Cán bộ Thanh tra Chính phủ bị đại gia Nguyễn Cao Trí mua chuộc thế nào

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Được Phó tổng Thanh tra Chính phủ "mở đường", ông Nguyễn Cao Trí chi tiền để tác động nhiều cán bộ "bẻ lái" kết luận thanh tra, thâu tóm siêu dự án đang bị kiến nghị thu hồi, theo cáo trạng.

Ngày 29/11, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh Nguyễn Cao Trí bị VKSND Tối cao truy tố về tội Đưa hối lộ. 5 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ bị cáo buộc Nhận hối lộ hoặc Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Siêu dự án Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư tại bốn xã ở huyện Đức Trọng cho Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh (do bà Phan Thị Hoa làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc) với diện tích hơn 3.595 ha, tiến độ đầu tư từ năm 2010 đến 2018. Sau khi Thanh tra Chính phủ chỉ ra các sai phạm, kiến nghị thu hồi, ông Trí đã thỏa thuận để mua lại dự án.

Theo cáo trạng, ông Trí đã lợi dụng mối quan hệ và dùng tiền, lợi ích vật chất để móc nối, câu kết một số người có chức vụ quyền hạn trong các cơ quan Nhà nước tại Trung ương và tỉnh Lâm Đồng. Mục đích nhằm "điều chỉnh trái pháp luật" các quyết định đúng đắn của Nhà nước trong việc xử lý sai phạm để dự án không bị thu hồi, được giãn tiến độ. Từ đó, ông Trí mua lại dự án rồi "chuyển nhượng ngay để trục lợi".

Ông Nguyễn Cao Trí tại phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan hồi tháng 4. Ảnh: Thanh Tùng

Ông Nguyễn Cao Trí tại phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan hồi tháng 4. Ảnh: Thanh Tùng

Sau khi ông Trí mua lại dự án Đại Ninh, Thanh tra Chính phủ nhận được hai văn bản của Văn phòng Chính phủ chuyển đơn của Công ty Sài Gòn Đại Ninh. Cục Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II, Thanh tra Chính phủ) sau đó lần lượt đề xuất chuyển đơn đến Vụ Giám sát và UBND tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, ông Trần Văn Minh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ (đã chết), đều không phê duyệt, do đang nhận lời giúp ông Trí sửa kết luận thanh tra.

Cáo trạng nêu ông Minh đã hướng dẫn ông Trí làm đơn gửi đến lãnh đạo Chính phủ qua Văn phòng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo, chuyển đơn đến Thanh tra Chính phủ làm căn cứ xem xét giải quyết.

Giữa tháng 1/2021, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì cuộc họp và thống nhất bằng miệng, giao Cục II lập tổ công tác xác minh đơn của Sài Gòn Đại Ninh. Nhưng khi xem xét kỹ lại công văn của Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ lại thấy "đây chỉ là hình thức chuyển đơn, chưa có chỉ đạo cụ thể".

Theo gợi ý, ông Trí lại tiếp tục lo lót để gửi đơn thêm một lần nữa ở "cửa" Văn phòng Chính phủ. Chưa đầy một tuần sau, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ theo hướng cụ thể, "mạnh mẽ" hơn. Thấy đã đến thời điểm "vàng", ông Minh ký quyết định về việc xác minh nội dung kiến nghị của doanh nghiệp.

Nội dung quyết định thể hiện theo hướng làm rõ kiến nghị cho phép tiếp tục triển khai thực hiện dự án. Đoàn thanh tra do Phó cục II Lê Quốc Khanh làm tổ trưởng.

Cáo trạng xác định, Công ty Sài Gòn Đại Ninh không phải chủ thể thanh tra tại kết luận thanh tra đã ban hành. Nội dung đơn của doanh nghiệp này đề nghị xem xét kiến nghị về kết quả thanh tra không thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của Thanh tra Chính phủ. Do vậy, việc Thanh tra Chính phủ vẫn thành lập tổ công tác xác minh đơn của là trái quy định của Luật thanh tra và Luật khiếu nại.

Sau khi kế hoạch kiểm tra được phê duyệt, tháng 3/2021, tổ công tác đã làm việc với phía ông Trí tại trụ sở Thanh tra tỉnh Lâm Đồng. Tổ công tác yêu cầu Sài Gòn Đại Ninh làm rõ một số nội dung kiến nghị, bổ sung các tài liệu phục vụ yêu cầu xác minh và chứng minh năng lực tài chính để xem xét gia hạn dự án.

Kết thúc buổi làm việc đầu tiên, ông Trí gặp và đưa Chánh thanh tra tỉnh lâm Đồng Nguyễn Ngọc Ánh phong bì 100 triệu đồng để nhờ quan tâm, giúp đỡ cho Sài Gòn Đại Ninh được gia hạn dự án.

Chiều cùng ngày, ông Trí đến Khách sạn Dinh II, thành phố Đà Lạt, gặp thanh tra viên Hoàng Văn Xuân để thống nhất về nội dung và ký biên bản làm việc. Xong xuôi, ông Trí qua gặp riêng Cục phó Khanh đưa 500 triệu đồng, nhờ quan tâm giúp.

Chánh Thanh tra Nguyễn Ngọc Ánh trong buổi làm việc tại Lâm Đồng, tháng 1/2022. Ảnh: Khánh Hương

Chánh Thanh tra Nguyễn Ngọc Ánh trong buổi làm việc tại Lâm Đồng, tháng 1/2022. Ảnh: Khánh Hương

Quá trình xác minh, tổ công tác đã làm việc với các sở ngành của UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Đức Trọng. Các cơ quan này đều cho rằng "dự án thuộc trường hợp phải chấm dứt hoạt động, thu hồi theo kết luận". Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục thực hiện thì Sài Gòn Đại Ninh phải thực hiện đầy đủ thủ tục liên quan đến đất đai, nghĩa vụ tài chính và chứng minh năng lực tài chính.

' bẻ lái' giá 10 tỷ đồng

Ông Minh, ông Khanh biết rõ Sài Gòn Đại Ninh không có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án nên đã hướng dẫn Trí chuẩn bị các tài liệu hợp thức. Do đó, ông Trí đã thuê Công ty Kiểm toán DFK lập gấp báo cáo kiểm toán, xác định vốn góp của Sài Gòn Đại Ninh là 2.000 tỷ đồng nhưng không có chứng từ chứng minh.

Ngoài ra, ông Trí còn huy động tiền để chuyển đủ 2.000 tỷ đồng vào tài khoản tiền gửi của công ty để Ngân hàng Sacombank xác nhận số dư trên tài khoản ở thời điểm góp vốn là 2.000 tỷ đồng. Được ghi nhận xong, ông Trí chỉ đạo rút toàn bộ tiền trong tài khoản để tất toán các khoản vay đã huy động trước đó.

Khi tổ công tác xuống TP HCM thu thập tài liệu, ông Trí mời ông Khanh đi ăn tối để cung cấp giấy tờ chứng minh năng lực tài chính theo hướng dẫn trước đó của Khanh. Tài liệu gồm: văn bản xác nhận của Sacombank xác nhận số dư 2.000 tỷ đồng trên tài khoản tiền gửi, thư cam kết cấp tín dụng 2.000 tỷ đồng và báo cáo kiểm toán của Công ty Kiểm toán DFK.

Ông Trí khai tại bữa ăn này đã đưa cho ông Khanh phong bì 200 triệu đồng để cảm ơn. Ông Khanh phủ nhận lời khai này.

Cáo trạng thể hiện, ngoài việc nhận các tài liệu đã được hợp thức do Trí cung cấp, tổ công tác không kiểm tra, xác minh về năng lực tài chính và các sai phạm khác trong việc thực hiện dự án của Sài Gòn Đại Ninh. Như vậy, tổ công tác đã không thực hiện đúng trách nhiệm mà thông đồng, câu kết, hướng dẫn ông Trí hợp thức tài liệu về năng lực tài chính để cung cấp. Hành vi của các cán bộ thanh tra này đã giúp ông Trí trục lợi thành công.

Ngày 10/5/2021, ông Minh ký báo cáo gửi Chính phủ kiến nghị điều chỉnh kết luận thanh tra theo hướng cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh được gia hạn, giãn tiến độ dự án. Cùng lúc, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đồng thuận với báo cáo của Thanh tra Chính phủ.

Khi đã có ý kiến của lãnh đạo Chính phủ và được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ giao thực hiện, ngày 30/6/2021, ông Minh ký kết luận sửa đổi kết luận thanh tra. Dự án từ bị kiến nghị thu hồi thành không thu hồi, tiếp tục cho gia hạn, giãn tiến độ thực hiện.

VKS xác định dù không có quy định thanh tra lại nhưng Thanh tra Chính phủ vẫn ban hành kết luận thanh tra sửa đổi - trái quy định pháp luật. Các bị can từng là cán bộ Thanh tra Chính phủ vẫn nhận thức được kiến nghị chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất là đúng quy định, nhưng quá trình làm việc đều nhận tiền của Trí để sử dụng tài liệu hợp thức, báo cáo không trung thực về năng lực tài chính.

Quá trình tổ công tác dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, ngày 4/5/2021, Trí đến trụ sở Thanh tra Chính phủ và được ông Khanh dẫn sang phòng làm việc chào hỏi Cục trưởng Cục II Nguyễn Hồng Giang. Tại đây, đại gia Trí nhờ ông Giang và Khanh "quan tâm" và đưa mỗi người một phong bì 200 triệu đồng. Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, ông Khanh và Giang thừa nhận "có gặp và được mời cơm chứ không nhận 200 triệu đồng" như ông Trí khai.

Cơ quan công tố cáo buộc, sau khi được giúp đỡ cho gia hạn, giãn tiến độ dự án, ông Trí hai lần đến nhà riêng của ông Minh tại quận 3, TP HCM, để đưa tổng cộng 10 tỷ đồng. Trong đó đưa trực tiếp cho ông Minh 8 tỷ đồng và đưa cho con trai ông Minh 2 tỷ đồng.

Ông Minh bị cáo buộc đã trực tiếp thỏa thuận, hướng dẫn ông Trí gửi đơn kiến nghị và nhận 10 tỷ đồng để dự án không bị thu hồi. Hành vi của ông Minh có đủ dấu hiệu của tội Nhận hối lộ nhưng ông này đã chết trước khi làm việc với cơ quan điều tra nên không xem xét, xử lý. Tuy nhiên, VKS cho rằng cần thu hồi 10 tỷ đồng này.

Vụ án gây thiệt hại 'đặc biệt nghiêm trọng'

Từ khi dự án được chấp thuận cho giãn tiến độ, Sài Gòn Đại Ninh không triển khai, không xây dựng bất cứ hạng mục mới nào và thậm chí còn tiếp tục để xảy ra 24 vi phạm.

Cơ quan công tố đánh giá, hành vi sai phạm trên đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Toàn bộ dự án lẽ ra phải được thu hồi cho Nhà nước, nhưng ông Trí đã bán cho Công ty Thiên Vương của Tập đoàn Novaland với giá trị thực tế là 27.600 tỷ đồng. Công ty Thiên Vương sau đó đã thanh toán 2.700 tỷ đồng.

Ông Trí bị cáo buộc hối lộ tổng 7,05 tỷ đồng để đạt được mục đích. VKS xác định 2.700 tỷ đồng Trí nhận của Novaland là số tiền hưởng lợi bất chính, có được từ chuỗi hành vi phạm tội của Trí và đồng phạm. Tuy nhiên, trong phi vụ này vẫn có một phần lỗi, trách nhiệm của Novaland khi ký hợp đồng giao dịch không đúng pháp luật. Từ đó, nhà chức trách cho rằng cần tịch thu sung công quỹ số tiền thu lợi bất chính này, tranh chấp giữa Trí và Novaland sẽ được giải quyết ở thủ tục dân sự.

Ông Trí đã nhận thức rõ sai phạm, chủ động cùng gia đình nộp lại 242 tỷ đồng và cam kết tiếp tục nộp đủ tiền hưởng lợi bất chính.

Với những sai phạm, ông Lê Quốc Khanh, cựu cục phó Cục II Thanh tra Chính phủ; Hoàng Văn Xuân, Nguyễn Nho Định, đều là cựu thanh tra viên chính cục II; Nguyễn Ngọc Ánh, cựu chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng; cựu bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận và cựu chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp bị VKSND Tối cao truy tố về tội Nhận hối lộ.

Về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, VKSND Tối cao truy tố cựu bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Trần Bích Ngọc, cựu vụ trưởng Vụ I Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Hồng Giang, cựu cục trưởng Cục II, Thanh tra Chính phủ.

Ngoài vụ án này, ông Trí hiện là bị cáo trong đại án Vạn Thịnh Phát, vừa được VKSND Cấp cao đề nghị tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt từ 8 năm xuống 5-6 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo VKS, bị cáo Trí đã khắc phục toàn bộ hậu quả, trong quá trình công tác có thành tích xuất sắc, hiện sức khỏe yếu, nên có căn cứ xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Ông Trí bị xác định đã nhiều lần nhận tiền của bà Trương Mỹ Lan, tổng cộng 40 triệu USD (khoảng 1.000 tỷ đồng), thông qua ba hình thức: chuyển nhượng 65% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp, mua 100% vốn điều lệ Công ty Sài Gòn Đại Ninh và đầu tư dự án tại huyện Hải Hà tỉnh Quảng Ninh. Số tiền này bị ông Trí chiếm đoạt, sau khi bà Lan bị bắt.

Nguồn: [Link nguồn]

Cơ quan điều tra cáo buộc, Nguyễn Cao Trí đã 5 lần, 7 lượt hối lộ cựu Bí thư Tỉnh uỷ và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng với tổng số tiền hơn 6 tỷ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Dự ([Tên nguồn])
Sai phạm tại dự án của Sài Gòn Đại Ninh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN