Cận cảnh 2 cây cầu "biến mất" ở đường tránh Cai Lậy
Người dân và chính quyền địa phương tỏ ra bất bình trước lý giải của chủ đầu tư trạm thu phí Cai Lậy về việc chuyển đổi 2 cây cầu bởi lý do giải phóng mặt bằng khó khăn.
Ngày 16-8, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến ghi nhận thực tế ở tuyến tránh Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và thấy có 2 cống hộp Ông Thiệm và Chín Chương.
Tuy nhiên, bảng hiệu ghi cống Ông Thiệm được cắm nhầm tại kênh Kháng Chiến.
Về kết cấu thực tế của 2 ống cống có bề rộng 12 m (tương đương với mặt đường tránh) và dài 6 m. Riêng cống Ông Thiệm cắt ngang đường tránh một góc 45 độ.
Theo quyết định ban đầu sẽ xây dựng cầu ông Thiệm nhưng thực tế lại là cống hộp
Clip cống Ông Thiệm (Lê Phong thực hiện)
Cận cảnh cống Ông Thiệm
Cống Chín Chương được lắp đặt thay thề cầu Chín Chương.
Clip cống Chín Chương
Tuy nhiên, tại đây khá nhiều người dân tỏ ra bất bình trước lý giải của ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH BOT Cai Lậy (chủ đầu tư dự án), cho rằng vướng việc giải phóng mặt bằng nên đề xuất chuyển đổi 2 cây cầu thành cống hộp.
Ông Nguyễn Thiện, một hộ dân sống gần đó, nói: "Trước kia, khi đường tránh chưa triển khai, tại 2 kênh Ông Thiệm và Chín Chương, xuồng, ghe qua lại chở lúa và trái cây tấp nập. Đến lúc làm cống đã ngăn chặn thông thương nên việc vận chuyển hiện này đều phụ thuộc vào đường bộ".
Tiếp lời, bà Nguyễn Thị Thu (hộ dân được đền bù đất khi triển khai dự án) kể bà và nhiều hộ xung quanh không ai phàn nàn việc đền bù, giải tỏa đất. Việc triển khai xây dựng cầu Ông Thiệm, Chín Chương sẽ giảm bớt việc người dân từ bên kia băng ngang con đường, dễ gây tai nạn giao thông. "Nếu có cầu, chúng tôi rất vui"- bà Thu nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đặng Hải Ngạn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa, thị xã Cai Lậy, thông tin: "Dân ở đây đâu có ai làm khó về việc giải phóng mặt bằng bởi tiền đền bù có thương lượng đều theo giá thị trường".
Nói về câu chuyện chuyển đổi từ xây dựng cầu sang cống hộp, ông Nguyễn Học, chuyên gia giao thông, nhận xét việc chuyển đổi như vậy sẽ giảm chi phí xây dựng từ 10-20 lần, tùy theo địa chất, địa hình nhưng chắc chắn giá thành sẽ giảm đi.
Riêng chuyên gia giao thông Phạm Sanh đặt vấn đề: "Cần phải làm rõ câu chuyện dự án đã được quyết toán chưa mà cho tiến hành thu phí? Ban đầu dự toán 7 cây cầu nhưng sau khi triển khai điều chỉnh 5 cây cầu thì chi phí 1.000 tỉ giảm xuống bao nhiêu? Từ đó, phải điều chỉnh tiền thu, thời gian thu phí".
Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Đình Đây cũng đặt vấn đề: "Ta thường thấy công trình phát sinh thêm vấn đề thì xin tăng kinh phí. Vậy khi chuyển đổi cầu thành cống thì chủ đầu tư có tự giác công khai xin giảm kinh phí không? Việc này sao không nghe chủ đầu tư lên tiếng?".
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, mặc dù trên giấy tờ phê duyệt dự án của Bộ GTVT có nêu xây dựng mới 7 cây cầu gồm: Ông Mười, Ba Muồng, Ông Thiệm, Ba Rài, Chín Chương, Giồng Tre và Bình Phú. Tuy nhiên, từ văn bản của Bộ GTVT, phóng viên Báo Người Lao Động đi ghi nhận thực tế thì trên đường tránh thị xã Cai Lậy không có 2 cây cầu Ông Thiệm và Chín Chương.
Nhiều tài xế chuẩn bị sẵn tiền lẻ để mua vé qua trạm Cai Lậy nhằm phản đối vị trí đặt trạm thu phí này.