Cận cảnh 131 vòm cầu trăm tuổi sắp được đục thông ở HN
131 vòm cầu đường sắt từ phố Phùng Hưng tới ga Gầm Cầu sẽ được đục thông nhằm tạo thêm không gian văn hoá, kích cầu du lịch và giải quyết nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô.
Hơn 100 năm trước, do đường sắt từ ga Long Biên dẫn vào nội đô, đường sắt cao hơn rất nhiều so với đường bộ nên người Pháp đã cho xây dựng cầu dẫn gồm 131 ô vòm.
Ngày 20/6, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian tới đây UBND thành phố sẽ thực hiện một số dự án để tạo thêm không gian sinh hoạt văn hóa cho người dân Thủ đô nói riêng, người dân cả nước nói chung. Việc đục thông 131 vòm cầu đoạn từ phố Phùng Hưng đến ga Đầu Cầu, trong đó có phố Gầm Cầu nằm trong dự án này.
“Trước đây 131 vòm cầu này rỗng, sau đó để đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực, Thành phố đã cho xây bịt kín. Mới đây, Thành phố đã giao UBND quận Hoàn Kiếm mời các chuyên gia nghiên cứu xây dựng dự án. Sau đó sẽ báo cáo, xin ý kiến Thường trực Thành ủy theo hướng sẽ đục thông các vòm”, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết.
Các vòm cầu này là trụ đỡ cho tuyến đường sắt nối ga Long Biên với các tỉnh phía Bắc.
Phía trên các ô vòm là mặt đường sắt rộng khoảng 4m có đường ray ở giữa và chỉ phục vụ cho tàu hỏa chạy qua.
Điểm đầu của các vòm cầu bắt đầu từ phố Phùng Hưng, đoan giao với phố Cửa Đông. Từ đó chạy dọc theo phố Gầm Cầu cho tới ga Đầu Cầu.
"Tổng số vòm cầu dọc tuyến đường là 131 chiếc. Trước đây các vòm cầu này đều rỗng, nhưng từ đầu những năm 80 thế kỷ trước công nhân xí nghiệp đường sắt bắt đầu tới đổ đất và xây bít 127 cổng vòm lại. Nay chỉ còn 4 cổng ở ngõ Hàng Hương, phố Hàng Giấy và phố Nguyễn Thiệp.” Ông Hải, tiểu thương buôn bán lâu năm trên phố Nguyễn Thiệp chia sẻ.
Các ô vòm có chiều rộng gần tương đương nhau, chỉ khác về chiều cao. Ô thấp nhất có chiều cao khoảng 2m ở ngõ Hàng Hương và ô cao nhất nằm ở cuối phố Gầm Cầu cao khoảng 6m.
Các vòm cầu liên tiếp nhau bằng vật liệu xi măng đá hộc và được đánh số thứ tự để theo dõi.
Tại các vòm cầu được mở thông phục vụ đi lại đều được gia cố thêm 1 lớp sắt trước khi đắp thêm 1 lớp vòm để chịu lực.
Dọc phố Gầm Cầu, người dân tận dụng không gian quanh các vòm cầu để dựng các kiốt buôn bán.
Khi được hỏi, nhiều người dân kỳ vọng việc đục thông 131 vòm cầu sẽ tạo thêm không gian văn hoá sinh hoạt cho người dân Thủ đô, là điểm du lịch hấp dẫn thú vị cho du khách đồng thời giải quyết được nhu cầu sinh hoạt, đi lại của người dân.
Bà Yến (59 tuổi, tiểu thương buôn bán phố Gầm Cầu, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, gia đình bà đã sinh sống ở phố này từ nhiều thế hệ. Việc đục thông vòm cầu như trước đây sau đó cải tạo thành tuyến phố sách hoặc không gian du lịch mới cho du khách đồng thời tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh lâu năm ở đây được thuê bán hàng và đóng thuế theo quy định của nhà nước thì người dân hoàn toàn đồng tình.
Dọc các vòm cầu trên phố Phùng Hưng được trưng dụng làm bãi đỗ xe.
Bản đồ đoạn vòm cầu kéo dài từ Phùng Hưng tới ga Gầm Cầu. (Ảnh Google Maps).
Giao thông Hà Nội xưa với khung cảnh đường phố vắng vẻ, tiếng tàu điện leng keng, đường phố hiếm khi nào bị tắc nghẽn...