựu Giám đốc Sở Ngoại vụ Bình Định thừa nhận việc ông xây dựng nhà trên rẫy là để đọc sách, dưỡng bệnh.
Nguồn: [Link nguồn]