Cận cảnh “áo giáp lò hơi” chống virus sát thủ Ebola
Bộ bảo hộ kinh khủng này là vũ khí duy nhất giúp các bác sĩ chống chọi với nguy cơ lây nhiễm Ebola.
Dịch Ebola đang hoành hành ở Tây Phi, cướp đi sinh mạng của gần 900 người kể từ đầu tháng 8 đến nay và khiến hơn 1.700 người lây nhiễm. Loại virus chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị này lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với thể dịch của người bệnh như máu, nước bọt, nước tiểu, phân hay thậm chí cả mồ hôi.
Bởi vậy, để chống lại nguy cơ lây nhiễm loại virus chết người này, các y bác sĩ đang ngày ngày chống chọi với đại dịch để chăm sóc cho các bệnh nhân nhiễm Ebola tại các nước Tây Phi phải sử dụng một loại trang phục bảo hộ đặc biệt màu vàng rất dễ nhận ra.
Bộ áo bảo hộ màu vàng là vũ khí duy nhất chống lại Ebola của các bác sĩ
Bộ “áo giáp” mang tên Hazmat mà các thành viên Bác sĩ Không Biên giới (MSF) sử dụng được dệt bằng sợi nhựa và tráng laminate để chống hiện tượng thấm nước. Bộ trang phục bảo hộ đặc biệt này sẽ giúp các y bác sĩ không bị chất dịch lỏng của bệnh nhân dây lên người, gây ra nguy cơ nhiễm Ebola rất lớn.
Tuy là thứ vũ khí duy nhất để giúp các y bác sĩ chống chọi với virus Ebola tử thần gây ra cái chết của 90% nạn nhân bị lây nhiễm, song bộ quần áo bảo hộ Hazmat này cũng là nỗi khiếp đảm đối với họ, khiến họ phải gọi nó là “áo giáp nồi hơi”. Trải nghiệm bên trong bộ “áo giáp nồi hơi” này được nữ bác sĩ Hannah Spencer kể lại rất chân thực.
Bộ "áo giáp" chống thấm nước này cũng là nỗi khiếp đảm của các bác sĩ
Bác sĩ Spencer cho biết trước khi vào phòng bệnh nhân, họ phải đi một đôi ủng cao su rất dày cao đến tận đầu gối, sau đó trùm lên người bộ Hazmat kín mít, đeo găng tay, khẩu trang, mũ trùm đầu và kính bảo hộ để đảm bảo rằng không có bộ phận nào trên cơ thể tiếp xúc với không khí.
Nữ bác sĩ 27 tuổi này cho biết dưới cái nắng mùa hè như đổ lửa của châu Phi, cô và đồng nghiệp đã đổ đến 5 lít mồ hôi trong suốt một ca trực khi phải khoác lên mình bộ “áo giáp lò hơi” này để chăm sóc bệnh nhân. Sau khi cởi bộ quần áo bảo hộ ra, cô phải mất tới 2 tiếng đồng hồ để nghỉ ngơi lấy lại sức và bù nước cho cơ thể.
Mặc "áo giáp" trước khi vào phòng bệnh
Theo Spencer, sau khi khoác lên mình bộ Hazmat, cô có thể cảm nhận thấy nhiệt độ bên trong bộ “áo giáp” này tăng lên từng phút, và sau khoảng 30 phút làm việc, nhiệt độ bên trong có thể lên tới 46 độ C, khiến cơ thể đổ mồ hôi như tắm trong nỗ lực hạ nhiệt.
Trước khi được trút bỏ bộ đồ này, họ phải trải qua nhiều công đoạn khử khuẩn như xịt thẳng nước clo lên quần áo và ủng. Điều kiện làm việc với bộ đồ bảo hộ này khắc nghiệt tới mức các bác sĩ chỉ được phép làm việc tối đa từ 4 đến 6 tuần.
Nữ bác sĩ thở phào nhẹ nhõm khi được trút bỏ bộ "áo giáp lò hơi"
Thế nhưng Spencer cho biết chính tình thương những bệnh nhân đang gặp cảnh khốn cùng đã giúp cô vượt qua được những thử thách khủng khiếp trên, để tìm cách xây dựng mối quan hệ thân thiện với họ dù là thông qua bộ quần áo kín mít, và để giúp họ vượt qua cơn hoạn nạn.
Thời gian đầu, các bác sĩ chỉ có thể mặc bộ đồ này để chăm sóc bệnh nhân tối đa là trong một giờ, thế nhưng giờ đây, khi lượng bệnh nhân ngày một nhiều lên, họ phải gồng mình để làm việc liên tục tới hai giờ trong “lò hơi” ấy.
Ngày càng có nhiều bệnh nhân được đưa tới khu cách ly
Spencer kể rằng trung tâm cách ly do cô phụ trách ở Foya, Liberia chỉ có 10 giường bệnh, nhưng có lúc cô phải tiếp nhận tới 22 bệnh nhân, khiến nhiều người buộc phải trải đệm nằm trên sàn nhà.
Cô kể: “Có một hôm, 4 đứa trẻ từ ba đến bốn tuổi được đưa tới đây với triệu chứng sốt cao. Chúng sống trong một gia đình, nơi đã có 2 người lớn chết vì Ebola. Thế nhưng mẹ chúng lại nằng nặc nói rằng chúng không nhiễm virus này, rằng chúng bị thứ gì đó đầu độc. Chúng tôi phải mất một giờ mới thuyết phục được bà ấy đưa lũ trẻ vào đây.”
Các bác sĩ đưa một bệnh nhi nhiễm Ebola vào khu cách ly
Chính những quan niệm, hủ tục ở vùng đất nghèo đói, lạc hậu này đã khiến công việc của các bác sĩ trong trận chiến chống lại đại dịch Ebola càng thêm khó khăn, phức tạp. Đối với họ, thử thách không đến từ những bộ “áo giáp lò hơi” bí bách, nóng bức, mà đến từ sự thiếu kiến thức của người dân khiến đại dịch càng có cơ hội lây lan.