“Cảm ơn ông Lý Quang Diệu!”

Người dân Singapore mặc đồ đen, trên tay cầm hoa hồng, hoa cẩm chướng, hoa huệ... có mặt ở tất cả mọi nơi để tưởng nhớ cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.

Phải có mặt ở Singapore những ngày này, mới hiểu hết được tình cảm mến yêu và sự mất mát của người dân Singapore trước sự ra đi mãi mãi của ông Lý Quang Diệu. Không chỉ như một nhà lãnh đạo tài ba, vượt lên tất cả là tình cảm như ruột thịt mà người dân Singapore đã dành cho ông. Và tôi cảm nhận được rằng, đó là di sản khổng lồ nhất mà ông để lại- một tượng đài vững chãi trong lòng người dân.

“Cảm ơn ông Lý Quang Diệu!” - 1

Người dân Singapore tiếc thương cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. (Ảnh: Getty Images)

Ở nhiều điểm công cộng có dán thông tin về 4 trang web chia buồn, nơi người dân có thể tỏ lòng kính trọng và tiếc thương đến ông Lý Quang Diệu. Trên những trang web này, ở dòng cuối cùng có một câu hỏi ngắn, nhưng tất cả người dân Singapore đều kiên nhẫn trả lời. Câu hỏi rằng: Bạn muốn nói điều gì với người sáng lập, nhà kiến tạo ra Singapore? 98% câu trả lời rất ngắn gọn: “Tôi muốn nói cảm ơn ngài Lý”. Một vài người ngậm ngùi nói rằng họ rất vui vì ông Lý đã được đoàn tụ với vợ- tình yêu của cuộc đời mình, bà Kwa Geok Choo, người đã qua đời vào năm 2010.

Họ cảm ơn ông Lý đã làm nên Singapore như ngày hôm nay - một quốc gia có đường phố an toàn, xanh, sạch, đẹp, nền kinh tế thịnh vượng và hệ thống chính trị ổn định.

Tôi thấy ở trên tàu điện ngầm đến Orchard, nhiều người dân Singapore chăm chú đọc báo. Khá tò mò, tôi tiến lại gần và lướt mắt vào bài báo, dòng tít vô cùng ấn tượng đập vào mắt tôi: “Những dòng sông sạch, nhờ có ngài Lý” (Clean rivers, thanks to Mr Lee). Giản dị nhưng cũng vô cùng vĩ đại, người dân đã biết ơn ông từ việc mang lại cho họ nguồn sống trong lành, đến sự trù phú, thịnh vượng…

Để đạt được điều này, ông là một nhà lãnh đạo tuyệt vời bằng cả tài năng kiệt xuất lẫn tâm đức trong sáng. “Di sản của ông để lại không phải là tạc tượng hay bảo tàng, đó là tất cả những gì xung quanh chúng ta ngày hôm nay” - một người dân viết lời bày tỏ.

Điều có thể không nhiều người biết đến là cách đây trên 150 năm, Singapore chỉ là một làng chài nhỏ bé, dân cư thưa thớt và là nơi trú ngụ của những tên cướp biển. Vì sao một đất nước nhỏ nhất trong khu vực Đông Nam Á và là một trong số những nước nhỏ nhất thế giới lại trở thành một quốc gia tầm cỡ thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á? Nhìn lại lịch sử phát triển của Singapore từ năm 1965 đến nay có thể thấy, sự thành công của đất nước này là sự tổng hòa của nhiều nhân tố- nhân tố quốc tế và khu vực, nguồn nội lực và ngoại lực. Những yếu tố tạo nên “thương hiệu” kỳ diệu của quốc đảo này gồm: Thứ nhất là khát vọng và nỗ lực vươn lên đóng vai trò quyết định dẫn đến thành công của một quốc gia nhỏ bé, không giàu có về tài nguyên. Chính phủ Singapore dưới bàn tay của ông Lý Quang Diệu đã tiến hành chiến lược công nghiệp hóa với 2 giai đoạn- công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu và công nghiệp hóa hướng ra xuất khẩu.

Thứ hai, thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong kinh tế: Chính sách đào tạo, trọng dụng nhân tài và đề cao vai trò của thế hệ trẻ. Với chính sách đó, quốc đảo này đã thu được những thành tựu đáng kể trong xây dựng đất nước cũng như hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, thông qua “chế độ học tập suốt đời” trong cả nước, Chính phủ đã tạo ra môi trường học tập văn hoá lành mạnh cũng như nâng cao được sự học tập thuận lợi của mỗi công dân. Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã xác định rõ nhân tài là yếu tố then chốt quyết định khả năng cạnh tranh và phát triển của nền kinh tế.

Thứ ba, Singapore có thể chế trong sạch và một chính phủ tài năng. Để khẳng định vị trí lãnh đạo của mình, các nhà lãnh đạo Singapore xúc tiến việc thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Đồng thời, việc xây dựng và duy trì một chính phủ trong sạch, không tham nhũng đã trở thành động lực để thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Thêm vào đó, hệ thống pháp luật chặt chẽ và trật tự xã hội nghiêm minh được thiết lập từ những thập niên đầu tiên và góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của đảo quốc này.

Có được thành công, nhưng người Singapore vẫn nằm lòng những lời dặn của ông Lý Quang Diệu: “Đừng xem những gì được xây dựng nên là điều hiển nhiên, là thứ có sẵn. Đừng bao giờ quên rằng đây chỉ là một hòn đảo nhỏ, nơi mà chúng ta xây dựng nên một toà tháp cao 100 tầng, và có thể lên đến 150 tầng nếu bạn đủ thông thái. Nhưng nếu bạn tin rằng điều này là vĩnh cửu, thì toà tháp sẽ sụp đổ và bạn sẽ không thể nào có được cơ hội thứ hai”.

Chúng tôi- những người đã từng đến Singapore - đều không thể quên rằng, nơi chúng tôi đang ngỡ như lạc chân vào chốn thiên đường này, trước đây chỉ là một làng chài nhỏ bé với 120 người dân sống nhờ vào nghề đánh bắt cá. Nhờ vào bàn tay kiến tạo tài ba của ông Lý Quang Diệu - Singapore đã trở thành thiên đường ở châu Á.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Mai (Viết từ Singapore) ([Tên nguồn])
Huyền thoại Lý Quang Diệu qua đời Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN