Cấm giáo viên bình luận Facebook và quyền tự do ngôn luận

Việc Phòng GD&ĐT TP Châu Đốc (An Giang) ban hành văn bản có nội dung cấm giáo viên trên địa bàn like, bình luận "nhạy cảm" trên Facebook, tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận.

Nhiều chuyên gia cho rằng nghiêm cấm lan truyền, đăng tải những vấn đề có tính phản động, chống phá Nhà nước hoặc gây ảnh hưởng đến uy tín cá nhân người khác thì hiểu được nhưng cấm cả các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách thì không ổn.

Sẽ không rút lại công văn

Phòng GD&ĐT TP Châu Đốc vừa ký ban hành công văn có nội dung cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh “khi tham gia mạng xã hội nghiêm cấm bình luận, thích (like), chia sẻ (share), đăng nội dung các vấn đề có liên quan đến chế độ chính sách, chính trị, tôn giáo, phản động, chống phá chính quyền, làm ảnh hưởng uy tín cá nhân người khác".

Để rộng đường dư luận, tối 20-11, Pháp Luật TP.HCM đã liên lạc qua điện thoại với bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Trưởng phòng GD&ĐT TP Châu Đốc, để hỏi về công văn trên.

Bà Loan cho biết: “Mạng xã hội hiện nay rất phổ biến, tự do ngôn luận có thể khiến mọi người nhận thức khác đi, lệch lạc đi, chia sẻ cá vấn đề nhạy cảm có thể dẫn đến sai lầm. Ở góc độ quản lý, tôi không muốn anh em vi phạm nên nhắc nhở. Về những bức xúc chính sách nếu muốn anh em có thể đề đạt lên nhà trường để giải quyết. Dân chủ nhưng phải có kỷ cương, công văn chỉ để nhắc nhở chung để ổn định về mặt tư tưởng”.

Cấm giáo viên bình luận Facebook và quyền tự do ngôn luận - 1

Nhiều ý kiến cho rằng công văn trên vẫn đi ngược lại quyền của mọi người mà pháp luật không cấm. Đây là mệnh lệnh hành chính của người đứng đầu ngành giáo dục ở địa phương, cấp dưới không thể không thực hiện. PV đặt vấn đề một văn bản “chưa chuẩn” như vậy liệu phòng có rút lại hoặc chỉnh sửa cho phù hợp? Bà Loan nói rõ: “Công văn chỉ có tính nhắc nhở người trong ngành tham gia mạng xã hội cần bình tĩnh, nhận định cho đúng và chuẩn, hoàn toàn không có ý chế tài. Do đó, phòng sẽ không rút”.

Bàn về chính sách thì sao phải cấm?

Chế độ chính sách nói chung rất mênh mông, bao trùm các mặt của đời sống xã hội và không phải là vấn đề nhạy cảm thì cớ gì ngành giáo dục Châu Đốc lại cấm cán bộ của mình tham gia bình luận trên mạng xã hội? Chẳng lẽ khi gặp các đề tài tiền lương, BHXH… Cán bộ, giáo viên, học sinh không được phép bày tỏ quan điểm?

Trong khi mỗi lần sửa đổi các Luật BHXH, Luật An sinh xã hội, Luật Giáo dục đại học, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em… đều khuyến khích người dân tham gia góp ý để hoàn thiện.

Ngay cả các vấn đề về tôn giáo, người dân, trong đó có cán bộ, giáo viên, học sinh cũng có quyền tham gia bình luận trong khuôn khổ quyền tự do ngôn luận và tôn giáo của Nhà nước.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM)

Cần thu hồi văn bản

Hiến pháp quy định người dân có quyền tự do ngôn luận, tất nhiên ai cũng phải tự biết điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp pháp luật. Trong khi Điều 5 Nghị định 72/2013 của Chính Phủ đã quy định rõ các hành vi bị cấm khi tham gia mạng Internet. Trong đó không đề cập đến vấn đề chế độ chính sách xã hội. Như vậy, việc Phòng GD&ĐT TP Châu Đốc yêu cầu như trên là hạn chế quyền công dân của những đối tượng chịu tác động bởi văn bản đó. Do vậy, tôi nghĩ cơ quan ban hành cần thu hồi văn bản này.

LS PHAN NGỌC NHÀN (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk)

Cấm giáo viên bình luận Facebook và quyền tự do ngôn luận - 2

Thông tin chấn chỉnh cán bộ, Đảng viên lợi dụng hoạt động của Facebook đăng trên trang web của tỉnh An Giang

Xâm phạm quyền tự do ngôn luận

Nếu hiểu văn bản này chỉ để áp dụng nội bộ cũng không đúng vì nội quy chỉ có giá trị đối với việc thực hiện công việc của cơ quan, tổ chức. Trong khi đây là đang cấm công dân thực hiện những quyền liên quan đến vấn đề chung của xã hội mà mọi công dân điều có quyền tự do ngôn luận.

Phòng Giáo dục TP Châu Đốc nên thu hồi hoặc ban hành một văn bản khác mang tính hướng dẫn, khuyến khích khi công dân thực hiện các quyền tự do ngôn luận của họ. Việc cấm đoán không đúng pháp luật sẽ làm họ lo sợ khi sử dụng mạng xã hội. Vô hình trung đã hạn chế quyền tiếp nhận và chia sẻ thông tin, hạn chế công dân tiếp cận môi trường Internet, không tốt cho sự phát hiển công nghệ thông tin.

Luật sư NGUYỄN TẤN THI (Văn phòng luật sư Hoa Sen, TP.HCM)

Trái hướng dẫn của Chính phủ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng phát biểu kêu gọi mọi người hãy là những công dân có trách nhiệm cao khi sử dụng mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung. Từ ngày 21-10, trang “Thông tin Chính phủ” trên Facebook do Cổng thông tin điện tử Chính phủ thử nghiệm được cập nhật hằng ngày và để ở chế độ bạn đọc có thể viết bình luận đã thu hút hàng chục ngàn lượt “like” và bình luận.

Công văn trên không phù hợp với thực tiễn, trái hướng dẫn của Chính phủ. Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 72/2013, công văn này đang cản trở trái pháp luật việc thông tin hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi truy cập thông tin hợp pháp.

Luật sư NGUYỄN VĂN QUYNH (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Tuệ - Thanh Tùng - Phương Loan ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN