Cận cảnh biệt thự gia đình Giang Kim Đạt
Căn biệt thự được xây theo kiến trúc hiện đại gồm 1 tầng hầm cùng 3 lầu và 1 tầng sân thượng ở đường 36, phường Bình An, quận 2, TPHCM. Đây là nơi sinh sống của gia đình ông Giang Văn Hiển, bố của Giang Kim Đạt, người vừa bị bắt sau 5 năm lẩn trốn với khối tài sản chiếm được gần 19 triệu USD.
Căn biệt thự nơi gia đình ông Hiển, cha đẻ của Giang Kim Đạt sinh sống được giới đầu tư cho biết có giá khoảng 30 tỷ đồng. Ảnh: Việt Văn
Sau nhiều ngày lần tìm qua các đầu mối, chúng tôi biết được căn biệt thự của gia đình ông Giang Văn Hiển sinh sống. Căn biệt thự nguy nga này có diện tích khoảng 300m2, nằm ở vị trí đắc địa gần sông Sài Gòn. Đây là khu dành cho giới nhà giàu ở lâu nay. Trước cổng căn biệt thự có gần chục camera quan sát, được gia chủ treo trên các bức tường rào thép cao chót vót. Sau một hồi bấm chuông cửa, một người phụ nữ ra cổng cho biết mình là người giúp việc trong căn biệt thự này đã gần 4 tháng nay. “Từ khi tôi về làm cho nhà này ông Hiển đã không ở đây”- người giúp việc nói và không cho biết nguyên nhân vì sao khi được hỏi.
Theo người giúp việc, hiện trong căn nhà chỉ có hai vợ chồng cô con gái của ông Hiển ở. Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn gặp gia chủ, bà giúp việc từ chối, nói là “chủ nhà không tiếp”. Trong khi đó, một thanh niên từ tầng 3 căn nhà ló mặt ra hỏi chúng tôi là ai. Khi cho biết là nhà báo thì người này tỏ vẻ không vui. “Vớ vẩn, nhà báo thì không tiếp. Đi đi...”- người thanh niên nói và lập tức đóng cửa lại.
Quan sát căn biệt thự ở khu “biệt thự vàng” Bình An này mới thấy được sự sang trọng và đẳng cấp của nó. Căn biệt thự có tầng hầm, xe ô tô đang đỗ ở trong. Trong phòng khách nội thất được trang trí theo kiểu châu Âu sang trọng. Tuy nhiên, phía bên ngoài căn biệt thự này lại không có số nhà trong khi các căn biệt thự liền kề khác đều đánh số nhà. An, một “cò” nhà đất ở quận 2 khi được hỏi về giá đất và biệt thự ở đây nói rằng giá “khủng lắm”. Theo An, các biệt thự trên đường số 36 này đều có giá không dưới 30 tỷ đồng/căn. “Căn gốc, hai mặt tiền có giá khoảng 35 tỷ đồng”- An khẳng định.
Một số người dân cho biết, khu này gia đình nào cũng sống biệt lập nên ít giao du qua lại. Ông N., tổ trưởng tổ 18, khu phố 2, phường Bình An, nói rằng mình biết chính xác căn biệt thự mà ông Giang Văn Hiển và người thân sinh sống là G 9 - 10, đường số 36, khu phố 2, phường Bình An. Nhưng không hiểu sao, hiện số nhà này đã bị tháo bỏ. Một cán bộ của phường Bình An cũng xác nhận căn biệt thự trên là nơi gia đình ông Hiển sinh sống. Còn ông G.V.L, cán bộ Hội Cựu chiến binh phường Bình An cho biết, ông vừa biết thông tin con trai ông Hiển bị bắt qua báo chí. “Vừa rồi lên phường thì mới biết ông Giang Văn Hiển có hộ khẩu thường trú ở đây”- ông L. cho hay.
Liên quan đến vụ án tham nhũng tại Vinashin, mới đây Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đã bắt giữ bị can Giang Kim Đạt, 38 tuổi, trú tại quận Bình Thạnh, TPHCM, nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Cty TNHH Vận tải Viễn Dương Vinashin sau nhiều năm bỏ trốn. Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Giang Văn Hiển, cha của Đạt ở phường Bình An, quận 2 để điều tra về hành vi “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Theo Cơ quan An ninh điều tra, bị can Giang Kim Đạt đã chiếm hưởng gần 19 triệu USD. Sau đó Đạt dùng nhiều thủ đoạn để chuyển số tiền này vào tài khoản của người cha là ông Hiển. Số tiền này được rút ra đưa cho người thân làm sổ tiết kiệm, mua nhà đất, xe hơi,…
Kê biên sớm, tránh tẩu tán tài sản Việc thu hồi tài sản tham nhũng sẽ phải tuân thủ các quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự. Đầu tiên, cơ quan chức năng phải xác định chính xác nguồn tiền để các đối tượng tham nhũng dùng để mua bất động sản. Nếu là các bất động sản có sẵn (có thể ở dạng cho tặng trá hình), cơ quan điều tra phải chứng minh đó là những tài sản do tham nhũng mà có. Sau đó, để tránh tình trạng tẩu tán, việc kê biên được cho là biện pháp tố tụng tức thì. Kết thúc quá trình điều tra, chuyển sang giai đoạn truy tố, cơ quan Viện kiểm sát tiếp tục áp dụng biện pháp kê biên để đảm bảo cho giai đoạn tố tụng tiếp theo. Đến giai đoạn xét xử, cơ quan Tòa án phải duy trì biện pháp kê biên tài sản, sau đó, khi bản án có hiệu lực, cơ quan thi hành án sẽ là nơi cuối cùng ra quyết định thu hồi tài sản, sung công quỹ nhà nước. Riêng những tài sản đang ở nước ngoài, nhưng do phạm tội mà có, các cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể, quy chế phối hợp về tố tụng giữa Việt Nam và nước bạn để có những biện pháp cụ thể. (Thẩm phán Nguyễn Xuân Văn - Chánh án TAND huyện Gia Lâm, Hà Nội) Bảo Thắng (ghi) |
Hầu hết tàu do Đạt môi giới đã được bán Ngày 17/7, thông tin từ Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - công ty mẹ của Vinashinlines) cho hay, hầu hết các con tàu được mua dưới thời Giang Kim Đạt phụ trách kinh doanh của Vinashinlines đã được bán hết, trong đó có con tàu Hoa Sen tai tiếng. “Việc bán các tàu này theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm nhanh chóng xử lý những tồn đọng ở đơn vị này”, đại diện Vinalines cho hay. Thông tin chi tiết liên quan đến hợp đồng bán các tàu này chưa được thông báo. Tuy nhiên, trong cuộc họp về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường từng cho hay: “6/7 con tàu của Vinashinlines đã được bán gồm New Phoenix, Sea Eagle, Hoa Sen, Cái Lân 4, New Horizon, Diamond Way. Giá bán 6 con tàu này đều cao hơn 10% so với giá thẩm định của Bộ Tài chính đưa ra”. Tàu Hoa Sen được bán khi đang cho Cty Lianyungang CK Ferry (chuyên khai thác tuyến vận tải hành khách và container từ các cảng phía bắc Trung Quốc đi Hàn Quốc) thuê với giá 16.500 USD/ngày. Sau đó, con tàu này bị giữ tại nước ngoài do liên quan đến các khoản nợ từ thời Vinashin và đã được Vinalines quyết định bán. Sỹ Lực |