Cấm khách du lịch vào "xóm cà phê đường tàu"
Từ hôm nay (10/10), cơ quan chức năng sẽ đặt các barrie tại một số điểm vào cà phê đường tàu, bước đầu thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội xóa điểm cà phê ảnh hưởng đến hành lang an toàn đường sắt.
Xóm đường tàu bỗng vắng lặng trước lệnh cấm
Sau khi Bộ GTVT gửi văn bản đề nghị rà soát các quán cà phê trên đường sắt, xử lý nghiêm các vi phạm an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn Hà Nội, UBND thành phố cũng đã có chỉ đạo nhằm xóa bỏ những quán cà phê trên đường tàu, trong đó tập trung phần lớn ở địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Sau khi biết thông tin này, cả tuần nay, du khách lẫn người dân Thủ đô kéo đến khu vực đường tàu trải nghiệm ngày càng đông. Có lúc, đoàn tàu đã phải dừng hẳn lại để đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh.
Tuy vậy, đến sáng 9/10, “xóm đường tàu” (theo cách gọi của nhiều người dân) đã vắng hẳn. Nhiều cửa hàng đến 10 giờ sáng vẫn chưa mở cửa, một số khác mở cửa nhưng không còn bày bàn ghế ra gần đường sắt nữa. Anh Tuấn (nhân viên bán hàng) cho biết, từ 3 ngày nay, lực lượng chức năng đi xử lý rất nhiều. Biển hiệu, đèn lồng treo ra ngoài đều phải dỡ bỏ. “Toàn bộ các quán cà phê phải bỏ đi là điều vô cùng đáng tiếc, vì nhiều du khách rất thích thú, còn coi đây là “đặc sản” của Hà Nội”, anh Tuấn nói.
Theo chị Ryu So-yeon (du khách Hàn Quốc), mỗi lần đến Hà Nội, đoàn của chị đều ghé thăm cà phê đường tàu, “tiếng rung, rít nghe vừa sợ nhưng cũng rất thú vị”, nữ du khách chia sẻ. Đồng quan điểm, ông Johnson (du khách Anh) cho rằng, những đoàn tàu, ray tàu có lịch sử cả trăm năm không phải dễ tìm trên thế giới. Nếu dẹp bỏ hàng quán quanh đây sẽ rất đáng tiếc. Ông Johnson đề xuất để đảm bảo an toàn, có thể lắp hàng rào 2 bên đường ray.
Quản lý tốt hơn là cấm?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến (chuyên gia về Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Đã vi phạm luật thì chắc chắn không được làm. Tuy nhiên, cấm hoàn toàn thì sẽ là lãng phí. Đoàn tàu giá trị hàng trăm năm, hay những khu tập thể cũ… đều là những địa điểm có thể khai thác được trong du lịch. Do đó, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đề xuất, nếu có thể các quán cà phê đường tàu ở Hà Nội bố trí khách ngồi trong nhà hoặc trên sân thượng để du khách thư giãn chờ đợi tàu đi qua. Nếu quản lý tốt, đường tàu đi xuyên qua phố sẽ trở thành điểm du lịch độc đáo của Hà Nội.
Đồng quan điểm, đại diện doanh nghiệp lữ hành Vietravel cho rằng: Không chỉ ở nước ta, văn hóa sinh hoạt đường tàu có ở một số nước khác, như Thái Lan có cả chợ họp trên đường tàu, tàu hỏa đi qua người dân lại họp chợ bình thường. Ở đây vấn đề là phải làm thế nào để quản lý tốt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch.
Chính thức đóng cửa “xóm đường tàu”
Thống kê từ Phòng CSGT Hà Nội cho thấy, từ ngày 15/12/2018 đến ngày 14/9/2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm 12 người chết, 1 người bị thương. Đáng lưu ý, các vụ này chủ yếu xảy ra ở các địa bàn ngoại thành. Dù thời gian qua chưa có vụ tai nạn nào xảy ra tại khu vực “xóm đường tàu” thuộc địa bàn các phường nội thành, song không vì thế mà chủ quan.
Đại diện Đội CSGT đường sắt (Phòng CSGT Hà Nội) cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa cùng kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Đề nghị UBND các phường xây dựng triển khai kế hoạch cụ thể, chỉ đạo tổ dân phố, nhắc nhở tuyên truyền nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Dù đã được cảnh báo nhiều lần về những vi phạm hành lang an toàn đường sắt nhưng lượng du khách tò mò đổ về tuyến đường sắt chạy qua khu phố cổ Hà Nội ngày càng nhiều. Chỉ 30 phút sau khi đoàn kiểm tra liên ngành rời đi, mọi vi phạm lại tái diễn.
Đội CSGT Đường sắt cũng nhìn nhận, có nhiều nhà dân xây từ lâu nên khoảng cách giữa đường sắt và các hộ không đảm bảo theo luật định, do đó người dân đi đứng, sinh hoạt hàng ngày trong phạm vi đường sắt rất khó để xử lý.
Ngoài ra, chế tài xử phạt không đủ sức răn đe. Ví dụ như bán hàng trên đường sắt chỉ phạt tối đa 500.000 đồng đối với cá nhân, tối đa 1 triệu đồng với tổ chức. Luật Đường sắt quy định trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đường sắt đi qua rõ ràng nhưng việc xử lý của địa phương còn hình thức, chưa thực sự quyết liệt.
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, đúng 8 giờ sáng 10/10, đơn vị sẽ tổ chức 5 chốt có barrie ở các điểm lên xuống ra vào “xóm đường tàu”. Những chốt này hạn chế du khách đến từ nơi khác, chỉ cho người dân sinh sống ra vào.
Theo thống kê, hiện có 53 nhà xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ đường sắt, trong đó có 31 hộ kinh doanh vi phạm. Qua công tác kiểm tra, xử lý đã xử lý hơn 60 trường hợp: cầu dắt xe, chậu cây cảnh, bê tông…
Căn cứ theo giờ tàu chạy, công an các phường sẽ huy động lực lượng làm nhiệm vụ giải tán số người dân và khách du lịch trên hành lang an toàn đường sắt. Về lâu dài, Công an quận tính tới các giải pháp mềm như điều tra cơ bản các hộ xây dựng công trình sai phép, làm công tác tuyên truyền để các hộ tự phá dỡ. Đối với các trường hợp không tự giác phá dỡ, trưởng công an phường báo cáo với UBND phường để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, tài nguyên nào, hoạt động nào nếu biết khai thác cũng trở thành điểm thu hút khách du lịch. Với các điểm du lịch, Hà Nội luôn khuyến khích phát triển, tuy nhiên phải đúng với quy định của pháp luật và đảm bảo an ninh an toàn tuyệt đối với du khách, nhất là khi Hà Nội đang là điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn. |
Những năm gần đây, cà phê phố đường tàu trở thành một trong những địa điểm du lịch nổi bật ở Hà Nội cùng với...