Cam kết mạnh mẽ của Chủ tịch UBND TP HCM
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đưa ra nhiều cam kết để thúc đẩy kinh tế - xã hội, khẳng định quyết tâm đưa thành phố trở lại vị trí, vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế
Chiều 8-12, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố khóa X nhiệm kỳ 2021-2026. Phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp. Đây là lần đầu tiên ông Phan Văn Mãi trả lời chất vấn với cương vị người đứng đầu UBND TP HCM. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên dự phiên họp này.
Ba vấn đề lớn cần đặc biệt quan tâm
Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP HCM đã điểm qua tình hình kinh tế TP HCM năm 2021. Theo ông Phan Văn Mãi, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III/2021 giảm mạnh, giảm 24,97% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh như vậy, kinh tế - xã hội thành phố năm 2021 cũng có những điểm sáng tích cực. Trong đó, đáng kể nhất là tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 370.483 tỉ đồng, đạt 101,3% dự toán năm; một số ngành, lĩnh vực duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, như thông tin và truyền thông tăng 6,08%; tài chính - ngân hàng - bảo hiểm tăng 8,16%; giáo dục - đào tạo tăng 3,12%... Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu ước tăng 2,8%, kim ngạch nhập khẩu ước tăng 24,9% so với cùng kỳ.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi (bìa phải) trao đổi với đại biểu HĐND TP HCM chiều 8-12
Chủ tịch UBND TP HCM nhìn nhận thực tiễn cho thấy tổng thể kinh tế thành phố vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh những hệ quả về kinh tế - xã hội, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ 3 vấn đề lớn mà thành phố cần đặc biệt quan tâm là quản trị thành phố trong tình hình mới; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị thành phố; từ đổi mới công tác quản trị, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng thành phố trong tương lai. "Do đó, chặng đường phục hồi kinh tế phía trước sẽ còn gặp nhiều trở ngại nếu không có hệ thống các giải pháp đồng bộ, với tầm nhìn dài hạn và triển khai linh hoạt, kịp thời, phù hợp trong thời gian tới" - Chủ tịch UBND TP HCM nói.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, thành phố đặt ra chủ đề năm 2022 là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp". Thành phố đề ra 19 chỉ tiêu, trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 6%-6,5%. "Việc đưa tốc độ tăng trưởng từ âm 6,78% lên 6%-6,5% sau một năm là nhiệm vụ rất khó khăn" - ông Phan Văn Mãi nhìn nhận. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định với nền tảng hạ tầng kinh tế và lực lượng doanh nghiệp hiện hữu của thành phố, cùng với truyền thống năng động, sáng tạo vốn có, nếu có môi trường kinh doanh thuận lợi, có sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của nhà nước (trung ương và thành phố) về tài chính, tín dụng, dịch vụ hành chính công và kiểm soát tốt dịch bệnh thì việc phục hồi kinh tế thành phố theo hình chữ V là điều hoàn toàn có thể.
Những kế hoạch cụ thể
Tại phiên chất vấn, đại biểu đã đặt ra nhiều vấn đề về an sinh, phát triển kinh tế, đô thị lên Chủ tịch UBND TP HCM.
Đại biểu Võ Thị Trung Trinh chất vấn hiện thành phố đang thiếu nguồn vốn cho các dự án. Vậy TP HCM cần làm gì để khai thác hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực tư nhân? Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh đặt vấn đề: Liên quan dự án vành đai 2, 3, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết tình hình rất khó khăn, không rõ thời điểm bố trí vốn. Do đó, Chủ tịch UBND TP HCM có giải pháp gì để phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là dự án vành đai 2 và 3?
Trả lời, Chủ tịch UBND TP HCM nói dự án vành đai 2, thành phố cố gắng trong năm 2022 cân đối nguồn vốn để khởi động, hoàn thành trong nhiệm kỳ này. Còn với vành đai 3, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho TP HCM và các địa phương nghiên cứu đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Tuy nhiên, vừa rồi TP HCM cùng Long An, Bình Dương, Đồng Nai nhận thấy hình thức đầu tư này chưa khả thi vì phải mất đến 29 năm để thực hiện. Do đó, sau khi được sự thống nhất với các tỉnh liên quan, TP HCM đã báo cáo với lãnh đạo các địa phương để nghiên cứu, tiếp cận đầu tư công nhằm thực hiện vành đai 3, quyết tâm thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Nếu ngân sách trung ương khó khăn thì sẽ cân đối nguồn vốn địa phương để giải phóng mặt bằng. "Thành phố sẽ quyết tâm thực hiện các dự án vành đai vì những công trình quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển của TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" - Chủ tịch UBND thành phố khẳng định.
Về vấn đề huy động nguồn lực xã hội, ông Phan Văn Mãi nói TP HCM nhận thức đây là vấn đề cực kỳ lớn và rất quan trọng nên cần cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính để giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm khơi thông nguồn vốn này. Trên cơ sở kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm, TP HCM sẽ rà soát, phân loại lại theo hướng dự án nào có thể đầu tư tư nhân hoặc hợp tác công - tư thì kêu gọi đầu tư. Thành phố cũng sẽ cải cách hành chính, đồng hành với nhà đầu tư để giải quyết khó khăn. Bằng những cách này, có thể thu hút nhiều hơn đầu tư tư nhân.
Đề cập vấn đề an sinh xã hội, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết đã làm nhiều nhưng đến nay vẫn "chưa tròn" với người dân. Trong thời gian tới, TP HCM bố trí đủ ngân sách để thực hiện các gói đã ban hành. Các ngành chức năng thành phố và quận, huyện sẽ tiếp tục rà soát để cấp phát cho người dân nhằm bảo đảm trường hợp khó khăn tiếp cận được gói an sinh, giúp bà con phần nào giải quyết được khó khăn.
Về vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động, ông Phan Văn Mãi cho hay TP HCM đã có kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 và hoàn thiện sớm triển khai đề án nhà ở giá rẻ để người lao động, người thu nhập thấp tiếp cận được dưới hình thức thuê hoặc mua. Thành phố sẽ kêu gọi, huy động mọi nguồn lực để thực hiện các chương trình này.
"Sở Y tế TP HCM đã có tờ trình gửi Thường trực UBND TP HCM, trong đó kiến nghị hỗ trợ thu nhập cho nhân viên y tế cơ sở, tăng định biên cho trạm y tế...". Ông TĂNG CHÍ THƯỢNG- Giám đốc Sở Y tế TP HCM |
Bốn giải pháp huy động nguồn vốn Tại kỳ họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Lê Thị Huỳnh Mai trình bày 4 giải pháp huy động vốn để có thêm nguồn lực đầu tư. Thứ nhất, rà soát và điều chỉnh quy hoạch khu vực quanh metro, rà soát quỹ đất công để có thêm nguồn thu từ đất. Thứ hai, cơ cấu lại các ngành nghề, doanh nghiệp để ưu tiên dịch vụ thế mạnh, tạo nguồn lực lan tỏa, phát triển các ngành nghề khác. Thứ ba, đề nghị các địa phương báo cáo các dự án tiềm năng để kêu gọi nhà đầu tư tham gia. Thứ tư, TP HCM có giải pháp để phát triển thành phần kinh tế và mô hình kinh doanh mới. |
Bệnh nhân COVID-19 nhóm nặng và nguy kịch tại TP.HCM đang gia tăng, gây áp lực ở tầng 2 nhưng tầng 3 cũng đang trong tình trạng...
Nguồn: [Link nguồn]