Cán bộ, công chức, viên chức được tăng lương

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống.

Tăng 8% mức lương hiện hưởng

Những người trên được tăng thêm tiền lương bằng 8% mức lương hiện hưởng (gồm hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh hiện hưởng nhân mức lương cơ sở).

Cán bộ, công chức, viên chức được tăng lương - 1
Ảnh minh họa.

Cụ thể, những người trên được tăng thêm tiền lương bằng 8% mức lương hiện hưởng (gồm hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh hiện hưởng nhân mức lương cơ sở).

Cụ thể: Mức tiền lương tăng thêm hàng tháng = Hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh x Mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng x 8%.

Tiền lương tăng thêm không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và tính các loại phụ cấp lương.

Ai được tăng lương?

Nghị định nêu rõ, người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống, bao gồm: Cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008.

Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Viên chức hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Luật Viên chức năm 2010.

Cán bộ, công chức cấp xã theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và nghị định của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định được cấp có thẩm quyền quyết định đến làm việc tại các hội, tổ chức phi Chính phủ, dự án và cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam.

Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội theo quy định tại nghị định của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao của đơn vị sự nghiệp công lập và hội có tính chất đặc thù.

Giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015.

Viên chức làm việc trong Trạm Y tế xã theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định về y tế xã, phường, thị trấn.

Công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.

Công nhân, nhân viên công an và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Công an nhân dân.

Người hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong tổ chức cơ yếu.

Nguồn kinh phí

Kinh phí thực hiện sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương) của cơ quan, đơn vị.

Sử dụng tối thiểu 40% số thu phí, lệ phí được để lại theo chế độ năm 2015 của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; đối với số thu dịch vụ sử dụng tối thiểu 40% chênh lệch thu, chi từ hoạt động dịch vụ. Riêng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế, sử dụng tối thiểu 35% số thu để lại theo chế độ (sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế).

Sử dụng 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể tăng thu tiền sử dụng đất và khoản 50% tăng thu ngân sách địa phương dự toán năm 2015 so với dự toán năm trước sau khi đảm bảo mức lương cơ sở 1.150.000 đồng còn dư).

Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư đến hết năm 2014 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các cấp ngân sách địa phương.

Ngân sách Trung ương bổ sung nguồn kinh phí thực hiện mức tiền lương tăng thêm trong trường hợp các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện đúng quy định nêu trên nhưng vẫn còn thiếu nguồn.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1.4.2015. Chế độ quy định tại nghị định này được tính hưởng kể từ ngày 1.1.2015.
Thủ tướng: Cán bộ, công chức không sa đà du xuân, lễ hội

Tại cuộc họp chiều 24.2 của Thường trực Chính phủ về tình hình Tết Nguyên đán Ất Mùi - 2015, Thủ tướng đánh giá các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tết Nguyên đán Ất Mùi - 2015, đảm bảo cho nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng nêu lên một số việc cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, trong đó nổi lên là tai nạn giao thông tuy giảm về số vụ, số người bị thương, nhưng số người chết tăng cao. “Một đất nước hơn 30 người chết mỗi ngày, chúng ta không thể coi đây là chuyện bình thường được”, Thủ tướng phát biểu.

Bên cạnh đó, với số liệu lần đầu tiên Chính phủ yêu cầu ngành y tế công bố thì trong dịp Tết đã xảy ra hàng ngàn vụ bạo lực, đánh lộn gây thương tích trong nhân dân, làm hơn 6.000 người phải nhập viện, trong đó nhiều người đã tử vong.

Nhấn mạnh thời gian nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày đã kết thúc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương phải bắt tay ngay vào công việc, khẩn trương, quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ được giao... “Mọi cán bộ, công chức phải nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao, không sa đà du xuân, lễ hội. Các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan gương mẫu không tham dự, tham gia lễ hội”, Thủ tướng yêu cầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN