Cảm phục hành trình vượt cung đường "tử thần rình rập" đi gieo con chữ của thầy giáo trẻ

“Anh ôm chặt vào em kẻo ngã. Xe có nghiêng anh cũng đừng chống chân xuống đất...”, thầy giáo trẻ Đinh Văn Phước ghì chặt tay lái liên tục dặn tôi.

Con đường núi sình lầy, quanh co uốn lượn với vô số các điểm sạt lở núi hãi hùng giữa đỉnh núi nơi vùng cao Sơn Tây (Quảng Ngãi) như thử thách tôi trong hành trình cùng thầy vượt núi….

Hành trình vượt núi vào làng dạy chữ của thầy Đinh Văn Phước

Hành trình vượt núi vào làng dạy chữ của thầy Đinh Văn Phước

Vượt qua nỗi sợ

Mưa rừng rả rích, không một tuyến đường nào dẫn vào thôn làng ở huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) thoát khỏi sạt lở núi. Đất đá đổ ập xuống chắn ngang đường. Hôm nay, tôi có một cuộc hẹn, một hành trình cùng thầy Đinh Văn Phước, giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Sơn Liên, huyện Sơn Tây vào điểm trường lẻ ở thôn Đắk Doa – nơi thầy Phước đang công tác để thấu hiểu cái nghề “gõ đầu trẻ" ở nơi thâm sơn cùng cốc này.

Đắk Doa là một thôn nghèo của xã Sơn Liên nằm hút sâu dưới những dãy núi cao chót vót. Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Cadong sinh sống. Học sinh ở làng này không thể ra trường chính học, nên ngành giáo dục địa phương phải xây dựng điểm trường lẻ ở đây và cử thầy cô băng rừng vào làng dạy chữ.

Đôi chân người thầy vì học trò

Đôi chân người thầy vì học trò

Tôi leo lên ngồi phía sau chiếc xe máy cà tàng của thầy giáo Phước để cùng thầy vào điểm trường. Những cơn mưa rừng nặng hạt nhòe cả mắt. Nhưng điều đó không đáng sợ bằng mỗi lần thầy Phước chở tôi qua những quả đồi sạt lở với hàng trăm mét khối đất đá đổ ập xuống đường. Tôi thật sự “xanh mặt”.

Thầy không sợ sao?

Đi riết rồi quen anh ơi! Có hôm lở tắc hết đường thì phải ngủ lại điểm trường.

Lỡ núi lở bất ngờ thầy tránh sao kịp?

Cũng hên xui thôi anh. Điểm nào sạt lở thì đi qua mình phải cận thận, cố gắng tăng ga để qua cho thật nhanh. Sợ nhất lúc trời mưa lớn, núi dễ lở lắm.

Nguy hiểm vậy có hôm nào thầy không vào điểm trường dạy không?

Không đâu!. Mình phải ráng đi. Không tới lớp thì ai dạy học cho tụi nhỏ. Biết là khổ, nguy hiểm nhưng vì nghề, vì học trò phải cố gắng thôi.

Vượt qua những đỉnh núi sạt lở đầy hiểm nguy nhưng những người thầy như thầy giáo Phước vẫn không bỏ cuộc

Vượt qua những đỉnh núi sạt lở đầy hiểm nguy nhưng những người thầy như thầy giáo Phước vẫn không bỏ cuộc

Cuộc trò chuyện vội vã giữa tôi và thầy Phước trong lúc thầy đang cố chở tôi băng qua một điểm sạt lở trên đường dẫn vào thôn Đắk Doa. Từ trường chính nằm ở trung tâm xã vào đến điểm trường lẻ nơi thầy Phước công tác dài hơn 6km đường đất. Mùa này đường sình lầy, trơn trượt và sạt lở núi tứ bề.

"Anh bám chặt vào người em đi. Đừng buông tay ra nhé! Đoạn đường này mới sạt lở hôm rồi nên rất khó đi", thầy Phước liên tục nhắc tôi. Chưa khi nào tôi đi trên một con đường mà có nhiều cảm giác đến như vậy. Cảm giác sợ hãi núi lở. Cảm giác nể phục những người thầy như thầy giáo Phước. Nhìn đôi chân thầy lấm lem bùn đất mà cảm động trong lòng.

Tôi đã vượt qua nỗi sợ với mong muốn được đặt chân vào lớp học của thầy. 40 phút cho hành trình vượt núi, cuối cùng tôi và thầy Phước cũng vào đến thôn Đắk Doa khi mưa rừng vẫn chưa ngớt.

Nụ cười của thầy giữa đỉnh núi cao

Nụ cười của thầy giữa đỉnh núi cao

Tâm huyết với nghề

Thầy Phước vội xối nước rửa đôi chân đầy bùn đất rồi bước vào lớp học. Thầy nở nụ cười hiền khi thấy hôm nay lớp học của thầy có đủ học sinh. Lớp học chỉ vỏn vẹn 8 em học sinh. Thầy kể rằng, để duy trì số lượng học sinh đến lớp như thế này không đơn giản.

“5 giờ sáng em đã khởi hành vào làng. Có những lúc đến lớp không có em học sinh nào thì phải chạy đến từng nhà học sinh để vận động đưa các em đi học. Thậm chí phải chở các em đến tận lớp học. Trên này chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức về chuyện cho con đi học cũng ít được phụ huynh quan tâm. Mình lơ là thì học sinh bỏ học ngay” – thầy Phước thổ lộ.

Lớp học của thầy Phước vẫn đều đặn mỗi ngày

Lớp học của thầy Phước vẫn đều đặn mỗi ngày

“Em cầm tờ lịch cũ

Ngày hôm qua đâu rồi?

Ra ngoài sân hỏi bố

Xoa đầu em, bố cười

Ngày hôm qua ở lại

Trên cành hoa trong vườn

Nụ hồng lớn lên mãi

Đợi đến ngày tỏa hương”

Thầy Phước liên hồi đọc cho những đứa học trò thân thương của mình bắt nhịp đọc theo. Năm nay 34 tuổi, người thầy giáo trẻ này đã có 5 năm trong nghề, trong đó có 3 năm tiên phong vào làng Đắk Doa công tác. Trẻ nghề nhưng lại rất say nghề, chính điều ấy đã trở thành sức mạnh để thầy Phước có thể vượt qua những khó khăn vào vùng sâu dạy chữ cho học trò.

“Mình cũng là người đồng bào dân tộc thiểu số nên hiểu được những khó khăn, thiếu thốn của các em. Phải cố gắng vào đây dạy để giúp các em có cái chữ để mai này tương lai các em tươi sáng hơn”, thầy nói.

Tới trưa, thầy Phước dừng buổi dạy rồi 8 thầy trò vào một căn phòng nhỏ để dùng bữa. Các em học sinh lớp 1 được ba mẹ chuẩn bị cơm mang theo. Có em không có hộp đựng cơm và thức ăn nên phải đựng trong bị nilon. Thầy Phước chạnh lòng: “Có đứa chỉ đem cơm trắng, có đứa thì may mắn có tí cá khô, chút canh rau rừng. Có hôm có đứa không mang cơm theo thì mình phải đi mua mì tôm về nấu cho ăn để chiều còn học tiếp”.

Bữa cơm của những em học trò nơi thầy Phước dạy học luôn khó khăn chồng chất

Bữa cơm của những em học trò nơi thầy Phước dạy học luôn khó khăn chồng chất

Tôi nhờ thầy mua tặng mỗi em một cái hộp mới rồi cùng thầy xuống núi. Một cuộc trải nghiệm và đầy thấu cảm về những người thầy gieo chữ nơi rẻo cao như thầy giáo trẻ Đinh Văn Phước. Người ta bảo nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý dường như chỉ mới đúng chứ chưa đủ.

Tôi phục những người thầy, người cô là vậy...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Võ Minh Huy ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN