Cấm xe máy cũ: Lo lắng từng "bát cơm"

Đề xuất cấm xe máy cũ hoạt động đang gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho người nghèo. Dân độ xe máy cũng như ngồi trên chảo lửa…

“Cấm xe máy cũ… cả nhà tôi sống bằng gì?”

Đó là ý kiến chung của rất nhiều người dân đang mưu sinh chủ yếu dựa vào chiếc xe máy cũ tại TP HCM và Hà Nội khi được hỏi về đề xuất cấm xe máy cũ lưu hành của UBND TP.HCM để kiến nghị Chính phủ xem xét.

Tại Hà Nội và TP HCM, chúng tôi đã gặp nhiều hình ảnh người dân nghèo mưu sinh bằng xe gắn máy cũ quá đát để vận chuyển hàng hóa, chạy xe ôm, chở thuê… Khi lưu thông, những chiếc xe này, thật sự là nỗi lo của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, với những người nghèo mưu sinh, đó lại là miếng cơm, manh áo của cả gia đình. Trong số hơn 34 triệu xe máy đang lưu hành, phần lớn là xe gắn máy cũ.

“Hành nghề chở thuê hàng hóa đã mấy chục năm, chiếc Honda 67 cũ này là cần câu cơm cho cả nhà, nếu cấm xe máy cũ thì không biết ngày mai tôi sẽ làm gì để kiếm miếng ăn, áo mặc cho cả gia đình, tiền thuốc cho mẹ già, sách vở cho con nhỏ. Người ta có tiền thì mua được xe máy mới, còn với hoàn cảnh gia đình tôi, sáng làm lo bữa trưa thì tiền đâu mà mua xe” - anh Lê Văn Trọng, chở hàng thuê tại Chợ Lớn (TP HCM).

Cấm xe máy cũ: Lo lắng từng "bát cơm" - 1

Những người nghèo mưu sinh nhờ xe cũ lo lắng

Tại Hà Nội, nhiều người coi xe máy cũ là cần câu cơm cũng nơm nớp lo âu. Bác Nguyễn Đình Thuận (Từ Liêm, Hà Nội) làm nghề chạy xe ôm cho biết: “Cả gia đình trông chờ vào chiếc xe này, nếu cấm sử dụng xe máy cũ thay bằng xe máy mới thì với điều kiện như gia đình tôi hiện nay làm sao mua nổi cái xe máy mới. Dù biết rằng, đề xuất này mới chỉ ở TP HCM, nhưng khi đưa vào cuộc sống, việc áp dụng ra các TP lớn khác như Hà Nội cũng chỉ là việc sớm muộn, nên tôi lo lắm”.

PGS TS. Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ (ĐH GTVT Hà Nội) cho biết: “Người dân nghèo không ai muốn đi xe máy cũ nát để mưu sinh, nhưng họ nghèo không có tiền để mua xe mới, giờ cấm xe máy cũ khác nào triệt đường sống của họ”.

Dân chơi xe máy cổ độ… lo lắng

Không chỉ dân nghèo lo lắng trước đề xuất cấm xe máy cũ mưu sinh tại TP HCM mà giới chơi độ xe máy cũ cũng như ngồi trên chảo lửa. Bởi nếu đề án này, có thêm niên hạn của xe máy, nhiều xe độ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng vẫn trong diện xe quá niên hạn bởi nhiều xe tính về tuổi cũng ngót nghét hơn… 50 năm.

Ở Hà Nội, anh Nguyễn Tiến Huy là chủ sở hữu của hàng chục chiếc xe độ như Honda 67, Vespa,… đều có tuổi đời vài chục năm tuổi. Nếu quy định niên hạn của xe, hầu hết những chiếc xe này đều trong diện… cấm lưu hành.

Cấm xe máy cũ: Lo lắng từng "bát cơm" - 2

Chiếc xe 67 này đã có vài chục năm tuổi

“Dù đề xuất này mới chỉ có ở TP HCM, nhưng theo tôi, các cơ quan chức năng khi nghiên cứu đề án này cần chú ý đến xe máy cổ độ. Bởi dù xe có tuổi đời lâu năm, nhưng một số bộ phận đã được thay thế hoàn toàn mới với số tiền độ xe lên tới vài chục đến vài trăm triệu đồng. Cần có quy định niên hạn sử dụng cho phù hợp với loại xe này”.

Quan điểm của anh Huy cũng là nhận định chung của không ít dân chơi xe độ tại TP HCM. Bởi để có xe máy cổ độ, dân chơi xe thường bỏ công săn những chiếc xe tưởng như phải quẳng vào bãi phế liệu từ khắp nơi. Sau đó tân trang lại, số tiền bỏ ra cho thú vui này không ít. Nhưng vấn đề của những chiếc xe máy độ cổ này ở chỗ, người chơi xe cổ luôn muốn giữ nguyên mẫu, chỉ cải biên một số chi tiết như màu sơn, gắn thêm cản trước, sau… nên các kết cấu và đời máy vẫn giữ nguyên niên đại.

Trước vấn đề này, PGĐ Sở GTVT TP HCM Dương Hồng Thanh cho rằng điều quan trọng nhất là cần kiểm tra khí thải xe máy gây ô nhiễm môi trường chứ không phải quy định niên hạn sử dụng xe. Vì thế, người có chơi xe cổ nhưng bảo đảm đạt tiêu chuẩn khí thải vẫn được phép lưu thông.

Cần có chính sách hỗ trợ người dân nghèo?

Cục trưởng Cục đăng kiểm VN (Bộ GTVT) Trịnh Ngọc Giao cho rằng, chủ trương của TP HCM nhằm bảo đảm ATGT là đúng, nhưng do liên quan đến nhiều đối tượng, nên khi xây dựng đề án cần chú ý đến nhiều vấn đề như chính sách hỗ trợ người dân nghèo mưu sinh.

“Phần lớn những chiếc xe máy cũ là phương tiện kiếm sống của người dân nghèo, việc cấm lưu thông xe máy cũ, xe quá niên hạn là điều nên làm nhưng trước khi thực hiện ta phải nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng trước khi ra quyết định chính thức”, ông Giao cho biết.

Liên quan đến đề xuất cấm xe máy cũ lưu hành, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Hoàng Đăng Mạnh nhận định, cần đưa xe máy cũ vào hoạt động khuôn khổ và có quy định chặt chẽ. Còn nếu tịch thu, hoặc cấm hoàn toàn thì phải bàn bạc để đưa ra chính sách hỗ trợ người dân một cách hợp lý.

"Xét trên nhiều góc độ, với người nghèo, chiếc xe máy cũ là miếng cơm manh áo của cả gia đình, nếu như đề xuất cấm xe máy cũ được phê duyệt, các cơ quan chức năng TP HCM cần có chính sách hỗ trợ các gia đình khó khăn để họ thay đổi phương tiện làm ăn, kiếm sống một cách dễ dàng. Giống như đã từng hỗ trợ đối với chủ những chiếc xe thô sơ, xích lô, ba gác trước đây vậy", ông Mạnh cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Ninh (Kiến thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN