Cầm dép đánh vào đầu trẻ, cô giáo có thể bị xử lý hình sự
Luật sư Lê Văn Kiên cho rằng, hành vi dùng dép đánh vào đầu, thúc đầu gối vào bụng hay véo tai trẻ mầm non của cô giáo có dấu hiệu của hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em.
Trẻ bị cô giáo mầm non cầm dép đánh vào đầu
Có dấu hiệu ngược đãi, hành hạ trẻ em
Ngày 5.2, trên mạng xã hội lan truyền clip “trẻ bị cô giáo mầm non lấy dép đánh vào đầu vì “ị” đùn”. Clip khiến cư dân mạng, các bậc phụ huynh bức xúc.
Theo hình ảnh clip, một cô giáo chỉ tay vào mặt học sinh sau đó cầm một chiếc dép tổ ong đập 2 cái vào đầu đứa trẻ khoảng 2 tuổi.
Trong clip cũng xuất hiện hình ảnh, một đứa trẻ khóc thét với vẻ mặt sợ hãi nhưng vẫn bị một cô giáo quát tháo, lấy đầu gối thúc nhẹ vào người và véo tai kéo đi.
Sự việc sau đó được xác định xảy ra ở trường mầm non Sen Vàng Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cơ sở 1 là trường Mầm non Sen Vàng, Xa La, Hà Đông).
Bà Nguyễn Thị Hồng, Kế toán của trường Sen Vàng (Minh Khai) cho biết, sau khi xảy ra sự việc, nhà trường chấm dứt hợp đồng với hai cô giáo đánh học sinh vì đó là hình ảnh phản giáo dục.
Bà Hồng cũng tiết lộ, người quay đoạn clip trên và đăng tải trên mạng xã hội là cô T - một giáo viên của nhà trường, nguyên nhân là do mâu thuẫn cá nhân. Sau sự việc, cô giáo T. cũng tự xin nghỉ việc.
Liên quan đến sự việc trên, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết, trẻ em là đối tượng được gia đình, Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự.
Luật sư Lê Văn Kiên cho rằng: Hành vi dùng dép đánh vào đầu, thúc đầu gói bụng hay véo tai trẻ mầm non của cô giáo có dấu hiệu của hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em.
Các cô giáo có thể sẽ bị xử lý hành chính về hành vi hành hạ trẻ em trong trường hợp cháu bé không bị thương tích và phụ huynh cháu bé không có đơn tố cáo.
Trong trường hợp, việc hành hạ diễn ra nhiều lần và kéo dài, các cô giáo sẽ bị xử lý hình sự về tội “Hành hạ người khác”.
Nếu phụ huynh làm đơn tố cáo và qua giám định cháu bé bị thương tích, cô giáo sẽ bị xử lý hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”.
“Theo luật quy định, các hành vi như xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em hay dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn để thể xác và tinh thần là vi phạm quyền trẻ em.
Chiếu theo đó, có thể thấy các cô giáo đã có dấu hiệu của hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em khi thực hiện các hành động dùng dép đánh vào đầu, thúc đầu gối vào bụng, véo tai, chửi mắng học sinh mầm non.
Trong trường hợp chưa đủ yếu tố xử lý hình sự, các cô giáo có thể bị xử lý hành chính với số tiền 5-10 triệu đồng vì đã có hành xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần được quy định trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính bảo trợ cứu trợ xã hội bảo vệ chăm sóc trẻ em”, luật sư Kiên phân tích.
Trường Mầm non Sen Vàng, Minh Khai, Hà Nội, nơi xảy ra sự việc cô giáo đánh trẻ
Dùng bạo lực để giáo dục là phản khoa học
Luật sư Kiên cho rằng, hành vi của các cô giáo trong đoạn clip rất đáng bị lên án, đặc biệt khi nó lại diễn ra ở cơ sở giáo dục và người thực hiện nó là giáo viên.
“Mục đích các cô có thể chỉ nhằm răn đe các cháu, không nhằm mục đích bạo hành nhưng việc sử dụng bạo lực để giáo dục như vậy là phản khoa học, đáng bị lên án.
Hành động đánh cầm dép đánh vào đầu, hay thúc đầu gối vào bụng của một đứa trẻ hoàn toàn có thể gây thương tích, các cô giáo có thể bị xử lý hình sự về hành vi như vậy.
Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là việc các sử dụng bạo lực để giáo dục một đứa trẻ mới 2-3 tuổi có thể khiến các cháu bị tổn thương về tâm lý như sợ hãi, lo lắng, sống tách biệt, thậm chí sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề…, đây là những di chứng rất nặng nề”, luật sư Kiên phân tích.
Về việc nữ giáo viên quay clip ghi lại đồng nghiệp đánh đập, chửi các cháu bé tung lên mạng theo thông tin bà Hồng cung cấp, luật sư Kiên cho rằng, hành động của cô T. có thể coi là tố giác tội phạm dù nó nhằm mục đích cá nhân, hạ bệ người khác.
“Pháp luật khuyến khích mọi người dân tố giác hành vi trái pháp luật. Việc làm của cô T. hoàn toàn có thể khuyến khích nhưng có thể khiến cô gặp phiền phức nếu cơ sở mầm non có quy định riêng như cấm giáo viên sử dụng điện thoại trong giờ làm việc chẳng hạn”, luật sư Kiên nói.
Clip: “Trẻ bị cô giáo mầm non lấy dép đánh vào đầu