Cán bộ vi phạm về nồng độ cồn bị gửi thông báo về cơ quan
CSGT TP.HCM sẽ tập trung xử lý vi phạm về nồng độ cồn, chất ma túy ở bến xe, bến cảng, nhà hàng, quán bar, vũ trường, khu du lịch…
Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM vừa ra quân cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông từ ngày 20-6 đến hết ngày 20-9.
CSGT TP.HCM ra quân cao điểm vào sáng 20-6. Ảnh: MỸ DUYÊN
Theo lãnh đạo Phòng PC08, đợt này CSGT TP.HCM sẽ chú trọng vào bốn nội dung cụ thể.
Đối với các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, chất kích thích, chất ma túy, CSGT sẽ thực hiện điều tra cơ bản xác định tuyến, địa bàn; trong đó tập trung ở khu vực bến xe, bến cảng, nhà hàng, quán bar, vũ trường, khu du lịch… để xây dựng kế hoạch tập trung xử lý.
Trong quá trình thực hiện sẽ chủ động phòng ngừa hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng.
Đáng chú ý, trường hợp người vi phạm là đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... sẽ bị CSGT gửi thông báo nội dung vi phạm về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý theo quy định.
CSGT TP.HCM sẽ chú trọng xử lý vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: LÊ THOA
Đồng thời, tuyên truyền, vận động các bến xe, bến cảng, chủ nhà hàng, quán bar, vũ trường… tuyên truyền, nhắc nhở khách hàng đến ăn uống chấp hành nghiêm quy định giao thông.
Treo các banner nội dung “Không lái xe sau khi uống rượu bia” tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, quán ăn có phục vụ rượu bia. Đề nghị cơ sở kinh doanh ăn uống thông báo lực lượng CSGT biết xử lý các trường hợp đã sử dụng rượu bia cố tình điều khiển phương tiện.
Đối với phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quy định về “cơi nới” thùng xe, chở hàng quá trọng tải, quá khổ, CSGT sẽ rà soát các bến bãi, các mỏ đất, đá, cát; các công trình xây dựng, đường giao thông, san lấp mặt bằng; các cơ sở sửa chữa, lắp ráp thùng xe, các cơ sở “cơi nới”, cho thuê thùng xe để thực hiện kiểm định.
CSGT cũng tuyên truyền và cho các chủ cơ sở trên ký cam kết không vi phạm.
Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, CSGT sẽ gửi thông báo phối hợp với Phòng kiểm định xe cơ giới thuộc Cục đăng kiểm Việt Nam đối với các trường hợp chủ phương tiện bị xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt bổ sung “tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có thời hạn”.
CSGT còn cưỡng chế việc tháo, cắt thùng xe trở về theo đúng thiết kế đã được phê duyệt. Đồng thời, đơn vị xử phạt cũng phải mở hồ sơ xử lý các trường hợp này và lưu hình ảnh đã khắc phục tháo, cắt thùng xe để theo dõi. Sau đó, gửi thông báo cho Sở GTVT các địa phương những trường hợp chủ phương tiện bị xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng phù hiệu có thời hạn.
Theo Phòng PC08, khi xử lý các phương tiện chở hàng quá trọng tải, quá khổ phải bắt buộc hạ tải mới cho phương tiện tiếp tục lưu hành. Chưa kể phải tiến hành xác minh, làm rõ chủ phương tiện là tổ chức hay cá nhân vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, tránh gây bức xúc dư luận.
Trong lúc thi hành nhiệm vụ, trường hợp cố tình chống đối việc kiểm tra, xử lý, cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng thì phải thu thập tài liệu, củng cố hồ sơ để xem xét xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ hoặc gây rối trật tự công cộng.
Đối với xử lý vi phạm về tốc độ, PC08 cho biết sẽ tập trung kiểm tra xử lý trên các tuyến quốc lộ, các các tuyến đường huyết mạch ra, vào trung tâm TP, tại các điểm đen thường xảy ra TNGT.
Trong đó, khi xử lý tốc độ phải có các biện pháp cảnh báo, sử dụng hình thức công khai là chính, kết hợp với biện pháp bí mật.
Khi thực hiện đo tốc độ bí mật phải có lực lượng bảo vệ, không để các đối tượng cản trở người thi hành công vụ. Tăng cường áp dụng biện pháp xử lý vi phạm qua hình ảnh (xử phạt nguội) để nâng cao hơn nữa ý thức của người tham gia giao thông.
Đối với các hành vi vi phạm gây xung đột trực tiếp giữa xe hai bánh và xe ô tô, PC08 nhìn nhận thường là hành vi xe mô tô, xe đạp đi vào đường cấm, đi không đúng làn đường quy định, đi ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông…
Theo PC08, CSGT sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát cơ động, hạn chế tuần tra, kiểm soát dừng tại một điểm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Qua đó, mong muốn làm chuyển biến nhận thức, thói quen tham gia giao thông của người dân.
Nguồn: [Link nguồn]
Bị CSGT lập biên bản, tạm giữ xe máy vì vi phạm nồng độ cồn 0,433 mg/lít khí thở, thanh niên nói chỉ uống 1 lon bia và đòi CSGT cho tiền để đi xe ôm về nhà.