Cán bộ sang nhượng trái phép nhà chung cư
Trong khi hàng trăm hộ nghèo ở TP Đà Nẵng không thuê được căn hộ trong các chung cư xã hội thì có hơn 100 căn hộ dành cho cán bộ công chức ở đây bị sang nhượng trái phép hoặc cho thuê lại sai quy định
Mới đây, trước phản ánh của người dân, sau khi kiểm tra 9/44 khu chung cư, với 673 căn hộ được TP bố trí cho cán bộ công chức (CBCC), Công ty Quản lý nhà chung cư (Sở Xây dựng TP Đà Nẵng) phát hiện có đến 111 trường hợp chủ những căn hộ này đã sang nhượng trái phép hoặc cho người khác thuê lại sai quy định.
Thu lợi lớn
Trong cuộc họp HĐND TP Đà Nẵng mới đây, đại biểu (ĐB) Trần Văn Lĩnh chất vấn: Trong khi hàng trăm hộ nghèo ở địa phương không được thuê căn hộ trong các chung cư do Nhà nước đầu tư thì lại có quá nhiều căn hộ ở đây bị phân phối sai quy định, nhiều căn hộ bị cho thuê lại lấy chênh lệch. Trong số này, đến nay mới thu hồi được 3 căn.
Nhiều căn hộ chung cư dành cho CBCC ở Đà Nẵng đã bị sang nhượng, cho thuê lại sai quy định
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi được UBND TP Đà Nẵng cho thuê căn hộ, một số CBCC đã “bán” quyền thuê để thu lợi từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, tùy theo diện tích căn hộ. Còn trực tiếp cho thuê lại, người được quyền thuê cũng thu được mỗi tháng 1,5-2 triệu đồng/căn hộ. Anh Đ. Ng (ở quận Sơn Trà) cho biết anh vừa thuê lại căn hộ trong một chung cư dành cho CBCC với giá 1,5 triệu đồng/tháng (chưa kể điện nước).
Trong khi đó, giá thuê căn hộ trong chung cư dành cho CBCC ở TP Đà Nẵng khá thấp: Ở khu vực không có thang máy, căn hộ 40 m² chỉ 200.000 đồng/tháng, căn hộ trên 50 m² là 300.000 đồng/tháng. Những chung cư mới xây có thang máy, căn hộ hơn 50 m², giá thuê cũng từ 500.000 đồng đến 600.000 đồng/tháng.
Cương quyết xử lý
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho biết Văn phòng HĐND TP Đà Nẵng đã thành lập tổ xử lý nhanh để xác minh hoàn cảnh thực tế của những người có đơn xin thuê chung cư, sau đó sẽ có báo cáo để UBND TP ra quyết định xử lý.
Ông Thanh đề nghị UBND TP cần cưỡng chế, thu hồi và kỷ luật ngay những CBCC đã tự ý đem bán, cho thuê lại căn hộ chung cư do TP bố trí. Mặt khác, phải siết lại việc quản lý đất đai, chung cư.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Thuận, Giám đốc Công ty Quản lý nhà chung cư TP Đà Nẵng, cho biết công ty đã có văn bản báo cáo UBND TP Đà Nẵng về 111 trường sử dụng căn hộ chung cư không đúng mục đích, không đúng đối tượng để có hướng xử lý.
Ông Thuận giải thích thêm trong số những trường hợp nêu trên, có nhiều trường hợp tại thời điểm xin thuê căn hộ có nhu cầu về nhà ở nhưng sau đó, họ có điều kiện mua được đất, xây nhà, không có nhu cầu ở chung cư nên cho thuê lại.
Tuy nhiên, việc làm này là sai. Bởi theo quy định, khi không có nhu cầu sử dụng nữa, người được thuê phải trả lại căn hộ chung cư đó cho Nhà nước, không được “bán” hoặc cho người khác thuê hoặc ở nhờ. Cũng theo ông Thuận, đối với những căn hộ mà người được thuê không có nhu cầu ở sẽ bị Nhà nước thu hồi.
Với một số người đứng tên căn hộ để lại cho người thân (là CBCC đang có nhu cầu bức thiết về nhà ở) sử dụng, công ty sẽ xin ý kiến UBND TP hợp thức hóa cho người có nhu cầu. Ngoài ra, công ty sẽ lập danh sách các CBCC vi phạm gửi các đơn vị chủ quản của họ.
Trước đó, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản nêu rõ: Từ năm 2012, các căn hộ chung cư xã hội ở Đà Nẵng sang nhượng trái phép sẽ bị thu hồi; TP sẽ xử lý cả người bán và người mua nếu vi phạm.
Có biệt thự vẫn xin thuê Tại kỳ họp HĐND vừa qua, dẫn chứng việc CBCC có nhà vẫn làm đơn thuê chung cư, ông Nguyễn Bá Thanh chỉ ra 3 trường hợp: Một giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã có biệt thự; ông Phạm Văn C., cán bộ Phòng Quản lý đô thị quận Sơn Trà, có nhà rộng 150 m2 và một vị cán bộ ở phường Tam Thuận, quận Hải Châu có nhà mặt tiền 2 lầu nhưng vẫn làm đơn xin thuê chung cư. “Những đơn xin này dù có gửi đến 10 lần cũng không giải quyết” - ông Thanh nhấn mạnh. |