Cán bộ HN làm tiệc cưới không quá 50 mâm
Thành ủy Hà Nội yêu cầu cán bộ, đảng viên, lãnh đạo gương mẫu tổ chức cưới văn minh với tiêu chí không quá 300 khách, tức 50 mâm, không mời nhiều lần và không làm ở khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp.
Để đưa tinh thần Nghị quyết TƯ 4 về xây dựng Đảng vào cuộc sống, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội kiến nghị sửa Chỉ thị về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố.
Tại Hội nghị BCH Đảng bộ Hà Nội hôm nay (28/9), Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi chỉ ra việc cưới ở Hà Nội có lúc có nơi chưa tuân thủ tinh thần trang trọng - lành mạnh - tiết kiệm.
“Do một bộ phận nhân dân, trong đó có không ít cán bộ, đảng viên, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt các cấp vẫn còn tư tưởng lạc hậu, không gương mẫu, vẫn tổ chức cưới linh đình, mang tính ‘thương mại hóa’, có biểu hiện lợi dụng việc cưới để vụ lợi, tổ chức đám cưới phô trương, xa hoa, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Đảng và gây cản trở trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, ông Hồ Quang Lợi nói.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: Đảng viên Hà Nội gương mẫu tổ chức cưới văn minh
Ban Tuyên giáo đề xuất một số quy định cụ thể với cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố trong việc cưới của bản thân và gia đình họ như sau: số khách mời không quá 300 người, tương đương 50 mâm cỗ, nếu hai nhà tổ chức chung thì khách mời không quá 600; không tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không ăn ở những nơi quá sang trọng, tốn kém, không phù hợp với thu nhập chung của cộng đồng dân cư và cán bộ, công chức như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp…
Bên cạnh đó, thành phố cũng phải chú ý biểu dương các đám cưới văn minh đồng thời phê phán những đám cưới phô trương, tốn kém, đi ngược với thuần phong mỹ tục cũng như việc lợi dụng đám cưới để trục lợi.
Nhiều ý kiến tại hội nghị đồng tình đây chính là những điểm dư luận không hài lòng, người dân phê phán nhiều về việc cưới của không ít cán bộ, đảng viên, lãnh đạo. Tuy còn có người thấy nhận định “thương mại hóa”, “vụ lợi, trục lợi” là quá nặng nề, hầu hết cán bộ, đảng viên, lãnh đạo có mặt tại hội nghị ủng hộ những quy định mà Ban Tuyên giáo Thành ủy đưa ra.
Ông Phạm Khắc Tuấn, Bí thư quận ủy Hà Đông, nơi 3 năm nay thực hiện đề án “tiệc cưới không quá 40 mâm, 240 khách”, cho biết: “Cũng có ý kiến cho là số mâm như thế hơi chặt, nhất là các họ lớn, nên nay thực hiện toàn thành phố nâng lên 300 khách, 50 mâm là hợp lý”.
Theo ông, tuy chỉ là vận động nhưng cũng có chế tài khá nghiêm khắc đối với các cán bộ, đảng viên: nếu vi phạm sẽ bị chuyển công tác.
Đây cũng là vấn đề nhiều ý kiến chỉ ra: nếu vi phạm mà chỉ “vỗ vai nhắc nhở” chứ không xử lý kỷ luật nghiêm khắc thì chủ trương này sẽ không có hiệu lực.
Bí thư Hà Đông cũng chỉ ra một khó khăn thực tiễn khác: với cán bộ, đảng viên, lãnh đạo Hà Đông thì có thể xử lý kỷ luật, chứ với cán bộ, đảng viên, lãnh đạo thành phố không chấp hành cuộc vận động của địa phương thì chỉ có thể “gửi công văn lên các cơ quan để phản ánh”.
“Nay thực hiện với toàn thành phố thì đối với các cán bộ, đảng viên, lãnh đạo Trung ương tại thành phố cũng là vấn đề cần xem xét”, ông Tuấn chỉ ra.
Trước những kiến nghị này, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: Đã là chỉ thị của Thành ủy thì mọi đảng viên thành phố đều phải coi là việc bắt buộc phải chấp hành nghiêm túc.
“Đối với cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn thành phố thì kêu gọi họ hưởng ứng chủ trương này”, ông Thảo nói.
Hội nghị Thành ủy Hà Nội đã biểu quyết thông qua dự thảo chỉ thị này với mức thống nhất cao.
Trong khuôn khổ hội nghị, sáng 28/9, Thành ủy Hà Nội cũng thảo luận nội dung kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.