"Cấm cửa" taxi, xe công nghệ làm giá, vòi tiền khách tại Tân Sơn Nhất
Tài xế làm giá vận chuyển, không chạy theo đồng hồ tính tiền tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bị đình chỉ 14 ngày ngay khi vi phạm lần đầu tiên.
Cấm hoạt động ngay khi làm giá vận chuyển với khách
Cảng HKQT Tân Sơn Nhất vừa ban hành quy định mới về tổ chức, quản lý hoạt động khai thác, vận tải hành khách bằng ô tô tại sân bay.
Quy định này của Cảng áp dụng với các hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi; kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định với những phương án xử lý được cho là khá nghiêm khắc.
Tùy theo mức độ vi phạm, các tài xế, nhân viên điều hành tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bị xử lý nghiêm
Cụ thể, khi nhân viên tại quầy, điều hành và lái xe vi phạm, Cảng sẽ lập biên bản gửi về doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách. Các doanh nghiệp phải xử lý và có văn bản phản hồi về Cảng.
“Trung bình tháng 7, mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất đón khoảng 50 nghìn khách. Khoảng 25% hành khách trong số này cần gọi xe, đồng nghĩa với việc sẽ cần khoảng 10 - 12 nghìn xe mỗi ngày. Tuy nhiên, hiện cả xe công nghệ và taxi chỉ đáp ứng tối đa khoảng 90% của khách hàng. Thời điểm thiếu xe nghiêm trọng nhất là từ 18h - 23h, nhất là những ngày cuối tuần, thời tiết mưa giông.” |
Cá nhân vi phạm, đã bị tạm ngưng hoạt động tại Cảng lần 1, nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị xem xét, không cho tiếp tục hoạt động tại Cảng.
Trường hợp cá nhân vi phạm liên quan tới pháp luật, lập biên bản bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.
Đáng chú ý, liên quan đến các lỗi vi phạm, nhiều hành vi không được phép với các cá nhân như sử dụng phương tiện không đúng biển số đã đăng ký với công ty; không niêm yết tem, logo, phù hiệu trên phương tiện theo quy định; Thỏa thuận với hành khách để cung cấp các dịch vụ không thực hiện trên ứng dụng Grab; chèo kéo, tranh giành khách tại khu vực sân bay; thu tiền dịch vụ dừng đỗ quá mức quy định;…
Trong đó, tài xế sẽ bị cấm hoạt động tại Cảng ngay lập tức khi yêu cầu hành khách xuống xe giữa đường mà không có lý do hợp lý; Cố ý không hoàn trả tài sản của khách để quên trên xe; môi giới, chuyển hành khách cho tài xế khác phục vụ; đe dọa hoặc tấn công hành khách...
Với những trường hợp tài xế từ chối vận chuyển khách, đến lần thứ 3 sẽ bị đình chỉ hoạt động.
Trường hợp tài xế làm giá vận chuyển, không chạy theo đồng hồ vận chuyển tính tiền chuyến đi sẽ bị đình chỉ 14 ngày khi vi phạm lần 1. Vi phạm lần 2 sẽ bị cấm hoạt động tại Cảng.
Với các doanh nghiệp, sẽ xử lý vi phạm theo số lượng lỗi. Trong đó, vi phạm lần 1 sẽ phải tạm ngưng hoạt động tại Cảng trong 3 ngày, lần 2 tạm ngưng hoạt động trong 5 ngày và vi phạm lần 3 sẽ xem xét, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Đồng thời, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không lập biên bản với trường hợp thiếu số lượng xe theo cam kết. Cùng đó, sau khi bị ngưng hoạt động, doanh nghiệp phải có văn bản gửi Cảng báo cáo về việc triển khai tổ chức chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách của doanh nghiệp.
Buộc duy trì số lượng phương tiện hoạt động theo đúng cam kết
Doanh nghiệp có trách nhiệm duy trì số lượng phương tiện hoạt động tại sân bay theo đúng số lượng cam kết
Theo quy định được ban hành, với kinh doanh hoạt động vận tải bằng xe ô tô, doanh nghiệp phải có Giấy phép kinh doanh, trong đó có các loại hình kinh doanh vận tải hành khách được đăng ký khai tác theo quy định.
Đồng thời, doanh nghiệp phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản với lái xe và nhân viên điều hành, lựa chọn lái xe có tay nghề cao, có kinh nghiệm, đã được tập huấn nghiệp vụ và học tập quy định về hoạt động khai thác tại sân bay. Chỉ sử dụng lái xe có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế, không tuyển dụng và sử dụng lái xe sử dụng ma túy.
Doanh nghiệp vận tải phải đảm bảo các quyền lợi của hành khách theo quy định; phải lắp thiết bị giám sát hành trình và đăng ký logo, đăng ký và niêm yết giá công khai; phải đăng ký số lượng, loại xe, biển kiểm soát với Cảng.
Chỉ những doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh ký hợp đồng làm việc với Cảng mới được hoạt động khai thác vận tải hành khách tại Cảng. Các doanh nghiệp có trách nhiệm duy trì số lượng phương tiện hoạt động tại Cảng theo đúng số lượng cam kết.
Doanh nghiệp vận tải hành khách theo hợp đồng chỉ được ký hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do doanh nghiệp vận tải cung cấp. Đồng thời, không được bán vé, thu tiền với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức…
Nhân viên điều hành vận tải phải có thái độ hòa nhã, văn minh, lịch sự với hành khách; Tuyệt đối không được từ chối vận chuyển hành khách đi chuyến ngắn, không được làm giá vận chuyển, không được tự ý điều xe vượt quá số lượng theo hợp đồng đã ký kết.
Tài xế không được bỏ xe, chào mời, chèo kéo, tranh giành khách; không được tự ý bấm đồng hồ tính tiền vận chuyển từ khi đậu chờ xếp tài đến khi lên tài tại điểm đón taxi. Tài xế chỉ được bật đồng hồ tính tiền vận chuyển trước khi xe lăn bánh nếu trên xe có khách.
Cùng đó, tài xế cũng không được làm giá, đòi thêm tiền, không chạy theo đồng hồ tính tiền vận chuyển khi chưa được sự đồng ý của hành khách, cũng không được thu tiền dịch vụ dừng đỗ tại Cảng vượt quá mức quy định. Ngoài ra, không được bắt hành khách xuống giữa đường khi chưa đến địa điểm yêu cầu hoặc môi giới, chuyển khách sang xe khác khi chưa có sự đồng ý của khách.
Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản gửi các hãng taxi, Grab, BE… yêu cầu chấn chỉnh ngay tình trạng hành khách bị chặt chém, chèo kéo, ép giá, làm giá.
Sở cũng yêu cầu các DN khẩn trương kiểm tra, rà soát, phối hợp chấn chỉnh ngay các nội dung phản ánh của hành khách, trong đó chấn chỉnh tình trạng nhận khách trong sân bay sau đó lái xe tự ý từ chối phục vụ vận chuyển đối với tuyến đường có cự ly gần, “bắt ép” hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn, “vòi vĩnh” nhận thêm tiền cước…
Chiều 14/8, Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, đơn vị vừa phát hiện và lập biên bản xử lý lái xe taxi “chặt chém” khi chở khách du lịch ở phố cổ.
Nguồn: [Link nguồn]