Cán bộ xã vận động người dân tham gia... đa cấp!
Sau khi được các cán bộ xã vận động, nhiều người dân xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương, Nghệ An) đã mang toàn bộ tài sản của mình đầu tư vào mạng lưới đa cấp để rồi giờ đứng ngồi không yên.
Đứng ngồi không yên vì trót tin lời cán bộ xã
Những ngày qua, hàng chục hộ dân xã Thanh Sơn như ngồi trên đống lửa, đứng ngồi không yên vì đã trót mang tài sản tích góp bấy lâu của gia đình để tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp theo như những lời giới thiệu “có cánh” của các cán bộ xã. Để có tiền tham gia, nhiều người dân đã không tiếc mang toàn bộ tài sản của gia đình tích góp, bán trâu bò, vay mướn khắp nơi.
Ông Hùng Xuân Nghệ (SN 1959, trú xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương) cho biết, từ khoảng đầu năm 2015, Công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam về tại nhà ông Vi Trọng Thủy (Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn) mở cuộc hội thảo để giới thiệu về công ty và các lợi ích khi tham gia vào mạng lưới kinh doanh của công ty này.
Theo ông Nghệ, ngay sau đó, ông Nghệ đã xuống công ty này tại thành phố Vinh nộp 150 triệu đồng để tham gia vào mạng lưới của công ty và nhận được một số hộp thuốc thực phẩm chức năng. Sau 4 tháng, ông Nghệ được công ty trao 11 triệu đồng gọi là tri ân khách hàng.
Ông Nghệ buồn bã vì 150 triệu đồng tích góp bấy lâu giờ chỉ còn nằm trên giấy. Ảnh: Phan Ngọc
Theo như tìm hiểu của phóng viên, công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam hứa hẹn với khi khách hàng mua gói sản phẩm của công ty với giá 8 triệu 150 nghìn đồng sẽ nhận được một số sản phẩm theo nhu cầu như thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, phân bón vi sinh… Sau 3 – 5 năm, số tiền đó sẽ sinh lợi nhuận và khách hàng được nhận 300 triệu đồng.
Thanh Sơn là xã miền núi biên giới, huyện Thanh Chương. Phần lớn người dân ở đây là đồng bào Thái di dời tái định cư từ huyện Tương Dương (Nghệ An) về để nhường đất thực hiện Nhà máy thủy điện Bản Vẽ về sinh sống, lập nghiệp nhưng trước những lời hứa hẹn “có cánh” như vậy, nhiều người đã nhanh chóng huy động tiền bằng mọi cách, thậm chí là bán cả trâu bò để tham gia vào mạng lưới công ty đa cấp này.
Tuy nhiên, sau khi có thông tin có dấu hiệu lừa đảo, nhiều người dân đã tập trung lên xã nhờ can thiệp để mong muốn lấy lại được tài sản của mình nhưng không thành.
“Bây giờ chẳng biết phải làm sao nữa, chúng tôi đã cùng nhau lên xã làm đơn mong các cấp chính quyền can thiệp giúp đỡ lấy lại tiền cho bà con thôi. Mất số tiền đó chắc tôi chết mất”, ông Nghệ buồn bã nói.
Bị loại khỏi danh sách ứng viên HĐND vì đa cấp
Trao đổi với phóng viên Báo Gia đình và Xã hội, ông Lô Trung Thông – Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết, ngoài ông Thủy, còn có Vi Thành Viên và ông Vi Văn Thâm cũng là cán bộ xã này đã trực tiếp đi vận động bà con trong xã tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp để lấy lợi nhuận. Ngoài ra, còn có 9 cán bộ trong xã Thanh Sơn cũng tham gia vào mạng lưới đa cấp này.
Theo ông Thông, trước đây, khi về trên địa bàn, công ty này lấy tên là công ty Lô hội để hoạt động. Một thời gian ngắn sau lại đổi tên là công ty Liên minh tiêu dùng, sau lại lấy tên Đóng phường siêu lợi nhuận để lôi kéo người dân vào tham gia.
“Làm gì có chuyện lợi nhuận khủng như vậy được. Nhiều người bán cả trâu bò, vay mướn khắp nơi lấy tiền tham gia nhưng chỉ nhận lại được ít thuốc dùng với giá tiền cao gấp 4 – 5 lần so với thị trường. Tuy nhiên tiền đã nạp rồi thì đành phải nhận thôi chứ không biết làm sao”, ông Thông nói.
Nhận được nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng sau khi tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp nhưng hầu hết người dân đều không biết sử dụng như thế nào
Ngay sau khi người dân phát hiện ra công ty có dấu hiệu lừa đảo, chính quyền xã Thanh Sơn đã tổ chức cuộc họp nhắc nhở, can thiệp nhưng phía công ty cho rằng đây là công việc hợp pháp, người dân cũng không có đơn thư gì nên không giải quyết được vấn đề.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã đã có 74 hộ tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp của Công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam với tổng số tiền 1,8 tỷ đồng. Nhiều hộ dân nộp tiền vào nhưng chỉ nhận được toàn hóa đơn và thuốc nhưng không biết thuốc gì, sử dụng như thế nào nên chỉ để trên tủ.
Ông Lô Văn Quy (Chủ tịch hội nông dân xã Thanh Sơn) cho biết, bản thân mình cũng mua gói sản phẩm với tổng số tiền gần 17 triệu đồng sau khi thấy người dân và nhiều cán bộ xã khác trong xã tham gia. Nạp tiền được hơn 1 năm nhưng cho đến nay ông mới chỉ nhận được một túi thuốc.
“Họ đem cho bao thuốc mà tôi cũng không rõ thuốc đó là gì nên chưa dùng đến. Công ty bảo mời được 1 người thì nhận được 2 triệu tiền hoa hồng nhưng tôi không đi vận động ai cả nên chẳng được gì”, ông Quy cho biết.
Mặc dù có trong danh sách ứng viên HĐND xã nhiệm kỳ 2016 – 2021, nhưng sau khi bị người dân phản đối vì đã trực tiếp vận động, đưa người dân vào “bẫy” đa cấp nên cả ông Thủy, ông Viên và ông Thâm đã xin rút khỏi danh sách này.
“Ông Thủy, ông Viên và ông Thâm đều đã nhận lỗi sau khi sự việc xảy ra. Hiện chúng tôi cũng đã báo cáo sự việc lên huyện để xin chỉ đạo xử lý”, ông Thông cho biết thêm.