Cán bộ chính sách “ăn chặn” tiền của người đã chết

Suốt thời gian dài, ông Lê Văn Lợi (cán bộ chính sách xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) đã lợi dụng chức vụ chiếm đoạt số tiền hàng chục triệu đồng của những người được hưởng chế độ bảo trợ xã hội (BTXH). Điều đáng nói, trong danh sách những cá nhân được nhận tiền BTXH có người đã chết.

Cán bộ chính sách “ăn chặn” tiền của người đã chết - 1

Bà Vi Thị Việt bên cạnh ngôi nhà xập xệ. Ảnh: N.Hưng

Trả lại tiền, mong gia đình thông cảm

Nằm ở cuối con đường đất dốc ngoằn ngoèo, ngôi nhà 3 gian lợp bằng lá cọ lụp sụp là nơi tá túc của cả gia đình bà Vi Thị Việt (76 tuổi, trú tại thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc, một trong những người đã bị ông Lợi ăn chặn tiền). Bà Việt cho biết, bà mồ côi cả cha lẫn mẹ lúc 5 tuổi, lớn lên đi làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày. Khoảng 20 năm trước, bà đã bị bệnh tật liên miên. Từ lúc bị bệnh không làm được gì, bà sống nhờ vào chồng và con. Năm 2007, khi Nghị định số 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng xã hội ra đời (nay là Nghị định 136 Chính phủ), bà làm hồ sơ 3 lần gửi lên xã xin được hưởng chế độ trợ cấp xã hội.

Tuy nhiên, sau nhiều tháng chờ đợi, bà Việt lên UBND xã hỏi thì được trả lời rằng hồ sơ đã duyệt và chuyển lên UBND huyện Thường Xuân nhưng chưa thấy gì cả. Khi đó, bà Việt hỏi ông Lê Văn Lợi (cán bộ chính sách xã) thì vị cán bộ này nói không biết. Vậy nhưng rồi: “Cách đây một tuần, ông Lợi đã mang số tiền hơn 12 triệu đồng đến trả và nói mong gia đình thông cảm, bỏ qua cho vì “do lỗi sơ suất”. Với những người bệnh tật không làm được gì như tôi thì 180.000 đồng/tháng là một món tiền lớn giải quyết được rất nhiều việc. Không hiểu lương tâm của anh cán bộ chính sách để đâu mà ăn chặn tiền của những người đang được Nhà nước quan tâm trợ cấp tiền hàng tháng”, bà Việt bức xúc.

Cán bộ chính sách “ăn chặn” tiền của người đã chết - 2

Ông Vi Văn Tình, Trưởng thôn Pà Cầu (ngồi giữa).

Cầm trên tay quyển sổ hưởng BTXH của bà Việt, nhìn qua ai cũng nhận thấy quyển sổ này mới được làm bởi vết mực hãy còn mới. Điều lạ là cuốn sổ lại được ghi chép rất cụ thể, chi tiết tương ứng từng ngày, tháng bà Việt lĩnh tiền trợ cấp (được hưởng từ ngày 1/4/2011 đến nay), có chữ ký, ngày tháng giao nhận tiền, số tiền(?).

Ông Vi Văn Tình, Trưởng thôn Pà Cầu cho biết thêm: “Vợ chồng bà Việt trước đây là công nhân lâm nghiệp, về chế độ một lần. Gia đình rất khó khăn, sống chủ yếu nhờ vào 1,5 sào ruộng và 1ha đất lâm nghiệp. Gia đình bà Việt thuộc diện hộ nghèo lâu năm ở thôn, mới thoát khỏi danh sách hộ nghèo năm 2016. Hôm vừa rồi, UBND xã mời tôi lên rà soát các đối tượng được hưởng BTXH mới phát hiện bà Việt có tên trong danh sách nhưng chưa nhận được tiền”.

Ngoài trường hợp của bà Việt, tại xã Xuân Lộc còn một số trường hợp khác có tên trong danh sách hưởng chế độ trợ cấp nhưng không được nhận tiền như: Chị Vi Thị Hiền, bà Lục Thị Quyền… Không chỉ có vậy, một số trường hợp đã chết hoặc không có thực tại địa phương cũng bị cán bộ chính sách lập hồ sơ khống để chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Cụ thể, trong danh sách được nhận tiền có bà Hoàng Thị Thay (SN 1933, trú tại thôn Pà Cầu), nhưng qua kiểm tra không có người này. Tại thôn Chiềng, có bà Hoàng Thị Thay (SN 1935) đã chết năm 2015 nhưng vẫn được hưởng chế độ BTXH…

Lại lỗi do “đánh máy”(?!)

Trả lời về những thông tin người dân phản ánh, ông Lê Văn Lợi phân trần: “Thời điểm năm 2013- 2014, bố tôi bị ung thư nên tôi xin nghỉ làm đi chăm bố. Năm 2014 - 2015 thì tôi lại đi học nên đến tháng, quý mới làm bảng danh sách nhận tiền trợ cấp trên máy tính ở xã. Do máy cơ quan có đông anh em sử dụng nên cũng có sự sai sót. Nếu tôi có sự gian lận thì trước khi tổng điều tra, tôi đã xóa các dữ liệu đi. Sau khi phát hiện mình sai sót, tôi cũng xuống các gia đình xin lỗi và hoàn trả lại số tiền cho họ. Trường hợp bà Thay chết vẫn nhận tiền, đây là sơ suất của tôi”.

Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Cầm Bá Lưu, Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc cho biết: “Sau khi phát hiện một số trường hợp được hưởng chế độ nhưng chưa được nhận tiền, UBND xã đã thu hồi số tiền trên và chi trả cho những người này. Ông Lợi là cán bộ hợp đồng với xã. Sau khi sự việc bị phát hiện, xã đã yêu cầu ông Lợi bàn giao lại công việc. Chúng tôi đang tiến hành kiểm tra, rà soát, sau đó mới có hướng xử lý đối với cán bộ chính sách. Chắc chắn xã sẽ cắt hợp đồng với ông Lợi”.

Ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết: “Sau khi biết thông tin, tôi đã chỉ đạo thành lập tổ công tác về xã Xuân Lộc xác minh. Trước mắt là đình chỉ ngay công việc của ông Lợi, rà soát lại tất cả các đối tượng chính sách không những trong xã mà trên địa bàn toàn huyện. Trong tháng 4 này sẽ có kết quả. Việc ông Lợi không trả tiền cho các đối tượng chính sách trong nhiều năm qua là hành vi cố tình làm sai. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, không bao che”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Hưng (Báo Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN